Một số đông Tỷ-kheo nghe như sau: “Tỷ-kheo tên Arittha, xưa làm nghề huấn luyện chim ưng, khởi lên ác tà kiến như sau: “Theo như ta hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, khi thọ dụng những pháp được Thế Tôn gọi là chướng ngại pháp, thật sự không có chướng ngại gì”. Rồi những Tỷ-kheo ấy đi đến chỗ Tỷ-kheo Arittha, xưa làm nghề huấn luyện chim ưng, khi đến xong, liền nói với Tỷ-kheo Arittha, xưa làm nghề huấn luyện chim ưng như sau:
— Này Hiền giả Arittha, có đúng sự thật rằng, Hiền giả khởi lên ác tà kiến như sau: “Theo như tôi hiểu… thật sự không có chướng ngại gì”?
— Thật sự là vậy, chư Hiền. Theo như tôi hiểu… không có chướng ngại gì.
— Này kẻ ngu si kia, sao Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy? Này kẻ ngu si kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn thuyết chướng đạo pháp. Và những ai thọ dụng chúng tự đủ bị chướng ngại? Ta đã thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Ta đã thuyết các dục được ví như khúc xương… Ta đã thuyết các dục được ví như miếng thịt… được ví như bó đuốc cỏ khô… được ví như hố than hừng… được ví như cơn mộng… được ví như vật dụng cho mượn… được ví như trái cây… được ví như lò thịt… được ví như gậy nhọn… Ta đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Và này kẻ ngu si kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ ngu si kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập I – 22. Kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta)