(IX) (29) Người Kosalà

  1. – Này các Tỷ-kheo, xa trông như thế nào là nước Kàsi Kosalà, xa rộng như thế nào, là sự trị vì của vua Pasanadi nước Kosalà, trong phạm vi như vậy, vua Pasenadi nước Kosalà được xem là tối thượng. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vua Pasenadi, nước Kosalà có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong (vấn đề) ấy; do nhàm chán trong (vấn đề) ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, xa cho đến mặt trăng, mặt trời di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương, cho đến như vậy là ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, có 1.000 mặt trăng, có 1000 mặt trời, có 1000 vua núi Sineru, có 1000 cõi Diêm phù đề, 1000 Tây ngưu Hóa châu, 1000 Bắc-cu-lô-chân, 1000 Ðông thắng Thần châu, 4000 biển lớn, 4000 Ðại vương, 1000 Bốn đại Thiên vương, 1000 Tam thập tam thiên, 1000 Dạ-ma-thiên, 1000 Ðâu-suất thiên, 1000 Hóa Lạc thiên, 1000 Tha hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm thiên giới. Này các Tỷ-kheo, xa rộng cho đến 1000 thế giới, Ðại Phạm thiên ở đấy được xem là tối thượng. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ðại Phạm thiên có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong (Ðại Phạm thiên) ấy, do nhàm chán trong (Ðại Phạm thiên) ấy, từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  3. Này các Tỳ-kheo, có một thời, đến thời ấy, thế giới này chuyển hoại, trong khi thế giới chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang âm thiên). Ở tại đấy, chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài. Này các Tỷ-kheo, trong khi thế giới chuyển hoại, các Quang âm thiên được xem là tối thượng. Nhưng này các Tỷ-kheo, đối với chư Quang âm thiên, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong (chư Quang âm thiên) ấy; do nhàm chán trong (Quang âm thiên) ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  4. Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này. Thế nào là mười?

Một người tưởng tri Thiền án đất, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Một người tưởng tri Thiền án nước… một người tưởng tri Thiền án lửa… một người tưởng tri Thiền án gió, một người tưởng tri Thiền án xanh… một người tưởng tri Thiền án vàng… một người tưởng tri Thiền án đỏ… một người tưởng tri Thiền án trắng… một người tưởng tri Thiền án hư không… một người tưởng tri Thiền án thức, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng.

Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong mười Thiền án xứ này, tức là Thiền án thức. Có người tưởng tri phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tưởng như vậy. Ðối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong ấy; do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này. Thế nào là tám?

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ nhất.

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thư hai.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, Ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ ba.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ tư.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta thấy, ta biết”. Ðó là thắng xứ thứ năm.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như bông kannikàra màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như lụa Ba-la-nại cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoài sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ sáu.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ – như bông bandhujìvaka màu đỏ, như lụa Ba-la-nại, cả ai mặt láng trơn, màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ,…ánh sáng đỏ. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ bảy.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng thứ tám.

Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong tám thắng xứ này, tức là có người tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng màu trắng, hình sắc màu trắng, ánh sáng trắng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tưởng như vậy. Ðối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nó gì đối với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, có bốn con đường này. Thế nào là bốn?

Con đường khổ thắng tri chậm; con đường khổ thắng tri mau; con đường lạc thắng tri chậm; con đường lạc thắng tri mau.

Này các Tỷ-kheo, có bốn con đường này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong bốn con đường này, tức là con đường lạc thắng tri mau. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh thực hành như vậy. Ðối với các chúng sanh thực hành như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng này. Thế nào là bốn?

Có người tưởng tri có hạn lượng. Có người tưởng tri đại hành. Có người tưởng tri vô lượng. Có người tưởng tri Vô sở hữu xứ, nghĩ rằng: “Không có sự vật gì”.

Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng này.

