(VII) (87) Tỷ Kheo Kàlaka
- Tại đấy, nhân việc của Tỷ-kheo Kàlaka, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Vâng bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
- – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa thích kiện tụng, không tán thán làm lắng dịu các cuộc kiện tụng. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa thích kiện tụng, không tán thán làm lắng dịu các cuộc kiện tụng, pháp này không đưa đến thân ái, không đưa đến kính trọng, không đưa đến bắt chước (được làm quen), không đưa đến hòa đồng, không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa học tập, không tán thán chấp nhận các học pháp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa học tập, không tán thán chấp nhận các học pháp, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ác dục, không tán thán nhiếp phục ác dục. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ác dục, không tán thán nhiếp phục ác dục, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phẫn nộ, không tán thán nhiếp phục phẫn nộ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phẫn nộ, không tán thán nhiếp phục phẫn nộ, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gièm pha, không tán thán nhiếp phục gièm pha. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gièm pha, không tán thán nhiếp phục gièm pha, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo lừa đảo, không tán thán nhiếp phục lừa đảo. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo lừa đảo, không tán thán nhiếp phục lừa đảo, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo man trá, không tán thán nhiếp phục man trá. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo man trá, không tán thán nhiếp phục man trá, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tánh không vâng theo Chánh pháp, tánh không tán thán vâng theo Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tánh không vâng theo Chánh pháp, tánh không tán thán vâng theo Chánh pháp, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thiền tịnh, không tán thán thiền tịnh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thiền tịnh, không tán thán thiền tịnh, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có tiếp đón tốt đẹp các vị đồng Phạm hạnh, không tán thán việc đón tiếp tốt đẹp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có tiếp đón tốt đẹp các vị đồng Phạm hạnh, không tán thán việc tiếp đón tốt đẹp, pháp này không đưa đến thân ái… không đưa đến nhất trí.
- Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo như vậy, nếu có ước muốn nào khởi lên: “Ôi mong rằng các vị đồng Phạm hạnh Cung kính, tôn trọng, Đảnh lễ, Cúng dường tôi”, nhưng các vị đồng Phạm hạnh không có Cung kính, không có tôn trọng, không có Đảnh lễ, Cúng dường vị ấy. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng các vị đồng Phạm hạnh có trí, quán thấy các pháp ác bất thiện không được đoạn tận trong vị ấy.
- Ví như, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa không thuần phục, dầu cho có khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng Loài Người sẽ đặt ta trong vị trí của con ngựa đã được thuần thục, cho ta ăn với các đồ ăn dành cho con ngựa thuần phục, điều phục ta với sự điều phục dành cho con ngựa thuần thục”. Nhưng Loài Người không đặt nó trong vị trí của con ngựa thuần thục, không cho nó ăn trong vị trí của con ngựa thuần thục, không điều phục nó với sự điều phục dành cho con ngựa thuần thục. Vì sao? Vì những người có trí thấy rõ được những tánh hạ liệt, sự lừa đảo, giả dối, xảo trá, xảo quyệt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo như vậy, nếu có ước muốn nào khởi lên: “Ôi mong rằng các vị đồng Phạm hạnh Cung kính, tôn trọng, Đảnh lễ, Cúng dường ta”, nhưng các vị đồng Phạm hạnh không có Cung kính, không có tôn trọng, không có Đảnh lễ, không có Cúng dường vị ấy. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng các vị đồng Phạm hạnh có trí, quán thấy các pháp ác bất thiện không được đoạn tận trong vị ấy.
- Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa thích kiện tụng, tán thán làm lắng dịu các cuộc kiện tụng. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa thích kiện tụng, tán thán làm lắng dịu các cuộc kiện tụng. Pháp này đưa đến thân ái, đưa đến kính trọng, đưa đến muốn làm quen, đưa đến hòa đồng, đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa thích học tập, tán thán chấp nhận học pháp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa thích học tập, tán thán chấp nhận học pháp. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ít dục, tán thán nhiếp phục các dục. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ít dục, tán thán nhiếp phục các dục. Pháp này đưa đến thân ái … đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phẫn nộ, tán thán nhiếp phục phẫn nộ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phẫn nộ, tán thán nhiếp phục phẫn nộ. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không gièm pha, tán thán nhiếp phục gièm pha. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không gièm pha, tán thán nhiếp phục gièm pha. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không lừa đảo, tán thán nhiếp phục lừa đảo. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không lừa đảo, tán thán nhiếp phục lừa đảo. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không man trá, tán thán nhiếp phục man trá. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không man trá, tán thán nhiếp phục man trá. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vâng theo Chánh pháp, tán thán vâng theo Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vâng theo Chánh pháp, tán thán vâng theo Chánh pháp. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiền tịnh, tán thán thiền tịnh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiền tịnh, tán thán thiền tịnh. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tiếp đón tốt đẹp các vị đồng Phạm hạnh, tán thán việc tiếp đón tốt đẹp các vị đồng Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tiếp đón tốt đẹp các vị đồng Phạm hạnh, tán thán việc tiếp đón tốt đẹp các vị đồng Phạm hạnh. Pháp này đưa đến thân ái… đưa đến nhất trí.
- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy, nếu không có ước muốn nào khởi lên: “Ôi mong rằng các vị đồng Phạm hạnh Cung kính, tôn trọng, Đảnh lễ, Cúng dường ta”, nhưng các vị đồng Phạm hạnh cũng vẫn Cung kính, tôn trọng, Đảnh lễ, Cúng dường vị ấy. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng các vị đồng Phạm hạnh có trí, quán thấy các pháp ác bất thiện đã được đoạn tận nơi vị ấy.
- Ví như, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần phục, dầu cho không khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng Loài Người sẽ đặt ta trong vị trí của con ngựa đã thuần thục, cho ta ăn với các đồ ăn dành cho con ngựa thuần thục, điều phục ta với điều phục dành cho con ngựa thuần thục”. Nhưng Loài Người vẫn đặt nó trong vị trí của con ngựa thuần thục, vẫn cho nó ăn với các đồ ăn dành cho con ngựa thuần thục, vẫn điều phục nó với điều phục dành cho con ngựa thuần thục. Vì sao? Vì những người có trí thấy rõ được những tánh hạ liệt, gian dối, giả dối, xảo trá, xảo quyệt của nó đã được đoạn tận. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo như vậy, nếu không có khởi lên ước muốn: “Ôi mong rằng các vị đồng Phạm hạnh Cung kính, tôn trọng, Đảnh lễ, Cúng dường ta”, nhưng các vị đồng Phạm hạnh vẫn Cung kính, tôn trọng, Đảnh lễ, Cúng dường vị ấy. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, các vị đồng Phạm hạnh có trí thấy rằng các pháp ác bất thiện ấy đã được đoạn tận nơi vị ấy.
Xem chi tiết:
Kinh Tăng Chi Bộ – Chương X – Mười Pháp – IX. Phẩm Trưởng lão