Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập I – Thiên Có Kệ
Chương IV
Tương Ưng Ác Ma
I. Phẩm Thứ Nhất
I. Khổ Hạnh Và Nghiệp (S.i,103)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà bên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài vừa Giác ngộ.
2) Rồi Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật sự Ta được Giải thoát khỏi khổ hạnh ấy. Tốt lành thay, thật sự Ta được Giải thoát khỏi khổ hạnh không liên hệ đến lợi ích ấy! Tốt lành thay, Ta kiên trì, Chánh niệm, chứng đạt Bồ-đề!”
3) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ này với Thế Tôn:
Từ bỏ pháp khổ hạnh, Giúp thanh niên trong sạch, Không tịnh, nghĩ mình tịnh, Ði ngược thanh tịnh đạo.
4) Rồi Thế Tôn, biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:
Biết được pháp khổ hạnh, Ðược xem là bất tử, Pháp ấy không lợi ích, Không đem lợi ích nào, Như chèo và bánh lái, Chiếc thuyền trên đất cạn. Giới, định và trí tuệ, Con đường hướng chánh giác. Ta tu tập hạnh ấy, Ðạt được tối thắng tịnh, Này kẻ Tử ma kia, Ông bị bại trận rồi.
5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.
II. Con Voi (S.i,103)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, bên bờ sông Neranjarà, dưới cây Nigrodha Ajapàla, khi Ngài mới Giác ngộ. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.
2) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền biến hình thành con voi chúa to lớn và đi đến Thế Tôn.
3) Và đầu con voi ví như hòn đá đen lớn (aritthako), ngà của nó ví như bạc trắng tinh, vòi của nó ví như đầu cái cày lớn.
4) Thế Tôn biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:
Ông luân hồi dài dài, Hình thức tịnh, bất tịnh. Thôi vừa rồi, Ác ma, Ông đã bị bại trận.
5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.
III. Tịnh (S.i,104)
1) Trú tại Uruvelà.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.
3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn.
4) Sau khi đến, hiện lên những hình tướng cao thấp, tịnh, bất tịnh, không xa Thế Tôn bao nhiêu.
5) Rồi Thế Tôn biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:
Ông luân hồi dài dài, Hình thức tịnh, bất tịnh. Thôi vừa rồi, Ác ma, Ông đã bị bại trận. Những vị thân, khẩu, ý, Khéo hộ trì chế ngự, Này kẻ Ác ma kia, Những vị ấy như vậy, Không bị Ông chi phối, Không phải đệ tử Ông.
6) Rồi Ác ma biết được… liền biến mất tại chỗ.
IV. Bẫy Sập (S.i,105)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Barànasi (Ba-la-nại), Isipatana (chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: — “Này các Tỷ-kheo.” — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn “. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
2) Thế Tôn nói như sau:
— Này các Tỷ-kheo, chính nhờ chánh tác ý, chính nhờ chánh Tinh cần. Ta chứng đạt Vô thượng Giải thoát. Ta chứng ngộ Vô thượng Giải thoát. Vậy này các Tỷ-kheo, các Ông cũng phải với chánh tác ý, chánh Tinh cần, chứng đạt Vô thượng Giải thoát, chứng ngộ Vô thượng Giải thoát.
Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Ngài còn bị trói buộc, Trong bẫy sập của ma, Bởi những dây dục lạc, Cả Thiên giới, Nhân giới. Ngài đang bị cột chặt, Trong triền phược của ma. Này vị Sa-môn kia, Ngài chưa thoát khỏi ta.
4) (Thế Tôn):
Ta đã được Giải thoát, Khỏi bẫy sập của ma, Thoát khỏi dây dục lạc, Cả Thiên giới, Nhân giới. Ta đã được Giải thoát, Khỏi triền phược của ma, Này kẻ Tử ma kia, Ông đã bị bại trận.
5) Rồi Ác ma… biến mất tại chỗ.
V. Bẫy Sập (S.i,105)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại) tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “– Này các Tỷ-kheo.” “– Thưa vâng Thế Tôn.” Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
2) Thế Tôn nói như sau:
— Này các Tỷ-kheo, Ta đã được Giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được Giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì Hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì Hạnh phúc, vì an lạc cho Chư Thiên và Loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy Thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ đi đến Uruvelà, thị trấn Senà để Thuyết pháp.
