VIII. Miếng Ðá Vụn – (Tạp, Ðại 2,355a) – (Biệt Tạp, Ðại 2,473c) – (S.i,27)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), tại vườn Nai (Maddakucchi)
2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân Cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn Chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.
3) Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con Sư tử, chân đặt trên chân, Chánh niệm tỉnh giác.
4) Rồi bảy trăm quần tiên Satullapakàyikà, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Maddakucchi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
5) Ðứng một bên, một vị Thiên đọc lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng. Và với tư cách Long tượng, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, đau khổ, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú, Ngài Chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Sa-môn Gotama thật là bậc Sư tử. Và với tư cách Sư tử, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau… không có phiền não.
7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Sa-môn Gotama thật là Lương tuấn mã. Và với tư cách Lương tuấn mã, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau… không có phiền não.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Sa-môn Gotama thật là bậc Ngưu vương. Và với tư cách Ngưu vương, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau… không có phiền não.
9) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Sa-môn Gotama thật là bậc Nhẫn nại Kiên cường. Và với tư cách bậc Nhẫn nại Kiên cường, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau… không có phiền não.
10) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Sa-môn Gotama thật là một bậc Khéo điều phục. Và với tư cách là một bậc Khéo điều phục, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau… không có phiền não.
11) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
— Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và Giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích. Ai có thể nghĩ mình đi ngược lại một Long tượng như vậy, một bậc Sư tử như vậy, một bậc Lương tuấn mã như vậy, một bậc Ngưu vương như vậy, một bậc Nhẫn nại Kiên cường như vậy, một bậc Nhiếp phục như vậy, trừ phi là một người mù.
Các vị Bà-la-môn, Tinh thông năm Vệ-đà, Dầu tu tập khổ hạnh, Cho đến hàng trăm năm, Tâm họ không có thể, Chơn chánh được Giải thoát. Tự tánh quá hạ liệt, Không đến bờ bên kia, Bị khát ái chi phối, Bị giới cấm trói buộc, Dầu tu tập khổ hạnh, Cho đến hàng trăm năm, Tâm họ không có thể, Chơn chánh được Giải thoát. Tự tánh quá hạ liệt, Không đến bờ bên kia. Ở đời không nhiếp phục, Kiêu mạn cùng các dục, Tâm không được an tịnh, Không tu tập Thiền định. Ở trong rừng cô độc, Nhưng tâm tư phóng dật, Vị ấy khó vượt khỏi, Sự chinh phục tử thần. Nhiếp phục được kiêu mạn, Khéo tu tập Thiền định, Tâm tư khéo an tịnh, Giải thoát được viên mãn, Ở trong rừng cô độc, Tâm tư không phóng dật, Vị ấy khéo vượt khỏi, Sự chinh phục tử thần.
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng Bộ – Tập I – Thiên Có Kệ – Chương I – Tương Ưng Chư Thiên – IV. Phẩm Quần Tiên