Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Tập III – Trưởng lão Tăng Kệ
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương I – Một Kệ
Phẩm Sáu
(LI-LIV) Ghodhika, Subàhu, Valliya, Uttiya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật tại thế, bốn vị này sanh ở Pava, con của bốn vua Malla, và giữa bốn người này, có một tình bạn chân thành. Bốn vị này có một sứ mệnh, cùng đi đến vua xứ Kapilavatthu]]. Lúc bấy giờ, Thế Tôn cũng đến đó và sống tại vườn cây bàng, tại đấy, Thế Tôn đã cảm hóa bốn vị này với thần thông song hành. Các vị này xuất gia và không bao lâu Chứng quả A-la-hán, với sự hiểu biết về nghĩa và về pháp. Sau khi được vua chúa kính trọng Cúng dường, bốn vị này sống ở trong rừng. Khi bốn vị này đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình Sa), mời bốn vị an cư mùa mưa và bảo làm mỗi người một cái nhà, nhưng vô ý lại không lợp mái. Các vị này sống trong nhà ấy, nhưng không có chỗ che mưa, và dầu là mùa mưa, trời lại không mưa. Vua Bimbisàra nhận thấy hiện tượng này, nhớ lại sự sai trái sơ hở của mình, liền cho lợp mái lại tổ chức một ngày khánh thành, Cúng dường cho Tăng chúng. Các vị Trưởng lão nhận lời, đi vào ngôi nhà và triển khai lòng từ. Từ phía Bắc và phía Ðông một cơn giông tố nổi lên, và các vị Trưởng lão xuất định, mưa to bắt đầu rơi xuống. Rồi Godhika do mưa to gió lớn, nói lên bài kệ:
- Trời mưa, như hát hay, Ta ở trong am thất, Ðược che kín khỏi gió, Ta sống thật an lạc, Tâm ta khéo định tĩnh. Hãy mưa, nếu trời muốn.
Subàhu nói lên bài kệ:
- Trời mưa, như hát hay, Ta ở trong am thất, Ðược che kín, khỏi gió, Ta sống thật an lạc, Tâm khéo định trên thân, Hãy mưa, nếu trời muốn.
Vàlliya nói lên bài kệ:
- Trời mưa, như hát hay, Ta ở trong am thất, Ðược che kín, khỏi gió, Ta sống thật an lạc. Không phóng dật, ta sống, Hãy mưa, nếu trời muốn.
Uttiya nói lên bài kệ:
- Trời mưa, như hát hay, Ta ở trong am thất Ðược che kín, khỏi gió, Ta sống thật an lạc, Trong ấy, sống một mình, Hãy mưa, nếu trời muốn.
(LV) Anjana -Vaniya (Thera. 9)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong gia đình một vị vua trị vì nướcVajja. Khi ngài lớn lên, ba tai họa lớn đe dọa dân chúng Vajja: nạn hạn hán, nạn bệnh tật, và nạn phi nhân. Sự kiện này được ghi chép trong tập sớ kinh Ratanasutta. Khi Thế Tôn làm cho dân chúng Vesali bớt sợ hãi, một số đông đến nghe ngài giảng. Con của vua cũng được nghe, khởi Tín tâm và xuất gia.
Khi làm xong các học tập sơ khởi, ngài sống trong rừng Anjana, ở Saketa. Khi trời mưa sắp đến, ngài tìm được một giường nằm người ta quăng bỏ, đặt nó trên bốn tảng đá, phía trên và phía chung quanh lợp cỏ. Ngài làm một cái cửa và như vậy làm được một chỗ ở cho mùa mưa. Sau một tháng tu tập, ngài Chứng quả A-la-hán. Sung sướng với niềm Giải thoát của mình, ngài phấn khởi nói lên bài kệ:
- Làm am thất giường nằm, Sâu trong rừng An-ja, Ba minh được chứng đạt, Làm xong lời Phật dạy.
