Chư Hiền, nếu có những người khác mắng nhiếc, chỉ trích, chọc tức, nhiễu não Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ như sau: “Khổ thọ khởi lên nơi tôi, thọ này thuộc tai xúc chạm, thọ này do nhân duyên, không phải không do nhân duyên, do nhân duyên gì? Do nhân duyên xúc”. Vị ấy thấy xúc là Vô thường, thấy thọ là Vô thường, thấy tưởng là Vô thường, thấy hành là Vô thường, thấy thức là Vô thường. Tâm của vị này hoan hỷ, thích thú, tịnh chỉ, quyết định, tùy thuộc giới đối tượng.
Chư Hiền, nếu những người khác xử sự với Tỷ-kheo không có hoàn hảo, không có tốt đẹp, không có khả ái, hoặc dùng tay xúc chạm, hoặc dùng đá xúc chạm, hoặc dùng gậy xúc chạm, hoặc dùng gươm xúc chạm, vị ấy tuệ tri như sau: “Sự thể của thân này là như vậy, nên tay có thể xúc chạm, đá có thể xúc chạm, gậy có thể xúc chạm, gươm có thể xúc chạm. Thế Tôn đã dạy như sau trong ví dụ cái cưa: “Chư Tỷ-kheo, nếu có kẻ trộm cướp hạ tiện lấy cái cưa hai lưỡi cắt từng phần tay và chân. Nếu ai ở đây sanh ý phẫn nộ, người ấy không làm đúng lời Ta dạy”. Ta sẽ Tinh cần, tinh tấn, không giải đãi. Niệm được an trú không có loạn niệm, thân thể được khinh an, không dao động, tâm được định tĩnh nhất tâm. Nay mặc cho tay xúc chạm thân này, mặc cho đá xúc chạm thân này, mặc cho gậy xúc chạm thân này, mặc cho gươm xúc chạm thân này, lời dạy chư Phật cần phải được thực hành.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập I – 28. Ðại kinh Dụ dấu chân voi (Mahàhatthipadopama sutta)