VII. Ðáng Ðược Ăn (Tập 2, Ðại 2,11) (S.iii,86)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến một trong những uẩn này.
4) Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, có người nhớ rằng: “Trong quá khứ, thân ta như thế này”. Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến sắc. Hay có người nhớ rằng: “Trong quá khứ, ta có Cảm thọ như thế này”. Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thọ. Hay có người nhớ rằng: “Trong quá khứ ta có tưởng… có các hành… có thức như thế này”. Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thức.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc.
6) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thọ? Ðược Cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, Cảm thọ khổ, Cảm thọ phi khổ phi lạc. Ðược Cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ.
7) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng.
8) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay, rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm… rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức.
10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nay ta bị sắc chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị sắc chinh phục, như ta bị sắc hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với sắc vị lai, thời trong vị lai, ta sẽ bị sắc chinh phục, như nay ta bị sắc hiện tại chinh phục”. Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với sắc quá khứ, không có hoan hỷ đối với sắc vị lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sắc hiện tại.
12) “Ta nay bị thọ chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thọ chinh phục như vậy, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với thọ vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thọ chinh phục, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục”. Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không luyến tiếc đối với thọ quá khứ, không có hoan hỷ đối với thọ vị lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thọ hiện tại.
13) “Ta nay bị tưởng chinh phục…”.
14) “Ta nay bị các hành chinh phục…”.
15) “Ta nay bị thức chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thức chinh phục như vậy, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với thức vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thức chinh phục, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục”. Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với thức quá khứ, không có hoan hỷ đối với thức tương lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thức hiện tại.
16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay Vô thường?
— Là Vô thường, bạch Thế Tôn.
— Cái gì Vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
17-19) — Thọ… Tưởng… Các hành…
20) Thức là thường hay Vô thường?
— Vô thường, bạch Thế Tôn.
— Cái gì Vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) — Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng… xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
22) Ðối với thọ…
23) Ðối với tưởng…
24) Ðối với các hành..
25) Ðối với thức quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức đều phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
26) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử giảm thiểu, không tăng trưởng, từ bỏ, không chấp thủ, xa lánh, không thân cận, phân tán, không huân tập.
27) Giảm thiểu, không tăng trưởng cái gì? Giảm thiểu, không tăng trưởng sắc…, giảm thiểu, không tăng trưởng thọ…tưởng…các hành…giảm thiểu, không tăng trưởng thức.
28) Từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Từ bỏ, không chấp thủ sắc…thọ… tưởng… các hành… từ bỏ, không chấp thủ thức.
29) Xa lánh, không thân cận cái gì? Xa lánh, không thân cận sắc… thọ… tưởng… các hành… xa lánh, không thân cận thức.
30) Phân tán, không huân tập cái g? Phân tán, không huân tập sắc… thọ… tưởng… các hành… phân tán, không huân tập thức.
31) Thấy vậy, bậc Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành… nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy Giải thoát. Trong sự Giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được Giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
32) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo không tăng trưởng, không giảm thiểu. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập.
33) Sau khi phân tán, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu cái gì? Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu sắc. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu thọ… tưởng… các hành… không tăng trưởng, không giảm thiểu thức.
34) Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ sắc; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ thọ… tưởng… các hành… không từ bỏ, không chấp thủ thức.
35) Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận cái gì? Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận sắc; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận thọ… tưởng… các hành… không phân tán, không huân tập thức.
36) Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập cái gì? Sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập sắc; sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập thọ…tưởng…các hành…không phân tán, không huân tập thức.
37) Sau khi phân tán, vị ấy trú, với tâm Giải thoát như vậy. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy được Chư Thiên với Thiên chủ, Phạm thiên chúng với Phạm thiên Đảnh lễ, dầu cho ở xa:
38)
Ôi, ta Đảnh lễ Ông, Bậc người như lương mã! Ôi, ta Đảnh lễ Ông, Là bậc tối thắng nhân! Ta không có chấp trước, Ðối tượng Ông Thiền tư!
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập III – Thiên Uẩn – Chương I – Tương Ưng Uẩn (d)