— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu nội xứ này là Vô thường”.
— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu ngoại xứ này là Vô thường”.
— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu thức thân này là Vô thường”.
— Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy; dầu là Vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là Vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là Vô thường, chịu sự biến hoại; ánh sáng là Vô thường, chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: “Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là Vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là Vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là Vô thường, chịu sự biến hoại; nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng không chịu sự biến hoại”; chư Hiền tỷ, nói như vậy là có nói chân chánh không?
— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là Vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là Vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng là Vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng, cũng là Vô thường, chịu sự biến hoại!
Xem chi tiết :
Kinh Trung Bộ – Tập III – 146. Kinh Giáo giới Nandaka (Nandakovàda sutta)