(LVI) Kutivihàrim (Thera. 9)
Ðời sống của ngài giống như đời sống của Tôn giả Anjana Vaniya, với sự sai khác như sau: Trong khi phát triển Thiền quán, ngài đang đi qua cánh đồng và trú mưa trong một chòi nhỏ không người, của người giữ đồng ruộng. Tại đấy, ngài Chứng quả A-la-hán. Người giữ đồng ruộng đến và hỏi: ‘Ai ở trong chòi lá này?’ Ngài trả lời: ‘Một Tỷ-kheo ở trong chòi lá’ và nói lên bài kệ:
- Ai ở trong chòi lá? Một Tỷ-kheo ly tham, Tâm được khéo định tĩnh, Ðang ở trong chòi lá, Hiền giả, hãy biết vậy! Không phải là vô ích, Chòi lá ông dựng lên.
Rồi người giữ ruộng nói: ‘Thật may mắn cho tôi. Thật khéo may mắn cho tôi. Tôn giả đã đến chòi lá của tôi và ngồi tại đấy’.
Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh nghe câu chuyện biết được tâm hoan hỷ của người giữ ruộng, ngài nói lên bài kệ với người giữ ruộng:
Chính ở trong chòi lá, Một Tỷ-kheo ly tham, Tâm được khéo định tĩnh, Ðang ở trong chòi lá, Việc làm này hưởng quả, Ông sẽ thành Thiên chủ, Sáu lần đến bảy lần, Ông ngự trị Thiên giới, Rồi mọi ái nhiếp phục, Ông sẽ thành Ðộc giác.
Bắt đầu từ đấy, vị Tỷ-kheo được gọi là Kutivihàrim.
(LVII) Kutivihàrim (Thera. 9)
Câu chuyện về ngài giống như câu chuyện vị Trưởng lão ở rừng Anjana với sự sai khác này. Khi ngài xuất gia với trường hợp tương tự, ngài học Chánh pháp trong một ngôi chòi nhỏ, ngài nghĩ: ‘Chòi cũ này cũng đã bị hư hại, ta phải làm một chòi khác’. Rồi ngài hướng tâm ngài về hành động mới. Một thiên nhân tâm cầu Giải thoát, muốn làm ngài dao động, nói lên bài kệ này, với lời lẽ giản dị, nhưng ý nghĩa sâu rộng:
- Ðây ngôi chòi cũ kỹ, Ngài muốn ngôi chòi mới, Hãy bỏ muốn ngôi chòi, Chòi mới đem khổ mới, Này Tỷ-kheo nên biết!
Khi nghe vậy, vị Trưởng lão cảm thấy lo lắng, và với sự cố gắng phát triển Thiền quán, ngài chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài nói lại bài kệ, nhờ bài kệ này ngài đã được Chứng quả, và ngài dùng bài kệ nói lên chánh trí của mình. Vì ngài Chứng quả khi ở trong chòi lá, ngài được gọi là Kutivihàrim (vị ở chòi lá).
(LVIII) Ramaniyakutika (Thera. 9)
Câu chuyện của ngài giống như câu chuyện của Trưởng lão ở trong rừng Anjana với sự sai khác này: Ngài ở trong một chòi lá, gần một ngôi làng nhỏ, trong xứ Vajji. Thật sự là một am thất nhỏ, xinh đẹp với sàn nhà và vách tường khéo làm xung quanh có vườn, ao hồ và có rải cát đẹp, mịn. Với giới hạnh của vị Trưởng lão làm tăng thêm sự hấp dẫn của ngôi nhà.
