Ðại Tạng Kinh Việt Nam
**Tiểu Bộ Kinh
Khuddaka Nikàya**
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập I
Kinh Tập
Sutta Nipata
Chương 1
Chương Một – Phẩm Rắn Uragavagga
(I) Kinh Rắn (Sn 1)
1. Ai nhiếp phục phẫn nộ Ðang được dấy khởi lên, Như dùng chất linh dược, Ngăn độc rắn lan rộng Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
2. Ái cắt đứt Tham dục, Không còn chút dư tàn, Như kẻ hái hoa sen Sanh ra từ ao hồ. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
3. Ai cắt đứt tham ái, Không còn chút dư tàn, Làm cho nước cạn khô, Dòng nước chảy nhanh mạnh Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
4. Ai phá hoại kiêu mạn Không còn chút dư tàn, Như nước mạnh tàn phá Cây cỏ lau yếu hèn, Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
5. Ai trong các sanh hữu, Không tìm thấy lõi cây, Như kẻ đi hái hoa, Trên cây sung không hoa. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
6. Với ai trong nội tâm, Không còn có phẫn hận, Ðã vượt thoát ra khỏi, Cả hữu và phi hữu. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
7. Với ai những tầm tư, Ðược làm cho tan biến Nội tâm khéo sửa soạn, Không còn chút dư tàn. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
8. Ai không đi quá trớn, Cũng không quá chậm trễ, Ðã nhiếp phục toàn diện, Hý luận chướng ngại này. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
9. Ai không đi quá trớn, Cũng không quá chậm trễ, Biết rõ được ở đời, Sự này toàn hư vọng. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
10. Ai không đi quá trớn, Cũng không quá chậm trễ, Từ bỏ, không có tham, Sự này toàn hư vọng. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
11. Ai không đi quá trớn, Cũng không quá chậm trễ, Từ bỏ, không Tham dục, Sự này toàn hư vọng. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
12. Ai không đi quá trớn, Cũng không quá chậm trễ, Từ bỏ, ly sân hận, Sự này toàn hư vọng. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
13. Ai không đi quá trớn, Cũng không quá chậm trễ, Từ bỏ, ly si ám, Sự này toàn hư vọng. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
14. Với ai, các tùy miên, Hoàn toàn không hiện hữu, Các nguồn gốc bất thiện Ðược nhổ lên trừ sạch. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
15. Với ai, không có gì, Do phiền não sanh khởi, Làm duyên trở lui lại, Về lại bờ bên này. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
16. Với ai, không có gì, Do rừng ái sanh khởi, Tạo nhân khiến trói buộc Con người vào Tái sanh. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
17. Ai đoạn năm triền cái, Không sầu khổ bực phiền, Vượt qua được nghi hoặc, Thoát mũi tên phiền não. Tỷ-kheo ấy từ bỏ, Bờ này và bờ kia, Như loài rắn thoát bỏ Da rắn cũ già xưa.
