Ðại Tạng Kinh Việt Nam
**Tăng Chi Bộ Kinh
Anguttara Nikàya**
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương VII – Bảy Pháp
Phẩm 07 – 09
IX. Phẩm Các Kinh Không Nhiếp
[I]
(I) (1) Sự Phá Hoại
1.- Do phá hoại bảy pháp, này các Tỷ-kheo, thành vị Tỷ-kheo. Thế nào là bảy?
- Phá hoại kiến có thân, phá hoại nghi, phá hoại giới cấm thủ, phá hoại tham, phá hoại sân, phá hoại si, phá hoại mạn.
Do phá hoại bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, thành vị Tỷ-kheo.
(II-VIII) (2-8) Các Pháp Khác
- Này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt bảy pháp, thành vị Sa-môn … do vất bỏ bảy pháp, thành vị Bà-la-môn … Do tiêu diệt bảy pháp, thành vị an lành … Do gột sạch bảy pháp, thành vị đã gột sạch … Do biết rõ bảy pháp, thành bậc có trí … Do phá hoại kẻ thù bảy pháp, thành vị Thánh … Do chặn đứng bảy pháp, thành vị A-la-hán. Thế nào là bảy?
- Chận đứng kiến có thân, chặn đứng nghi, chặn đứng giới cấm thủ, chặn đứng tham, chặn đứng sân, chặn đứng si, chặn đứng mạn.
Do chặn đứng bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, thành vị A-la-hán.
(IX) (9) Phi Diệu Pháp
- – Này các Tỷ-kheo, có bảy phi diệp pháp này. Thế nào là bảy?
- Bất tín, không xấu hổ, không sợ hãi, không nghe nhiều, biếng nhác, thất niệm, ác tuệ. Này các Tỷ-kheo, có bảy phi diệu pháp này.
(X)(10) Diệu Pháp
1.- Có bảy diệu pháp này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bảy?
- Tín, xấu hổ, sợ hãi, nghe nhiều, tinh tấn, Chánh niệm, có trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, có bảy diệu pháp này.
[II]
(I) (1) Người Xứng Ðáng Ðược Cung kính
- – Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng người này, đáng được Cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được Cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?
- Ở đời, này các Tỷ-kheo, có hạng người sống tùy quán Vô thường trên con mắt, tưởng Vô thường, Cảm thọ Vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với Thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất đáng được Cung kính … là phước điền vô thượng ở đời.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có hạng người sống tùy quán Vô thường trên con mắt, tưởng Vô thường, Cảm thọ Vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Với vị ấy, sự chấm dứt các lậu hoặc và sự chấm dứt sanh mạng xảy đến một lần, không trước không sau. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ hai đáng được Cung kính … là phước điền vô thượng ở đời.
- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có hạng người sống tùy quán Vô thường trên con mắt, tưởng Vô thường, thọ Vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-Niết-bàn … chứng được Vô hành Bát-Niết-bàn … chứng được Hữu hành Bát-Niết-bàn … chứng được thượng lưu, đạt được Sắc cứu cánh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ bảy đáng được Cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được Cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Này các Tỷ-kheo, bảy hạng người này đáng được Cung kính … là ruộng phước vô thượng ở đời.
(II) (2) Các Người Khác Ðáng Ðược Cung kính
- – Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng người này, đáng được Cung kính, ….. là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?
- Ở đây, có hạng người sống tùy quán khổ trên con mắt … tùy quán vô ngã trên con mắt … tùy quán diệt tận trên con mắt … tùy quán hoại diệt trên con mắt … tùy quán ly tham trên con mắt … tùy quán đoạn diệt trên con mắt … tùy quán từ bỏ trên con mắt … trên tai … trên mũi … trên lưỡi … trên thân … trên ý … trên các sắc … trên các tiếng … trên các hương … trên các vị … trên các xúc … trên các pháp … trên nhãn thức … trên nhĩ thức … trên tỷ thức … trên thiệt thức … trên thân thức … trên ý thức … trên nhãn xúc … trên nhĩ xúc ….trên tỷ xúc.. trên thiệt xúc … trên thân xúc … trên ý xúc … trên thọ do nhãn xúc sanh … trên thọ do nhĩ xúc sanh … trên thọ do tỷ xúc sanh … trên thọ do thiệt xúc sanh … trên thọ do thân xúc sanh … trên thọ do ý xúc sanh … trên sắc tưởng … trên thanh tưởng … trên hương tưởng … trên vị tưởng … trên xúc tưởng … trên pháp tưởng … trên sắc tư … trên thanh tư … trên hương tư … trên vị tư … trên xúc tư … trên pháp tư … trên sắc ái … trên thanh ái… trên hương ái … trên vị ái … trên xúc ái … trên pháp ái … trên sắc tầm… trên thanh tầm … trên hương tầm … trên vị tầm … trên xúc tầm … trên pháp tầm … trên sắc tứ … trên thanh tứ … trên hương tứ … trên vị tứ … trên xúc tứ … trên pháp tứ … trên sắc uẩn … trên thọ uẩn … trên tưởng uẩn … trên hành uẩn … sống tùy quán Vô thường trên thức uẩn … sống tùy quán khổ … sống tùy quán vô ngã … sống tùy quán diệt tận … sống tùy quán hoại diệt … sống tùy quán ly tham … sống tùy quán đoạn diệt … sống tùy quán từ bỏ.
[III]
(I) (1) Thắng Tri Tham (1)
1.- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bảy pháp cần phải tu tập. Thế nào là bảy?
- Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bảy pháp này cần phải tu tập.
(II) (2) Thắng Tri Tham (2)
1.- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bảy pháp cần phải tu tập. Thế nào là bảy?
- Tưởng Vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bảy pháp này cần phải tu tập.
(III) (3) Thắng Tri Tham (3)
1.- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bảy pháp cần phải tu tập. Thế nào là bảy?
- Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng yếm ly trên đồ ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng Vô thường, tưởng khổ trên Vô thường, tưởng vô ngã trên khổ. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bảy pháp này cần phải tu tập.
(IV) (4) Thắng Tri Tham (4)
- – Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham … để hoàn toàn diệt tận … để đoạn tận … để diệt tận … để hoại diệt … để ly tham … để đoạn diệt … để xả bỏ … để từ bỏ … để từ bỏ tham. Bảy pháp này cần phải tu tập.
- Ðể thắng tri sân … si … phẫn nộ … hiềm hận … che đậy … não hại … tật đố … xan tham … man trá … lường gạt … ngoan cố … tháo động … mạn … tăng thượng mạn … kiêu, phóng dật … để liễu tri … để hoàn toàn diệt tận … để đoạn tận … để diệt tận … để hoại diệt … để ly tham … để đoạn diệt … để xả bỏ … để từ bỏ … để từ bỏ tham. Bảy pháp này cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn thuyết.