Ngài Chứng quả A-la-hán và tiếp tục sống tại đấy. Khi nào có người đến viếng Tinh xá, họ có thấy ngôi chòi xinh xắn. Một ngày kia, một vài Người đàn bà béo mập đi ngang qua, thấy ngôi chòi xinh đẹp, liền nghĩ người ở chòi lá này có thể là một thanh niên mà họ có thể cám dỗ. Họ đến gần ngài và nói: ‘Cái chòi của ngài thật là xinh đẹp, chúng tôi cũng thật xinh đẹp trong tuổi trẻ của chúng tôi’. Và họ bắt đầu khoe khoang áo xiêm đẹp của mình. Nhưng vị Trưởng lão nói lên bài kệ, diễn tả tâm trạng thoát tục của ngài:
- Ngôi chòi ta xinh đẹp, Do đàn tín Cúng dường, Với tâm ý hoan hỷ, Với lòng tin dâng cúng. Ta không cần thiếu nữ, Này các nữ nhân kia, Hãy đi đến những ai, Có cần đến các cô.
Với chữ: ‘Không cần’, ngài tuyên bố chánh trí của ngài, khi Chứng quả A-la-hán.
(LIX) Kosalavihàrim (Thera. 9)
Câu chuyện của ngài giống như chuyện của Trưởng lão ở trong rừng Anjana với sự sai khác này: Sau khi làm Sa-di, ngài ở trong một ngôi rừng, gần một làng trong nước*Kosala*, gần chỗ ở của một Cư sĩ. Người này, thấy ngài ở dưới một gốc cây nên làm một cái chòi và Cúng dường cho ngài. Ở đây vị Trưởng lão Chứng quả A-la-hán. Với tâm tư hoan hỷ sung sướng được Giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
- Do lòng tin, xuất gia, Ta sống không gia đình, Trong rừng, một chòi lá, Ðược dựng lên cho ta, Ta sống không phóng dật, Nhiệt tâm, niệm tỉnh giác.
Ðây là lời tuyên bố chánh trí của ngài và vì ngài ở lâu ngày ở Kosala, ngài được biết với tên là Kosalavihàrim (vị ở Kosala).
(LX) Sivàli (Thera. 9)
Ngài sanh ra là con của Suppavàsà, công chúa con vua, trong thời đức Phật hiện tại. Khi mẹ ngài không sinh đẻ được và nằm chịu đau khổ trong bảy ngày, bà nói với người chồng: ‘Trước khi tôi chết tôi sẽ bố thí’, và nàng bảo chồng đi mời Thế Tôn đến, nói đến hiện trạng của nàng và dặn chồng ghi nhớ những lời Thế Tôn nói. Người chồng làm theo lời vợ dặn và bậc Ðạo Sư nói: ‘Mong rằng Suppavàsa, con của dòng họ Koliyađược Hạnh phúc! Mong nàng được Hạnh phúc, sức khỏe và sanh được đứa con trai khỏe mạnh’. Trước khi người chồng về, Suppavàsa đã sanh được đứa con trai và khi nghe chồng kể lại câu chuyện, nàng dặn chồng Cúng dường đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Vì người con được sanh, đem lại hoan hỷ cho tất cả mọi người, nên được đặt tên là Sìvali.
Sau khi sanh bảy ngày, ngài có thể làm được bất cứ việc gì. Tôn giả Sàriputta đến và khuyên ngài xuất gia, lấy đề tài sự đau khổ khi được sanh làm đề tài tu hành. Khi nắm tóc thứ nhất được cắt đứt, ngài chứng Sơ quả. Khi nắm tóc thứ hai được cắt đứt, ngài chứng Nhị quả. Như vậy cho đến nắm tóc thứ tư và ngài Chứng quả A-la-hán. Có chỗ nói cùng ngày ngài đi đến ở một chòi lá, và suy tư đến sự đau khổ phải nhẫn chịu khi thọ sanh. Ngài phát triển Thiền quán và Chứng quả A-la-hán. Rồi sung sướng được Giải thoát, ngài nói lên bài kệ:
- Nay những mục đích ấy, Với ta, đã thành tựu, Vì những mục đích ấy, Ta bước vào ngôi chòi, Minh, Giải thoát, ta đạt. Mạn tùy miên từ bỏ.