3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Ngài còn bị trói buộc, Trong bẫy sập của ma, Bởi những dây dục lạc, Cả Thiên giới, Nhân giới. Ngài đang bị cột chặt, Trong triền phược của ma, Này vị Sa-môn kia, Ngài chưa thoát khỏi ta.
4) (Thế Tôn)
Ta đã được Giải thoát, Khỏi bẫy sập của ma, Thoát khỏi dây dục lạc, Cả Thiên giới, Nhân giới. Ta đã được Giải thoát, Khỏi triền phược của ma, Này kẻ Tử ma kia, Ông đã bị bại trận.
VI. Con Rắn (S.i,106)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.
3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, bèn biến thành con đại xà vương và đi đến Thế Tôn.
4) Thân của nó to lớn ví như một chiếc thuyền đẽo ra từ một thân cây. Cái mang của nó ví như cái khay đan của người nấu rượu. Mắt của nó ví như cái đĩa bằng đồng của nước Kosala; lưỡi của nó le ra từ miệng ví như mũi tên chớp sáng lòe khi trời mưa gió sấm sét; tiếng hơi thở vô, hơi thở ra của nó ví như bệ thổi của người thợ rèn.
5) Rồi Thế Tôn biết: “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ này với Ác ma:
Quý thay bậc Mâu-ni, Sống trong nhà không tịch, Biết chế ngự tự ngã, Tại đấy vị ấy trú. Sống từ bỏ tất cả, Với hạnh tu tương xứng, Nhiều loại thú bộ hành, Nhiều sự vật khủng khiếp, Nhiều ruồi muỗi độc xà, Không mảy may rung động Sợi lông bậc Mâu-ni Sống trong nhà không tịch. Dầu trời nứt, đất động, Dầu muôn loài khủng bố, Dầu bị giáo, đao, tên, Quẳng ném vào ngực Ngài, Chư Phật không tạo nên, Những căn cứ sanh y.
6) Rồi Ác ma biết được: ” Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, liền biến mất tại chỗ.
VII. Thụy Miên (S.i,107)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con Sư tử, hai chân gác lên nhau, Chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy.
3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Sao Ngài còn nằm ngủ, Sao Ngài vẫn nằm ngủ, Sao Ngài ngủ như vậy, Như kẻ chết nằm co? Nghĩ rằng nhà trống không, Nên Ngài ngủ như vậy, Sao Ngài ngủ như vậy, Khi mặt trời đã mọc?
4) (Thế Tôn):
Khi không còn tham ái, Với lưới triền, nọc độc, Người vậy được Giải thoát, Không bị dẫn nơi nào. Ác ma! Bậc Giác ngộ Mọi sanh y diệt tận, Vị ấy nếu có ngủ, Các Ông làm được gì?
VIII. Hoan Hỷ (S.i,107)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Cha sung sướng vì con, Người chăn sướng vì bò, Người sướng vì sanh y, Không sanh y, không sướng.
(Thế Tôn):
Cha sầu vì con cái, Người chăn sầu vì bò, Người sầu vì sanh y, Không sanh y, không sầu.
Rồi Ác ma biết rằng: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, liền biến mất tại chỗ.
IX. Tuổi Thọ (S.i,108)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo” — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
— Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ Loài Người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.
4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Loài Người Thọ mạng dài, Người lành chớ âu lo, Bú sữa no, hãy sống Tử vong đâu có đến.
5) (Thế Tôn):
Loài Người Thọ mạng ngắn, Người lành phải âu lo, Như cháy đầu, hãy sống, Tử vong rồi phải đến.
6) Rồi Ác ma, biết được “Thế Tôn đã biết ta…”, liền biến mất tại chỗ.
X. Tuổi Thọ (S.i,108)
Tại đây, Thế Tôn nói như sau:
— Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ Loài Người ở đời này, rồi phải ra đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.
2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:
Ngày đêm không trôi qua, Thọ mạng không chấm dứt, Thọ mạng người xoay vần, Như vành theo trục xe.
3) (Thế Tôn):
Ngày đêm có trôi qua, Thọ mạng có chấm dứt, Mạng người phải khô cạn, Như suối nhỏ đầu non.
4) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.