Phân biệt chánh tà cần thực chứng cụ thể:

A. TÀ ĐẠO:

– Lành thay, này Vàsettha! Những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: “Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”. Thật không có sự kiện ấy.

  1. Này Vàsettha, như có người nói: “Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này”. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp mà Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?” Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẩm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, ấp nào, hay thành phố nào?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải Ông đã yêu và đã ái luyến một người Ông không biết, không thấy?” Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý?

– Vâng phải, Tôn giả Gotama. Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia không chánh xác, hợp lý.

  1. – Cũng vậy, này Vàsettha, Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các đại tôn sư các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các Bà-la-môn cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, không thể tận mắt thấy được Phạm thiên. Ngươi cũng nói những tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia các thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, cũng trì tụng và giảng dạy như các vị Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, không có một vị nào đã nói: “Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu”. Như vậy các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: “Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến sự cộng trú với Phạm thiên nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: “Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”. Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý?

B. CHÁNH ĐẠO:

– Này Vàsettha, vậy hãy lóng nghe và khéo tác ý kỹ? Ta sẽ nói:

  1. Này Vàsettha, nay ở đời đức Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ðức Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với thượng trí, thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài Thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
  2. Người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hay một người sinh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tin ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”. Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
  3. Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp, thân nghiệp, ngữ nghiệp, thanh tịnh. Mạng sống trong sạch, giới hạnh đầy đủ, thủ hộ các căn, Chánh niệm, tỉnh giác và biết tri túc.
  4. Này Vàsettha, thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh cụ túc?

Ở đây, này Vàsettha, Tỷ-kheo từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh… do lạc thọ, tâm được định tĩnh… chứng và trú thiền thứ nhất, … (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 43-75).

  1. Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
  2. Này Vàsettha, như người lực sĩ thổi tù và khiến tiếng được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn, cũng vậy này Vàsettha, đối với mọi hình thức của sự sống, không có ai là vị ấy bỏ qua hay bỏ sót mà không biến mãn với tâm Giải thoát, câu hữu với từ. Này Vàsettha, đó là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.
  3. Lại nữa, này Vàsettha, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
  4. Này Vàsettha, như người lực sĩ thổi tù và khiến tiếng được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn, cũng vậy này Vàsettha, đối với mọi hình thức của sự sống, không có ai là vị ấy bỏ qua hay bỏ sót mà không biến mãn với tâm Giải thoát, cùng khởi với xả. Này Vàsettha, đó là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.

Xem chi tiết:

Kinh Trường Bộ – Tập I – 13. Kinh Tevijja (Tam minh) (Tevijja sutta)