I. Giới thiệu

Kinh, Luật phần lớn là từ bài giảng và từ sự chế ước của đức Phật. Và các bài giảng và sự chế ước Luật của Phật lúc đương thời đã không được ghi thành sách, do vậy sẽ có thể sai lầm khi được truyền miệng lại cho người khác do trí nhớ không chính xác hoặc được kiến giải theo ý kiến cá nhân của các vị đệ tử.

Hơn nữa, có một số đệ tử đưa ra sự “sáng tạo” một cách tự do và tùy tiện theo quan điểm hoàn toàn cá nhân trong việc giải thích và tu sửa giáo lý và giới luật của Đức Phật, nó có thể sẽ mang lại một sự tác hại trong tăng đoàn và giáo chúng. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, cũng còn có nhiều ý kiến mang tính ngộ nhận về Kinh điển, đã phân biệt kinh tạng tiểu thừa hoặc Đại thừa, kinh tạng Trung Hoa hoặc Pali.

Như vậy, việc hệ thống hóa và hoàn chỉnh các lời dạy và sự chế ước Luật của Đức Phật là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Ngoài ra, việc làm sáng tỏ những lời dạy của Ngài bằng những luận thuyết cũng góp phần đưa người học tránh khỏi mê lầm một cách dễ dàng hơn, những điều đó đã được thực hiện qua các kì kết tập Kinh điển mà người nghiên cứu Phật học không thể không biết đến.

II. Khái quát về các kì kết tập Kinh điển

Trước khi nói về ý nghĩa các kì kết tập, thì trước tiên cần nêu lên khái niệm của Kinh, Luật, Luận, vì xét cho cùng thì mục tiêu của các kì kết tập đều đề cập tới các khái niệm này và coi nó như là đối tượng chủ yếu.

Khái niệm về Kinh, Luật, Luận

Kinh: tức Pháp, là phần ghi lại những tình tiết trong đời sống hay sinh hoạt của Đức Phật và những bài pháp của Phật thuyết giảng vào những dịp khác nhau để giáo hóa mọi thành phần căn cơ chúng sinh từ Chư Thiên, Phạm thiên đến Loài Người. Mục đích là hướng dẫn chúng sinh thoát khỏi mê lầm, tiến đến Giác ngộ qua những phương thức thực hành Giới- Định- Huệ.

Luật: là những qui định rõ ràng và riêng biệt về luật ghi trong sinh hoạt của tồ chức Giáo đoàn hay Tăng đoàn. Nó là nền tảng cơ bản pháp quy của giáo đoàn do Phật thiết lập. Đây là Phật đã dựa vào sự kiện xảy ra, nơi xảy ra, và đệ tử vi phạm, cùng sinh hoạt tổ chức của giáo đoàn.

Luận: Trọng tâm của Luận Tạng là triển khai lời Phật dạy trong kinh và làm sáng tỏ thêm những lý luận liên quan đến sinh hoạt tâm lý con người và vũ trụ mà thôi.

Khái quát về các kì kết tập Kinh điển

Có 6 kì kết tập Kinh điển, trong đó 4 lần kết tập đầu tiên được tổ chức tại Ấn Độ,(có thuyết cho rằng lần thứ 4 được tổ chức tại Sri Lanka), lần 5 và lần 6 được tổ chức tại Miến Điện ( Năm 1870 và 1954), nhưng từ kì kết tập thứ 4 đến thứ sáu chỉ mang tính chất làm sáng tỏ các điểm chính trong kinh hoặc kinh được viết lại trên 1 loại giấy khác mà thôi, không thay đổi nội dung của Kinh điển.

III. Phân tích ý nghĩa & giá trị của các kì kết tập Kinh điển

Có thể thấy rằng qua các kiết tập thì hệ thống Kinh, Luật, Luận của Phật giáo được thiết lập và tu sửa một cách hoàn chỉnh, vậy giá trị và ý nghĩa của nó cũng không thể không nằm trong ý nghĩa của tam tạng thánh điển của Phật giáo.

