10. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan, nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm, với tứ. Dục tưởng xưa kia của vị ấy được diệt trừ, và khi tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật do ly dục sanh khởi lên, vị ấy có tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật, do ly dục sanh. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

11. Lại nữa, này Potthapàda, Tỷ-kheo diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tưởng hỷ lạc vi diệu chơn thật do ly dục sanh xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng hỷ lạc vi diệu chơn thật do định sanh khởi lên, vị ấy có tưởng hỷ lạc vi diệu chơn thật do định sanh. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

12. “Lại nữa này Potthapàda, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, Chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và trú thiền thứ ba. Tưởng hỷ lạc chơn thật vi diệu do định sanh xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng xả lạc vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng xả lạc vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên và cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

13. Lại nữa này Potthapàda, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ, ưu đã Cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy xả lạc chơn thật vi diệu xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng xả lạc, xả khổ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng xả lạc, xả khổ vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

14. Lại nữa này Potthapàda, với sự vượt thoát mọi sắc tưởng, với sự diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, với sự không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Như vậy sắc tưởng xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng Không vô biên xứ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng Không vô biên xứ vi diệu chơn thật. Như vậy do sự học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

15. Lại nữa này Potthapàda, với sự vượt thoát mọi Không vô biên xứ, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy tưởng Không vô biên xứ vi diệu chơn thật xưa kia của vị ấy được diệt trừ, và khi tưởng Thức vô biên xứ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng Thức vô biên xứ vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

16. Lại nữa này Potthapàda, với sự vượt thoát mọi Thức vô biên xứ, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Không có vật gì” chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy tưởng Thức vô biên xứ vi diệu chơn thật xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng Vô sở hữu xứ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng Vô sở hữu xứ vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Ðó là sự học tập Thế Tôn nói đến”.

17. Lại nữa này Potthapàda, khi Tỷ-kheo ở nơi đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này khi đứng tại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: “Tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng có suy tưởng”. Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy Cảm thọ sự diệt tận. Như vậy, này Potthapàda, là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng.

Xem chi tiết:

Kinh Trường Bộ – Tập I – 9. Kinh Potthapàda (Bố-sá-bà-lâu) (Potthapàda sutta)