Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập II – Thiên Nhân Duyên
Chương IX
Tương Ưng Thí Dụ
I. Chóp Mái (S.ii,262)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Ở đây, Thế Tôn nói như sau:
3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn cao, phàm có những cây kèo xa nào, tất cả chúng đều đi đến góc nhọn, đều quy tựa vào góc nhọn, đều châu đầu vào góc nhọn, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những bất thiện pháp nào, tất cả chúng đều lấy vô minh làm cội rễ, đều lấy vô minh làm điểm tựa, đều châu đầu vào vô minh, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta hãy sống không phóng dật”.
II. Ðầu Ngón Tay (Tạp, Ðại 2. 345a) (Ðơn tạp 22. Trảo Thổ, Ðại 2, 498a) (S.ii,263)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và nói với các Tỷ-kheo:
3) — Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái gì nhiều hơn, chút đất này Ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?
4) — Cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh, không thể đi đến một vi phần, khi so sánh quả đất lớn với chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay.
5) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, rất ít là chúng sanh được Tái sanh làm người! Còn rất nhiều là những chúng sanh phải Tái sanh ra ngoài Loài Người!
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
III. Gia Ðình (Tạp, 47.14, Nhơn Gia, Ðại 2, 344c) (S.ii,263)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm ghè não hại.
3) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không tu tập từ tâm Giải thoát, không làm cho sung mãn, thời vị ấy dễ bị phi nhân não hại.
4) — Ví như, này các Tỷ-kheo, những gia đình nào có ít phụ nữ và nhiều đàn ông, thời gia đình ấy khó bị các đạo tặc, trộm ghè não hại.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào tu tập từ tâm Giải thoát, làm cho sung mãn, thời vị ấy rất khó bị phi nhân não hại.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm Giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo các Ông cần phải học tập.
IV. Cái Nồi (Tạp, Ðại 2, 344b) (S.ii,264)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, ai vào buổi sáng bố thí một trăm cái nồi, ai buổi trưa bố thí một trăm cái nồi, hay ai buổi chiều bố thí một trăm cái nồi, và ai buổi sáng chỉ trong thời gian bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt), tu tập từ tâm Giải thoát, hay ai buổi trưa chỉ trong thời gian bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt), tu tập từ tâm Giải thoát, hay ai buổi chiều chỉ trong thời gian bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt), tu tập từ tâm Giải thoát, sự việc này đối với sự việc trước, quả có lớn hơn.
3) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm Giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
V. Cây Lao (Satti) (Tạp, Ðại 2, 344c) Sakti, S.(Hoernh, 1.44-45) (S.ii,265)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây lao có lưỡi sắc bén. Rồi một người đến và nói: “Với tay hay với nắm tay, tôi sẽ bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, tôi sẽ đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, tôi sẽ uốn cong nó lại”.
3) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể với tay hay nắm tay bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, uốn cong nó lại không?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
4) Vì sao?
Bạch Thế Tôn, không dễ gì, với tay hay nắm tay bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, uống cong nó lại, mà không khiến cho người ấy mệt nhọc và bị não hại.
5) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi một ai (vị Tỷ-kheo) tu tập từ tâm Giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện, thời một phi nhân nào nghĩ rằng, có thể đánh ngã một tâm như vậy, kẻ phi nhân ấy ở đây sẽ mệt nhọc và bị não hại.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm Giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
VI. Người Bắn Cung (Tạp 24.9, Cung, Ðại 2, 171c) (S.ii,265)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, bốn người bắn cung dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật, đứng tại bốn phương.
3) Rồi một người đến và nói rằng: “Ta sẽ nắm bắt và đem lại những mũi tên được bắn đi bốn phương, trước khi chúng rơi xuống đất, do bốn người bắn cung này bắn đi, những người dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật”.
4) — Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Như vậy có vừa đủ chăng để gọi người nhanh nhẹn ấy đầy đủ với sự nhanh nhẹn tối thượng?
5) — Bạch Thế Tôn, nếu chỉ từ một người bắn cung dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật, có thể nắm bắt và đem lại một mũi tên được bắn đi, như vậy là vừa đủ để gọi người nhanh nhẹn ấy, đầy đủ với sự nhanh nhẹn tối thượng. Còn nói gì từ bốn người bắn tên, dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật!
6) — Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự nhanh nhẹn của người ấy. Và như vậy là sự nhanh nhẹn của mặt trăng, mặt trời, còn nhanh hơn sự nhanh nhẹn trước. Và như vậy, này các Tỷ-kheo là sự nhanh nhẹn của người ấy, và như vậy là sự nhanh nhẹn của mặt trăng, mặt trời, và như vậy là sự nhanh nhẹn của các Chư Thiên chạy trước mặt trăng, mặt trời. Còn nhanh nhẹn hơn là sự biến diệt của thọ hành (Thọ mạng của các sự vật).