1.Hoàn chỉnh Tam tạng Phật giáo để người sau có kim chỉ nam mà tu tập Giải thoát

1.1 Tạng Kinh giống như một quyển sách ghi lại nhiều quy tắc để coi theo mà thực hành, vì đó là các bài Pháp do Ðức Phật thuyết giảng ở nhiều trường hợp khác nhau cho nhiều người có căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau. Ở mỗi trường hợp Ðức Phật có một lối giảng để người thính Pháp có thể lãnh hội dễ dàng. Phần lớn các bài Pháp này nhằm vào lợi ích của chư Tỳ kheo và đề cập đến đời sống Thánh thiện của các bậc xuất gia. Nhiều bài khác liên quan đến tiến bộ vật chất và tinh thần, đạo đức của người Cư sĩ.

Như vậy, nếu không trùng tuyên lại Kinh điển, thì làm sao có kim chỉ nam đúng đắn cho các đệ tử và giáo chúng căn cứ tu tập nhằm Giải thoát, kinh mà ghi sai thì làm sao mà tu đúng, không tu đúng thì làm sao mà Giải thoát. Vì xét cho cùng: “ Đối với tín đồ Phật giáo, đặc biệt là hàng ngũ xuất gia, không có gì ý nghĩa hơn lời dạy Đức Phật, vì đây là phương tiên duy nhất để họ đạt được mục đích an lạc, Giải thoát”.

1.2 Tạng Luật nêu rõ đầy đủ lý do tại sao và trường hợp nào Ðức Phật ban hành một giới, và mô tả rành mạch các nghi thức hành lễ sám hối (Vinaya) của chư Tăng. Giới Định Huệ là 3 thành tố có liên quan mật thiết với nhau, và người tu phải thực hành một cách đầy đủ để chứng ngộ, không Giữ giới thì không thể định, không định sẽ không phát triển trí huệ Như vậy, nếu không trùng tuyên tạng luật, ai cũng có thể bỏ giới một cách dễ dàng thì cũng khó mà đạt được các quả vị Giải thoát.

1.3 Tạng Luận là một phần quan trọng trong toàn thể Giáo Pháp vì đây là phần triết lý mang nặng những từ ngữ chuyên môn, so với Tạng Kinh (giản dị hơn). Abhidhamma, Tạng Luận hay sự “giải thích” Pháp, là tinh hoa của Phật giáo. ( Người viết không sử dụng từ “vi diệu” vì cho rằng nó không phù hợp ở đây, xét cho cùng thì không thể có gì vi diệu hơn lời dạy Đức Phật, và cũng không ai có thể tự cho mình là giỏi hơn Đức Phật để có thể bổ xung giáo lý của Ngài).

Ðối với bậc thiện trí thức muốn tìm chân lý, Tạng Luận là quyển Kinh giải thích và triển khai lời dạy của đức Phật theo các góc cạnh khác nhau. Ở đây có đủ thức ăn tinh thần cho các học giả muốn mở mang trí tuệ và đời sống lý tưởng của người Phật tử. Luận không phải loại sách để đọc thoáng qua cầu vui hay giải trí. Mà là loại sách để giúp cho hành giả Phật giáo hiểu rõ ràng và sâu sắc Đạo Pháp nhằm dễ dàng đi tới con đường chứng ngộ cho riêng mình.

Tóm lại, qua kì kiết tập lần 1, lần 4 thì tam tạng Kinh điển Phật giáo đã được hoàn chỉnh, đây là một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Phật giáo và giá trị của nó là vô cùng to lớn đối với Phật tử, Phật tử đã có kim chỉ nam đúng đắn để soi rọi cho con đường tu chứng của bản thân mình, nhằm đạt được quả vị Giải thoát.

