Hàng đệ tử Phật dù khi Thế Tôn còn tại thế hay sau khi Thế Tôn diệt độ cần phải tự mình soi sáng cho chính mình bằng cách nương tựa Chánh pháp.
1-DÙNG Chánh pháp LÀM NGỌN ĐÈN
Một thời, Thế Tôn trú tại Vesàli, làng Veluva, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, hãy an cư vào mùa mưa, chỗ nào có bạn bè, có người quen biết. Ta sẽ an cư mùa mưa tại làng Veluva này.
Trong mùa an cư ấy, Thế Tôn bị bệnh trầm trọng, Cảm thọ đau đớn khốc liệt nhưng Thế Tôn vẫn Chánh niệm, tỉnh giác, không than vãn.
Rồi Thế Tôn thoát khỏi cơn bệnh, Tôn giả [[ÀNanda bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, con được chút an ủi rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ nếu Ngài không có lời di giáo lại cho chúng Tỷ kheo.
Này [[ÀNanda, Như Lai không nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ kheo”, hay “Chúng Tỷ kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thì này [[ÀNanda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ kheo?
Này [[ÀNanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác.
Này [[ÀNanda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. Những vị ấy, này [[ÀNanda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh [trích], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.237)
LỜI BÀN:
Ngay từ thời Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã khẳng định một điều cực kỳ hệ trọng rằng Như Lai không phải là giáo chủ, nhà lãnh đạo, điều hành chúng Tăng mà chỉ là vị Thầy chỉ đường, tùy duyên giáo hóa. Mặt khác, chúng Tỷ kheo cũng không phải chịu sự lãnh đạo, lệ thuộc hoàn toàn vào Thế Tôn mà phải tự giác, tự chứng, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Điều này xác chứng rằng trong Phật giáo không có giáo quyền và sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn, hàng đệ tử ngoài việc nương tựa chính mình thì chỉ nương tựa vào Chánh pháp mà thôi.
Những lời giáo huấn của Thế Tôn trong mùa an cư sau cùng một lần nữa khẳng định tinh thần tự lực và tự Giác ngộ. Người thầy chỉ có vai trò chỉ bày con đường tu tập, trợ duyên cho quá trình thăng hoa tâm của học trò. Và như thế, vai trò lãnh đạo chỉ hạn cuộc trong các hình thức tổ chức, đoàn thể có tính phương tiện chứ không thể lãnh đạo tâm linh. Chính Như Lai, người khai sáng ra Đạo Phật mà đã phủ nhận vai trò lãnh đạo của mình, chỉ thừa nhận là Đạo sư, là Y vương thì hàng hậu thế không một ai là người có thể đảm nhận vai trò ấy. Đây là đặc điểm rất riêng, hy hữu, chỉ có trong Phật giáo.
Hàng đệ tử Phật dù khi Thế Tôn còn tại thế hay sau khi Thế Tôn diệt độ cần phải tự mình soi sáng cho chính mình bằng cách nương tựa Chánh pháp. Điều này đã được Thế Tôn lặp lại một lần nữa trước khi Niết bàn: “Này [[ÀNanda, sau khi Như Lai diệt độ chính Pháp và Luật sẽ là Đạo sư của các ngươi”. Do vậy, thực hành nương tựa vào Chánh pháp, nương tựa vào chính mình là phương châm tu học của tất cả những người con Phật.
2-TRÁNH XA HAI CỰC ĐOAN
Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ kheo:
Có hai cực đoan này, này các Tỷ kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?
Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, Giác ngộ, Niết bàn.
Này các Tỷ kheo, thế nào là con đường Trung đạo? Chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, Chánh niệm, chánh định. Đây là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, Giác ngộ, Niết bàn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Chuyển pháp luân, phần Như Lai thuyết [trích], Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.610)
LỜI BÀN:
Khi Thế Tôn rời khỏi Bồ Đề đạo tràng đến vườn Nai, lời vàng đầu tiên của Ngài là tu tập trung đạo, tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh ép xác. Như vậy, đắm say theo những tham vọng trần tục hay chịu cực khổ quá mức đều không phải chánh đạo, không liên hệ đến mục đích Giải thoát. Đây cũng là kim chỉ nam tu tập cho tất cả những người con Phật, nhất là hàng xuất gia.
Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay chúng ta xác định như thế nào là tránh xa hai cực đoan “đắm say trong các dục” và “tự hành khổ mình”? Thời bấy giờ, khi Thế Tôn tắm rửa và Thọ thực (bát cháo sữa do nàng Sujata dâng cúng) đã bị nhóm Đạo sĩ Kiều Trần Như cho là hưởng thọ dục lạc. Có thể sự “hưởng dục” ấy, ngày nay không chừng lại bị xem là khổ hạnh, ép xác.
Như vậy, trong chừng mực nào đó, trung đạo chính là thiết lập sự quân bình, trung dung tương ứng với mức sống của xã hội hiện tại trong tinh thần thiểu dục tri túc. Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, nhờ đó mà chùa chiền xây dựng to lớn, đời sống của hàng xuất gia được nâng cao với nhiều tiện nghi, nếu như không rơi vào tân thời, sang trọng và xa hoa (chỉ tầm tầm bậc trung) thì có thể xem đó là lối sống trung đạo. Vì thế, chúng ta cần hiểu lời dạy của Thế Tôn một cách linh động về phương diện này.
Quan trọng hơn, Thế Tôn đã nói rõ tinh thần trung đạo của Ngài chính là Bát Thánh đạo. Như vậy, tránh xa hai cực đoan là tránh dẹp những chướng duyên có tính thái quá, cố chấp và rơi vào những thái cực nhằm phát huy và thành tựu Thánh đạo, đó cũng chính là Trung đạo. Cốt tủy của con đường này là thành tựu chánh kiến, thấu triệt sự thật về tính duyên sanh của thân, tâm và thế giới, vượt thoát tham ái và chấp thủ, chứng đạt Giải thoát.
Theo lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya
Quảng Tánh
https://huongdanphattu.vn/news/Phat-phap-vi-dieu/Loi-Phat-day-Hay-tu-minh-thap-duoc-len-ma-di-2489/