Ngài đến ngồi dưới gốc cây pippala (tất bát la, sau này gọi là cây bodhi – bồ đề); và với tâm định tĩnh, Chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào sơ thiền (thời niên thiếu, trong buổi lễ Hạ điền, Ngài cũng đã một lần vào thiền này), nhị thiền, tam thiền và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó hướng tâm đến tam minh.

Với trực giác, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Ở canh một, Ngài chứng Túc mệnh minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình. Sang canh hai, Ngài chứng Thiên nhãn minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh. Qua canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, và đã chứng Lậu tận minh. Sau cùng, Ngài Chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc; và danh hiệu Ðức Phật Gotama, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni được Thế gian tôn xưng từ đấy.

Ðức Thế Tôn đã dành những tuần lễ đầu tiên để chiêm nghiệm đến giáo pháp thậm thâm vi diệu mà Ngài đã Chứng đắc, và thọ hưởng pháp lạc mà quả phúc Giải thoát mang đến. Pháp Cú kinh số 153, 154 đã ghi lại một trong những Phật ngôn đầu tiên mà Ngài đã thốt lên trong thời gian này:

Lang thang bao kiếp sống Ta tìm nhưng không gặp Người xây dựng nhà này Khổ thay, phải Tái sanh Ôi! Người làm nhà kia Nay ta đã thấy ngươi Ngươi không làm nhà nữa Ðòn tay ngươi bị gãy Kèo cột ngươi bị tan Tâm ta được tịch diệt Tham ái thảy tiêu vong. (Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Câu kinh như một lời ca khải hoàn, mô tả sự chiến thắng vẻ vang rực rỡ sau cuộc chiến đấu nội tâm thầm lặng gian nan. Anh thợ tượng trưng cho ái dục, vô minh, phiền não luôn ẩn sâu kín trong mỗi con người, nay đã bị phát hiện.

Ðức Phật cũng đã để lại cho Thế gian một bài học luân lý đạo đức đẹp đẽ, đó là sự tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây bồ đề che nắng che mưa cho Ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Ðức Thế Tôn đã đứng cách một khoảng xa để chiêm bái đại thọ suốt trong một tuần. Sau này, nơi đây Vua Asoka (A Dục) dựng lên một tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya, nay vẫn còn.

Ðức Thế Tôn đã suy nghĩ đến giáo lý Giải thoát sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý luận, ly dục, vô ngã mà Ngài đã Chứng đắc; còn chúng sanh thì luôn chìm sâu vào ái dục, định kiến, chấp ngã, với nhiều thủ trước… làm thế nào để con người dễ dàng chấp nhận giáo lý ấy. Và rồi, với trí tuệ của bậc Giác ngộ, Ðức Thế Tôn đã quan sát Thế gian và thấy rằng: “Có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ giáo hóa, khó giáo hóa… Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt…” (Trung Bộ I). Và như vậy, với hình ảnh những cành sen vươn ra khỏi mặt nước, những cành ở lưng chừng, những cành ở sâu trong lòng nước v.v…, đã gợi lên trong Thế Tôn về căn cơ bất đồng của mọi người. Có những căn cơ thấp như cánh sen ở đáy hồ, có những căn cơ trung bình như những cánh sen ở lưng chừng nước, cũng có những căn cơ cao có thể tiếp thu trọn vẹn giáo pháp của Ngài như những cành sen đã nhô ra khỏi mặt nước.

Dù sống trong nghiệp quả bất đồng, mỗi chúng sanh đều có hạt giống Giác ngộ, như hoa sen dù sống trong bùn tanh hôi, vẫn tỏa hương thơm ngát.

Với ba lần thỉnh cầu và phát khởi thiện nguyện hộ trì giáo pháp của Phạm thiên, Ðức Thế Tôn quyết định gióng lên tiếng trống pháp và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình. Ngài tuyên bố với Thế gian, với Loài Người, với Cõi trời và với tất cả, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn tới cõi bất sanh bất diệt, cõi Niết bàn đã được khai mở: “Cửa bất tử rộng mở, Cho những ai chịu nghe…”(Trung Bộ I). Và bánh xe pháp đã bắt đầu chuyển vận.

Ban Hoằng pháp Trung ương, GHPGVN Phật Học Cơ Bản – Tập Một

https://www.budsas.org/uni/u-phathoc-coban/phcb1-1-4.htm

* Chú thích:

(1) Asita (A Tư Ðà): vị Đạo sĩ ẩn tu trên đỉnh Hymalaya, người được kính nể nhất vì đạo hạnh và đức độ tại Ấn lúc bấy giờ.

(2) Channa (Xa Nặc): người hầu cận tâm phúc bên cạnh Thái tử.

(3) Kantaka (Kiền Trắc): Theo truyền thuyết, con ngựa Kantaka rất hung dữ, không ai điều phục được ngoài Thái tử Siddhatta.

(4) Năm anh em Tôn giả Kodanna: Kondanna, Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji.

(5) Bodhi: Tên một loại cây tại Ấn Ðộ, Hán dịch là cây bồ đề. Bodhi còn có nghĩa là trí tuệ.

* Sách tham khảo

  1. Thích ThiệnSiêu, Tỏa ánh từ quang, BTS tỉnh Thừa Thiên-Huế, Huế, 1992.
  2. Thích Thiện Siêu, Phật tử, VNCPHVN, TP HCM, 1997.
  3. H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Ðức Phật lịch sử, Viện NCPHVN, TP HCM, 1997.