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
VII. Cái Chốt Trống (Tạp 47.18, Cổ, Ðại 2, 315b) (S.ii,166)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2)– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasàrahà có một cái trống tên là Anaka.
3) Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasàrahà đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai.
5) Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất Thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
6) Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất Thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất Thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
VIII. Cỏ Rơm (Tạp, Ðại 2, 344b) (S.ii,267)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), Mahàvana (Ðại Lâm), Kuutàgàrasàlà (Trùng Các giảng đường).
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) — Sống trên các gối rơm, này các Tỷ-kheo, là lối sống hiện nay của dân chúng Licchavi, không phóng dật, nhiệt tâm trong nhiệm vụ. Ajàtasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha không có được cơ hội, không có được đối tượng để xâm lăng.
4) Trong tương lai, này các Tỷ-kheo, dân chúng Licchavi trở thành nhu nhược, tay chân mềm mỏng. Họ nằm trên những đồ nằm mềm mại. Họ ngủ cho đến mặt trời mọc trên những gối bông. Ajàtasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha, sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng để xâm lăng.
5) Sống trên các gối rơm, này các Tỷ-kheo, là nếp sống hiện nay của các Tỷ-kheo, không phóng dật, nhiệt tâm trong các nỗ lực. Ác ma không có cơ hội, không có đối tượng để xâm lăng.
6) Trong tương lai, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sẽ trở thành nhu nhược, tay chân mềm mỏng. Họ nằm trên những đồ nằm mềm mại. Họ ngủ cho đến mặt trời mọc trên những gối bông. Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng (để xâm lăng).
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ sống trên những gối rơm, không phóng dật, nhiệt tâm trong nỗ lực”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
IX. Voi (Tạp, Ðại 2, 284a) (Biệt Tạp 122. Ðại 2, 380c) (S.ii,268)
1) Tại ngôi vườn ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, một vị tân Tỷ-kheo đi đến các gia đình quá nhiều thì giờ. Các Tỷ-kheo nói với Tỷ-kheo ấy:
— Tôn giả chớ có đi đến các gia đình quá nhiều thì giờ.
3) Ðược nói vậy, vị Tỷ-kheo ấy nói:
— Những Trưởng lão Tỷ-kheo này nghĩ rằng, họ có thể đi đến các gia đình. Sao không phải ta?
4) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… rồi ngồi xuống một bên.
5) Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Ở đây, bạch Thế Tôn, có người tân Tỷ-kheo đi đến các gia đình quá nhiều thì giờ. Các Tỷ-kheo nói với Tỷ-kheo ấy: “Tôn giả chớ có đi đến các gia đình quá nhiều thì giờ”. Ðược các Tỷ-kheo nói vậy, Tỷ-kheo ấy nói: “Những Trưởng lão Tỷ-kheo này nghĩ rằng, họ có thể đi đến các gia đình. Sao không phải ta?”
6) — Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, gần một hồ nước lớn, tại một khu rừng, các con voi sống ở đấy. Chúng lặn xuống hồ, lấy vòi nhổ lên các củ và rễ sen, rửa chúng thật sạch, làm cho chúng sạch bùn rồi ăn chúng. Nhờ vậy, các con voi ấy được dung sắc và sức mạnh, và không vì nhân duyên ấy những con voi đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết.
7) Ðược huấn luyện theo các con voi lớn ấy, này các Tỷ-kheo, các con voi trẻ và nhỏ lặn xuống hồ, lấy vòi nhổ lên các củ, rễ sen, không rửa chúng thật sạch, không làm cho chúng sạch bùn rồi ăn chúng. Do vậy, các con voi ấy không được dung sắc và sức mạnh, và vì nhân duyên ấy những con voi đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết.
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây các Trưởng lão Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầmy bát, đi vào làng hay thị trấn để Khất thực. Tại đấy họ Thuyết pháp. Các gia chủ hoan hỷ làm bổn phận của mình với các vị ấy. Các Tỷ-kheo ấy thọ dụng các lợi đắc, không tham trước, không say đắm, không phạm tội, thấy những nguy hiểm, hiểu sự xuất ly với trí tuệ. Nhờ vậy, các Tỷ-kheo ấy được dung sắc và sức mạnh, và không vì nhân duyên ấy họ đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết.