  1. Các này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong bốn tưởng này, tức là có người tưởng tri Vô sở hữu xứ, nghĩ rằng: “Không có sự vật gì”. Này các Tỷ-kheo có những chúng sanh có tưởng như vậy. Ðối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến thoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  2. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các thành kiến của các dị học, tức là: “Nếu ta không có trong lúc ấy, thời nay đã không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta”. Với người có Tri kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, có thể chờ đợi như sau: Sự không nhàm chán này đối với hữu sẽ không có đối với người ấy. Sự nhàm chán này đối với hữu diệt sẽ không có đối với người ấy. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có Tri kiến như vậy. Ðối với chúng sanh có Tri kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với các hạ liệt.
  3. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn… tuyên bố thanh tịnh là mục đích tối thắng.
  4. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các vị tuyên bố thanh tịnh là mục đích tối thắng, tức là sự vượt qua một cách hoàn toàn Vô sở hữu xứ, sự chứng đạt và an trú Phi tưởng phi tưởng xứ. Họ Thuyết pháp để thắng tri cái ấy, để Giác ngộ cái ấy. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, đối với các chúng sanh có nói như vậy, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì với các hạ liệt.
  5. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Ba-la-môn… tuyên bố hiện tại Niết-bàn là mục đích tối thắng.
  6. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các vị tuyên bố hiện tại Niết-bàn là mục đích tối thắng, tức là sau khi như thật sự tập khởi, sự chấm dứt vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của sáu xúc xứ, được Giải thoát không có chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, Ta là người đã nói như vậy, đã tuyên bố như vậy. Và một số Sa-môn, Ba-la-môn xuyên tạc Ta với điều không thật là phi hữu, trống không, nói láo, nói rằng: “Sa-môn Gotama không tuyên bố sự liễu tri các dục, không tuyên bố sự liễu tri các sắc, không tuyên bố sự liễu tri các thọ”.
  7. Và này các Tỷ-kheo, ta tuyên bố sự liễu tri các dục, Ta tuyên bố sự liễu tri các sắc, ta tuyên bố sự liễu tri các thọ, Ta tuyên bố ngay trong hiện tại sự vô dục, tịch diệt, thanh lương không chấp thủ, Bát-Niết-bàn.

(X) (30) Kosalà (2)

  1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala, từ một trận chiến trở về, thắng trận, mục đích đã đạt được. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến khu vườn. Xa cho đến đất có thể đi xe được, vua đi xe, rồi xuống xe đi bộ và vào khu vườn.
  2. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành ngoài trời. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:

– Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trú ở đâu? Thưa các Tôn giả, chúng tôi muốn yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Tâu Ðại vương, đây là ngôi tịnh xá, có cửa đóng. Ngài hãy đi đến ngôi nhà ấy, đừng có tiếng động, đừng có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ nơi then cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa cho Đại vương.

Rồi vua Pasenadi nước Kosalà, đi đến ngôi tịnh xá cửa đóng ấy, đi đến không có tiếng động, không có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ vào then cửa. Thế Tôn mở cửa. Rồi vua Pasenadi, nước Kosalàđi đi vào tịnh xá, đầu cúi rạp xuống trước chân Thế Tôn, miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa bóp, và nói lên tên mình:

– Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà. Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà.

– Thưa Ðại vương, do Ðại vương thấy ý nghĩa lợi ích gì mà Ðại vương lại làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ lộ lòng kính mộ đối với cái thân này?

  1. Bạch Thế Tôn, để nêu rõ lòng biết ơn của con, để nói lên lòng cảm tạ của con đối với Thế Tôn, mà con làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ bày lòng từ ái đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đã thực hiện Hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, là vị đã an lập Thánh chánh lý cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh. Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn là vị đã thực hiện Hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ bày lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  2. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới; bạch Thế Tôn, vì con thấy ý nghĩa lợi ích này, mà con đã làm những cử hạ liệt quá mức như vậy và bày tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào được Cúng dường, như y áo, đồ ăn Khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào Cúng dường, như y áo, đồ ăn Khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được Cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được Cúng dường, đáng được chắp tay là phước điền vô thượng ở đời. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được Cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được Cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ với Thế Tôn.
  6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng, khai mở tâm trí, ví như câu chuyện về ít dục, câu chuyện biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về Tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về Giải thoát, câu chuyện về Giải thoát Tri kiến, các câu chuyện như vậy, Thế Tôn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn tùy niệm nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời với các nét đại cương và các chi tiết. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhớ lại nhiều đời quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời sống với các nét đại cương và các chi tiết; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân…đều do hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn với thiên thanh nhãn tịnh siêu nhân, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  10. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với Thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với Thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  11. Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều công tác, có nhiều công việc phải làm.

– Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.

Rồi vua Pasanadi nước Kosalà, từ chỗ ngồi đứng dậy, Đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Xem chi tiết:

Kinh Tăng Chi Bộ – Chương X – Mười Pháp – III. Phẩm Lớn