2.Tránh sự ngộ nhận về Kinh điển

Qua lần kết tập đầu tiên thì 4 trong 5 bộ kinh tạng Pali (Pancanikaya) đã được hoàn chỉnh, bao gồm các bộ Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Tương Ưng bộ kinh. Các bộ kinh này là nguyên thủy của lời Đức Phật dạy, vì lúc đó chưa có phân chia bộ phái Tiểu thừa hay Đại thừa, do vậy không thể nói rằng Kinh điển của trường phái này hay nọ. Phật giáo VN chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nên thường coi trọng các bản kinh luận viết bằng chữ Hán, rồi cho rằng các bản kinh này quí giá hơn bản kinh Pali, tư tưởng này cần phải xóa bỏ. Việc tu tập cần thiết phải dựa vào các bản kinh nguyên thủy tiếng Pali do chính đức Phật truyền dạy. Kì kết tập đầu tiên mang ý nghĩa xác định lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, vậy giá trị được nêu lên đối với Phật tử ở đây là tránh sự ngộ nhận về Kinh điển, người tu hành thì không thể chấp thủ về bất cứ điều gì huống hồ là chấp vào kinh tạng, cho rằng kinh tạng Trung Hoa có giá trị hơn kinh tạng nguyên thủy.

3.Duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo

3.1 Duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo qua việc làm trong sạch hóa tăng đoàn Gía trị chân chính của một tôn giáo nằm ở hệ thống giáo lý và giới luật, nhưng sức mạnh thật sự của hệ thống này chỉ có thể đo lường ngang qua tổ chức của nó. Nghĩa là, đời sống tu hành của mỗi cá nhân và tập thể phản ánh sự hùng mạnh hay yếu kém của nó.

Kết tập lần 3 đã đem tăng đoàn Phật giáo trở lại sự trong sạch vốn có của nó, nếu như không vậy thì tăng đoàn ngày nay cũng theo đó mà có sự vàng thau lẫn lộn, gây mất niềm tin nơi Phật tử và giáo chúng, đạo Phật sẽ không thể tồn tại và phát triển trong điều kiện như thế.

3.2 Duy trì sự tồn tại và phát triển Phật giáo thông qua yếu tố giới luật

Tạng Luật được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Cũng có thể nói rằng giới luật là Thọ mạng của Phật giáo, người tu hành Giữ giới sẽ là tấm gương sáng cho các người khác noi theo, người ngoại đạo thấy vẻ uy nghi của kẻ tuân thủ giới luật sẽ dễ dàng có thiện cảm với đạo Phật, và khi có thiện cảm thì người đó sẽ dễ dàng quy y tam bảo.Phật giáo ngày càng được duy trì và phát triển, bằng ngược lại sẽ suy tàn. Vậy, khi trùng tuyên tạng luật qua kì kết tập lần 2 sẽ góp phần duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo.

3.3 Phát triển Phật giáo qua yếu tố truyền giáo

Qua kết tập lần 3, Đạo Phật đã được truyền sang các nước châu Á, châu Phi và châu Âu, Kinh điển, thánh vật cũng được mang theo, Phật giáo được phát triển và mở mang. Khi Hồi giáo xâm chiếm và tiêu hủy kinh tạng và tàn phá thánh tích tại Ấn Độ, thì kinh tạng vẫn còn được lưu giữ tại các quốc gia mà Phật giáo được truyền sang, có thể nói chính yếu tố truyền giáo này đã bảo tồn được Kinh điển của Phật giáo.

Qua yếu tố truyền giáo thì Phật giáo đã trở thành tôn giáo mang tính toàn cầu.

3.4 Phát triển Phật giáo qua việc phân chia bộ phái

Thượng tọa bộ và đại chúng bộ là nền tảng của cuộc kết tập lần 2, nhưng dưới quan điểm của một số học giả ngày nay, thì việc phân chia này đã mang đến cho Phật giáo một sự phát triển toàn diện có tính chất bổ xung cho nhau và nói lên tính chất lịch sử của yếu tố phát triển Phật giáo, tuy giáo lý được phân làm hai truyền thống: Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển. (về mặt địa lý, truyền thừa thì gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông). Sử dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy; phần thân ngọn cành lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển – cả hai bổ sung cho nhau. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó.