9) Nhưng này các Tỷ-kheo, được huấn luyện theo các Trưởng lão Tỷ-kheo, các tân Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầmy bát đi vào làng hay thị trấn để Khất thực.
10) Tại đấy, các vị Thuyết pháp. Các gia chủ hoan hỷ làm bổn phận của mình. Các Tỷ-kheo ấy thọ dụng các lợi đắc, tham trước, say đắm, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, không hiểu sự xuất ly với trí tuệ. Do vậy, các vị Tỷ-kheo ấy không được dung sắc và sức mạnh, và vì nhân duyên ấy họ đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết.
11) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ thọ dụng các lợi đắc, không tham đắm, không say mê, không phạm tội, thấy những nguy hiểm, hiểu rõ sự xuất ly với trí tuệ”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
X. Con Mèo (Tạp, Ðại 2, 345c) (S.ii,270)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ có Tỷ-kheo thường dùng quá nhiều thì giờ giữa các gia đình. Các Tỷ-kheo nói với vị ấy: “Tôn giả chớ có dùng quá nhiều thì giờ giữa các gia đình”.
3) Tỷ-kheo ấy được các Tỷ-kheo nói vậy, tâm không hoan hỷ.
4) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… và bạch Thế Tôn:
5) — Ở đây, bạch Thế Tôn, có Tỷ-kheo thường dùng quá nhiều thì giờ giữa các gia đình. Các Tỷ-kheo nói với vị ấy: “Tôn giả chớ có dùng quá nhiều thì giờ giữa các gia đình”. Tỷ-kheo ấy được các Tỷ-kheo nói vậy, tâm không hoan hỷ.
6) — Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có con mèo đứng rình con chuột bên cạnh một đống rác tại một ống cống và nghĩ rằng: “Nếu có một con chuột nhắt nào đi kiếm ăn chạy ra, ta sẽ bắt lấy và ăn thịt”.
7) Rồi này các Tỷ-kheo, có con chuột nhắt vì kiếm ăn chạy ra. Và con mèo ấy bắt lấy nó, mau chóng hành động (sankharirva) và nuốt nó. Và con chuột nhắt ấy cắn ruột, cắn phủ tạng con mèo. Do nhân duyên ấy, con mèo đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết.
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, một số Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầmy bát, đi vào làng hay thị trấn để Khất thực, thân không phòng hộ, lời nói không phòng hộ, tâm không phòng hộ, niệm không an trú, các căn không chế ngự.
9) Ở đấy, các vị ấy thấy các phụ nữ mặc không đứng đắn, hay mặc không kín đáo. Sau khi các vị ấy thấy các phụ nữ mặc không đứng đắn, hay mặc không kín đáo, Tham dục não hại tâm. Các vị ấy bị Tham dục não hại tâm, đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết.
10) Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo, trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục. Ðây là đau khổ gần như chết, này các Tỷ-kheo, tức là sự vi phạm một uế tội, một tội phạm còn có thể tuyên bố xuất gỡ được.
11) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Phòng hộ thân, phòng hộ lời nói, phòng hộ tâm, an trú Chánh niệm, chế ngự các căn, chúng tôi sẽ đi vào làng hay thị trấn để Khất thực”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
XI. Con Chó Rừng (Giả-can) (Tạp 47.22. Ðại 2, 346a) (S.ii,271)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) — Các Ông có nghe chăng, này các Tỷ-kheo, trong ban đêm khi trời gần sáng, con giả-can đang tru lớn tiếng?
— Thưa có, bạch Thế Tôn.
3) — Ðó là con giả-can, này các Tỷ-kheo, bị mắc bệnh ghẻ lở. Chỗ nào nó muốn đi, chỗ nào nó muốn đứng, chỗ nào nó muốn ngồi, chỗ nào nó muốn nằm, gió lạnh buốt thổi lên trên nó.
4) Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu ở đây có người nào, tự cho là Thích tử, lại có thể Cảm thọ được một trạng huống tự ngã như vậy.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ không phóng dật”.
6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
XII. Con Giả Can (S.ii,272)
1) … Trú ở Sàvatthi.
2) — Các Ông có nghe chăng, này các Tỷ-kheo, trong ban đêm lúc gần sáng, có con giả-can già tru lớn tiếng?.
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
3) — Rất có thể, này các Tỷ-kheo, trong con giả-can già ấy, có nhiều biết ơn, có nhiều cảm tạ, hơn là ở đây trong một người tự xưng là Thích tử về biết ơn và về cảm tạ!
4) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ biết ơn, cảm tạ. Dầu cho có chút ít gì làm giữa chúng tôi, chúng tôi cũng không để cho mất đi”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.