(II) Kinh Dhaniya (Sn 3)
Dhaniya:
18. Cơm ta, nấu đã chín, Sữa uống, ta vắt xong, Mục đồng Dhaniya, Ðã nói lên như vậy. Trên bờ sông Mahì, Ta chung sống đồng cư, Chòi lá được khéo lợp, Lửa đốt được cháy đỏ. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
19. Ta đoạn được phẫn nộ, Tâm hoang vu không còn, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác Ðã nói lên như vậy. Trên bờ sông Mahì, Ta chỉ sống một đêm, Chòi lá được rộng mở, Lửa đốt được tịch tịnh. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
20. Ruồi lằn và muỗi mòng, Ở đây không tìm thấy, Mục đồng Dhaniya, Ðã nói lên như vậy. Trên cánh đồng cỏ mọc, Ðàn bò đi ăn cỏ, Dầu cơn mưa có đến, Chúng có thể chịu đựng. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
21. Các bè đã được cột, Khéo tác thành tốt đẹp, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác Ðã nói lên như vậy. Ai qua được bờ kia, Nhiếp phục dòng nước mạnh, Lợi ích của chiếc bè, Ðâu còn thấy cần thiết. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
22. Vợ ta khéo nhu thuận, Không có Tham dục gì, Mục đồng Dhaniya Ðã nói lên như vậy. Ðã lâu ngày chung sống, Vừa đẹp ý đẹp lòng, Ta không nghe điều gì, Thuộc ác hạnh về nàng. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
23. Tâm Ta khéo nhu thuận, Ðược Giải thoát, mở rộng, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác Ðã nói lên như vậy. Lâu ngày tu viên mãn, Khéo nhiếp phục chế ngự, Trong Ta các pháp ác, Không còn được tìm thấy. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
24. Với lợi tức thâu hoạch, Ta tự nuôi sống ta, Mục đồng Dhaniya Ðã nói lên như vậy, Con ta và cả ta, Sống chung không bệnh hoạn, Ta không nghe điều gì, Thuộc ác hạnh về chúng. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
25. Ta không có làm mướn, Cho một ai ở đời, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác Ðã nói lên như vậy Với điều được Chứng đắc, Ta du hành thế giới, Về tiền công cần thiết, Không thể có nơi Ta. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
26. Ðây có các bò cái, Ðây có các bò con, Mục đồng Dhaniya Ðã nói lên như vậy. Ðây có những bò mẹ, Mang thai, nối giống dòng, Ðây có những bò đực, Những con chúa đầu đàn. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
27. Ðây không có bò cái, Ðây không có bò con, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác Ðã nói lên như vậy. Ðây không có bò mẹ, Mang thai, nối giống dòng, Ðây không có bò đực, Những con chúa đầu đàn. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
28. Cây cột được đóng sâu, Không còn bị dao động, Mục đồng Dhaniya Ðã nói lên như vậy. Các dây bằng cây lau, Ðược bện lại mới chắc, Và các con bò con, Không thể nào giật đứt. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
29. Giống như con bò đực, Giật đứt các trói buộc, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác Ðã nói lên như vậy. Như voi làm bựt đứt Các giây leo héo mục, Ta không còn đi đến, Chỗ thai tạng Tái sanh. Nếu là ý người muốn, Thần mưa, hãy mưa đi.
30. Rồi mưa lớn đổ xuống, Làm đầy tràn đất trũng, Làm tràn ngập đất cao, Nghe trời gầm, mưa, thét, Mục đồng Dhaniya, Nói lên lời như sau:
Dhaniya:
31. Lợi thay cho chúng ta, Ðâu phải là lợi nhỏ, Chúng ta được chiêm ngưỡng, Bậc Chánh Giác, Thế Tôn. Ôi! Kính bậc Pháp nhãn, Con xin quy y Ngài, Kính bậc Ðại ẩn sĩ, Hãy là Thầy chúng con.
32. Vợ con và cả con, Là những người nhu thuận, Xin sống đời Phạm hạnh, Dưới chân bậc Thiện Thệ. Ðược đến bờ bên kia, Vượt khỏi sanh già chết, Chúng con sẽ trở thành Người đoạn tận đau khổ.
Màra:
33. Ai có các con trai, Hoan hỷ với con trai, Ðây là lời Ác ma, Ðã nói lên như vậy Người chủ các con bò, Hoan hỷ với con bò. Còn người thì hoan hỷ, Ðối với sự sanh y, Ai không có sanh y, không thể có hoan hỷ.
Thế Tôn:
34. Ai có các con trai, Sầu muộn với con trai, Bậc Thế Tôn, Chánh Giác, Ðã nói lên như vậy. Người chủ các con bò, Sầu muộn với con bò; Sầu muộn của con người, Chính do sự sanh y, Ai không có sanh y, Không thể có sầu muộn.