VII. Chấp Thủ Và Ưu Não (Tạp 2.11 Thủ Trước, Ðại 2,10c) (S.iii,15)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi…
2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về sự chấp thủ và ưu não, sự không chấp thủ và không ưu não. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
— Này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các Bậc chân nhân, không thuần thục pháp các Bậc chân nhân, không tu tập pháp các Bậc chân nhân, người ấy quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Ðối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc sau khi xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.
5) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ trong tự ngã, hay tự ngã trong thọ. Ðối với vị ấy, thọ ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thọ ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm bị xâm nhập nên khủng bố (uttàsavà), chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.
6-7) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã… vị ấy quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có các hành, hay các hành trong tự ngã, hay tự ngã trong các hành. Ðối với vị ấy, các hành ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi các hành ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của các hành. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của các hành sanh khởi sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.
8) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Ðối với vị ấy, thức ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức sanh khởi sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp thủ và ưu não.
10) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là không chấp thủ và không ưu não?
11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, khéo tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các Bậc chân nhân, thuần thục pháp các Bậc chân nhân, khéo tu tập pháp các Bậc chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Ðối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.
12) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Ðối với vị ấy, thọ ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thọ ấy biến hoại và đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.
13) Không quán tưởng như là tự ngã…
14) Không quán các hành như là tự ngã…
15) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Ðối với vị ấy, thức ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức ấy biến hoại và đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.
16) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự không chấp thủ, không ưu não.
VIII. Chấp Thủ Và Ưu Não (Tạp 2.12, Hị Trước, Ðại 2,11a) (S.iii,18)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi…
2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về sự chấp thủ và ưu não, sự không chấp thủ và không ưu não…
Thế Tôn nói như sau:
3) — Này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: “Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi”. Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
5) … quán thọ…
6) … quán tưởng….
7) … quán các hành…
8) … quán thức: “Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi”. Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi thức ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp thủ và ưu não.
10) Này các Tỷ-kheo, như thế nào là không chấp thủ và không ưu não?
11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử quán sắc: “Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi”. Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi sắc biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
12) … quán thọ: “Ðây không phải của tôi..”.
13) … quán tưởng: “Ðây không phải của tôi..”.
14) … quán các hành: “Ðây không phải của tôi..”..
15) … quán thức: “Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi”. Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
16) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không chấp thủ, không ưu não.
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập III – Thiên Uẩn – Chương I – Tương Ưng Uẩn (a) – A. Năm Mươi Kinh Căn Bản