Sự hình thành các bộ phái là do việc đáp ứng nhu cầu của thời đại, của căn cơ chúng sinh, yếu tố phát triển Phật giáo phải nằm trong sự đáp ứng của đạo Phật vào thời đại, nếu không thì đạo Phật sẽ không thể phát triển được.

3.5 Phát triển Phật giáo thông qua tính linh hoạt của việc vận dụng giới luật

Qua các kì kết tập Kinh điển, thì yếu tố linh hoạt trong việc vận dụng kinh luật đã được đề cập, cụ thể như sau:

Phật đã cẩn thận căn dặn: “Này các Tỳ kheo, tuy là những điều do Ta chế định, nhưng nếu không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương đó, thì không nên áp dụng. Trái lại, có những điều không do Ta quy định, nhưng vốn là phong tục tập quán của địa phương ấy thì không thể không thi hành” (Ngũ Phần luật, ĐTK.1421, tr.153a).

Rồi Đức Phật bổ túc: “Tỳ kheo khi làm việc vì, nên đem đối chiếu với kinh, luật, nếu việc làm đó phù hợp với tinh thần của kinh, luật thì hãy làm. Ngược lại, nếu việc làm đó trái với tinh thần của kinh, luật, thì không nên làm” (Tứ Phần Luật, ĐTK.1428, tr.970a).

Tóm lại, tinh thần của Phật giáo là “Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên”. Chúng ta có thể linh động áp dụng giới luật sao cho tốt nhất để đạt đến mục đích Giải thoát, nhưng phải thận trọng trong việc đề xuất những quy định mới, và nhất là không nên tùy tiện sửa đổi giới luật của Phật.

Cái gì cứng thì không thể phát triển được, tôn giáo cũng cần phải linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp với thời đại thì nó mới có thể phát triển được. Và cái gì thuộc về lõi thì sẽ tồn tại lâu dài.

VI. KẾT LUẬN

Qua phần phân tích trên có thể thấy rằng, đối với Phật giáo, ý nghĩa của các kì kết tập Kinh điển có thể gói ghém trong 2 điểm sau đây:

1. Đem lại sự chính xác và hoàn chỉnh cho Tam Tạng thánh Điển 2. Duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo

Còn giá trị của các kì kết tập đối với Phật tử là vô cùng to lớn, nó xác định lời dạy nguyên thủy của Đức Phật giúp Phật tử tránh được những ngộ nhân về Kinh điển, và có các phương tiện chuẩn xác làm nền tảng cho quá trình tu tập của mình thông qua giáo hội tăng già trong sạch và Tam tạng thánh điển phong phú, đa dạng và chuẩn xác.

Nếu không có các kì kết tập thì e rằng Phật giáo đã không thể tồn tại và phát triển cho tới ngày hôm nay. Việc nghiên cứu sâu sắc các kì kết tập là nội dung không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu Đạo Phật trong quá trình hình thành và phát triển của nó.

Tài liệu tham khảo

1.Viên Trí -Ấn Độ Phật giáo Sử luận- NXB Phương Đông 2005 2.Viên Trí- Ý nghĩa Giới Luật- NXB Tôn giáo Hà Nội 2005 3.Trường bộ kinh song ngữ Pali- Việt Thích Minh Châu dịch ( bản in trước 75) 4.Trung bộ kinh -nt- 5.Tăng chi bộ kinh -nt- 6.Tương ưng bộ kinh -nt- 7.Thắng pháp tập yếu luận -nt- 8.Tứ Phần Luật/ Ngũ phần luật

(hoangnguyen)- Tóm tắt bản tiểu luận sau khi học hết môn LSPG Ấn Độ do TT tiến sĩ Viên Trí hướng dẫn tại Học viện PG VN, c/n TP.HCM

https://sachxua.net/forum/ban-tron-van-hoc-lich-su-van-hoa/y-nghia-va-gia-tri-cua-cac-ki-ket-tap-kinh-dien-phat-giao/