VIII. Cetanà: Tư Tâm Sở (Tạp 14.19, Tư Lường. Ðại 2,100a) (S.ii,65)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) … Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

3) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý (canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

IX. Tư Tâm Sở (Tạp 14.20 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, chúng ta tư lường, chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành (sở duyên) cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc.

3) Do duyên danh sắc nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ… ái… thủ… hữu… sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường nhưng có thầm ý, thời cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc.

5) Do duyên danh sắc nên có sáu xứ… như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

6) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng nên danh sắc không hạ sanh. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt… như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

X. Tư Tâm Sở (Tạp 14.21 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) … Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, cái gì chúng ta tư lường, cái gì chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức an trú.

3) Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về (hệ trước: nati). Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến Tái sanh. Do có sự đi đến Tái sanh nên có từ bỏ và sanh khởi. Do có từ bỏ và sanh khởi nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

4) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường, nhưng chỉ có thầm ý, thời cái ấy là sở duyên cho thức an trú. Do sự có mặt của sở duyên nên thức an trú.

5) Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về. Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến Tái sanh. Do có sự đi đến Tái sanh nên có từ bỏ và sanh khởi. Do có từ bỏ và sanh khởi, nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

6) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không có an trú.

7) Do thức ấy không an trú, không tăng trưởng nên không có thiên về, hướng về. Do không có thiên về, hướng về nên không có đi đến Tái sanh. Do không có sự đi đến Tái sanh nên không có từ bỏ và sanh khởi. Do không có từ bỏ và sanh khởi nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Xem chi tiết:

Kinh Tương Ưng – Tập II – Thiên Nhân Duyên – Chương I – Tương Ưng Nhân Duyên (b) – IV. Phẩm Kalàra – Vị Sát Ðế Lỵ