(I. Thuyết hư vô)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những lập thuyết như sau, có những quan điểm như sau: “Không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với Thắng trí”.
Nhưng này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói đối nghịch với các vị Sa-môn, Bà-la-môn kia, những vị này nói như sau: “Có (kết quả của) bố thí, có (kết quả của) lễ hy sinh, có (kết quả của) tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với Thắng trí”. Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào, có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói những lời đối nghịch với nhau?
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
— Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không có kết quả của bố thí, không có kết quả của lễ hy sinh, không có kết quả của tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với Thắng trí”. Ðối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng không có đời sau, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng không có đời sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời sau, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại Mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại Mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Nếu muốn đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại bị những người có trí quở trách: “Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương hư vô luận”. Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạn xứ, Địa ngục. Như vậy pháp “không gì chuyển hướng” này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có kết quả của bố thí, có kết quả của lễ hy sinh, có kết quả của tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với Thắng trí”. Ðối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ đợi xẩy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng có đời sau, thời đó là một chánh kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng có đời sau, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là có đời sau, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại Mạng chung sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn cho đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán: “Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương hữu luận”. Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, “pháp không gì chuyển hướng” này được chấp trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía, và bỏ qua phía bất thiện pháp.
(II. Thuyết vô tác dụng)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây ra sợ hãi, hay khiến người gây ra sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo”.
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói những lời đối nghịch với các Sa-môn, Bà-la-môn kia. Các vị này nói như sau: “Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây ác não hay khiến người gây ác não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy có tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu khiến người đốt nấu, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng, bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, thì do nhân duyên này, có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo. Bố thí, điều phục, tự chế, nói thật, đều có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo”.
Vì sao vậy? Này các Gia chủ, có phải những Sa-môn, Bà-la-môn này nói lời đối nghịch với nhau?
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
— Ở đây, này các Gia chủ, có những Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tự làm hay khiến người làm,… (như trên)… không đưa đến phước báo”. Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có tác dụng, nếu có quan điểm nào nói rằng không có tác dụng, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu ai có suy tư rằng không có tác dụng, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng không có tác dụng, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng không có tác dụng, thời tự mẫu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có tác dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác là không có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, người có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có tác dụng, thời vị này, sau khi thân hoại Mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có tác dụng, thời vị này sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Nếu muốn không có tác dụng đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách: “Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương không tác dụng”. Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Như vậy pháp “không gì chuyển hướng” này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ qua phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tự làm hay khiến người làm… (như trên)… có đưa đến phước báo”. Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy ? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có tác dụng, nếu có quan điểm nào nói rằng có tác dụng, thời đó là chánh kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai suy tư rằng có tác dụng, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng có tác dụng, thời đó là chánh ngữ, vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng có tác dụng, thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có tác dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác là có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có tác dụng, thời vị này, sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn tác dụng không có đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán: “Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có tác dụng”. Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, pháp “không gì chuyển hướng” này được chấp trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía, và bỏ qua phía bất thiện pháp.
(III. Thuyết vô nhân duyên)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Các chúng sanh ấy bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. Các chúng sanh ấy hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của họ”.
Này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối nghịch với những Sa-môn, Bà-la-môn ấy. Những vị này đã nói như sau: “Có nhân có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; không có nhân, không có duyên các loài hữu tình bị nhiễm ô. Có nhân, có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Có lực, có tinh tấn, có nhân lực, có sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không phải không tự tại, không có lực, không có tinh tấn. Không phải các chúng sanh ấy bị dẫn dắt, chi phối bởi định mệnh, bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. Không phải họ hưởng thọ khổ lạc y theo sáu loại thác sanh của họ”. Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói lên những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau?
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
— Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không có nhân, không có duyên… (như trên)… họ Cảm thọ khổ lạc..”. Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này sẽ thực hành theo. Vì sao vậy? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có nhân, nếu có quan điểm nào nói rằng không có nhân, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng không có nhân, thời đó là tư duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng không có nhân, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng không có nhân, thời tự mâu thuẫn, đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng có nhân, nếu có ai thuyết phục người khác là không có nhân, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, người có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có nhân, thời vị này, sau khi thân hoại Mạng chung, tự cảm thấy an toàn. Nếu có nhân, thời vị này, sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Nếu muốn không có nhân đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách. “Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương không nhân”. Còn nếu có nhân, thời vị này, cả hai mặt đều gặp sự bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Như vậy, pháp “không có chuyển hướng” này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ qua phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có nhân, có duyên… (như trên)… họ Cảm thọ hưởng lạc”. Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có nhân, nếu có quan điểm nào nói rằng có nhân, thời đó là chánh kiến. Vì rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng có nhân, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời không tự mâu thuẫn, đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng có nhân, nếu có ai thuyết phục người khác là có nhân, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có nhân, thời vị này sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn không có nhân đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, được những người có trí tán thán: “Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có nhân”. Còn nếu có nhân, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người có trí tán thán, sau khi thân hoại Mạng chung, sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này”. Như vậy, pháp “không gì chuyển hướng” này được chấp trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía và bỏ qua phía bất thiện pháp.
(IV. Thuyết Không có cõi vô sắc)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc”.
Lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn, đối nghịch với các Sa-môn, Ba la môn ấy. Các vị này đã nói như sau: “Chắc chắn có cõi vô sắc”. Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau?
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
— Ở đây, này các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan niệm như sau: “Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc”, ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tuyệt đối có cõi vô sắc”, ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: “Ðây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm,” thời như vậy không xứng đáng với ta. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc”, nếu lời nói của những Sa-môn, Ba la môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ Tái sanh tại chỗ các Chư Thiên có sắc do ý sở thành. Còn nếu những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tuyệt đối có cõi vô sắc”, nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ Tái sanh tại chỗ các Chư Thiên vô sắc, do tưởng sở thành. Do duyên với cái gì có sắc, chấp gậy, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ đều được thấy. Nhưng sẽ không có những sự việc này trong cõi vô sắc”. Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự ly tham, sự diệt tận các sắc pháp.
(V. Thuyết Không có Ðoạn diệt)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không thể có một sự hữu diệt (Bhavanirodha) toàn diện”.
Này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối nghịch với các Sa-môn, Bà-la-môn. Các vị này đã nói như sau: “Có thể có một sự hữu diệt toàn diện”. Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau?
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
— Ở đây, này các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không thể có sự hữu diệt toàn diện”, ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có thể có một sự hữu diệt toàn diện”, ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: “Ðây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm”, thời như vậy không xứng đáng với ta. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không thể có một sự hữu diệt toàn diện”, nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ Tái sanh chỗ các Chư Thiên vô sắc do tưởng sở thành. Còn nếu những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có thể có một sự hữu diệt toàn diện”, nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ nhập Niết-bàn ngay trong hiện tại. Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không thể có một sự hữu diệt toàn diện”, thời quan điểm này của các vị ấy gần với tham ái, gần với kiết sử, gần với ái lạc, gần với chấp trước, gần với chấp thủ. Còn những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có thể có sự hữu diệt toàn diện”, thời quan điểm này của những vị ấy là gần với ly tham, gần với không kiết phược, gần với không ái lạc, gần với không chấp trước, gần với không chấp thủ”. Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự vô tham, sự diệt tận đối với các hữu.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập II – 60. Kinh Không gì chuyển hướng (Apannaka sutta) (Quan trọng)