1. IX. Bệnh (Trường 2, Ðại 1,15ab) (S.v,152)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại làng Beluva.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy an cư vào mùa mưa xung quanh Vesàli, chỗ nào có bạn bè, có người quen biết (sandittham), có người thân thiết (sambhattam). Ở đây, Ta sẽ an cư mùa mưa tại làng Veluva này.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, an cư mùa mưa xung quanh Vesàli, tại chỗ có bạn bè, có người quen biết, có người thân thiết. Còn Thế Tôn thời an cư mùa mưa tại làng Beluva.

3) Trong khi Thế Tôn an cư mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, những Cảm thọ khốc liệt gần như chết tiếp diễn. Ở đây, Thế Tôn Chánh niệm, tỉnh giác, không có than vãn.

4) Rồi Thế Tôn suy nghĩ: “Thật không tương xứng đối với Ta, nếu Ta không báo trước các vị ủng hộ Ta và không từ giã chúng Tỷ-kheo mà nhập Niết-bàn. Vậy Ta hãy tinh tấn nhiếp phục trọng bệnh này, lưu giữ mạng hành (jìvitasankhàra) và sống”. Rồi Thế Tôn với sức tinh tấn nhiếp phục trọng bệnh ấy, lưu giữ mạng hành và sống.

5) Rồi Thế Tôn thoát khỏi cơn bệnh; thoát khỏi cơn bệnh không bao lâu, Ngài đi ra khỏi nhà bệnh, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, trong bóng im, sau lưng ngôi nhà.

6) Rồi Tôn giả [[ANanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả [[ANanda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, con thấy Thế Tôn kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con thấy Thế Tôn chịu đựng! Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng. Pháp không được tỏ rõ cho con vì Thế Tôn bị bệnh. Nhưng bạch Thế Tôn, con được chút an ủi rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài không có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.

7) — Này [[ANanda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta. Này [[ANanda, Ta giảng pháp không có phân biệt trong ngoài. Vì, này [[ANanda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo Sư còn nắm tay. Này [[ANanda, những ai nghĩ rằng Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo, hay : Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta, thời này [[ANanda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này [[ANanda, Như Lai không có nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo”, hay “Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời này [[ANanda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?

8) Này [[ANanda, Ta nay đã già, bậc trưởng thượng, bậc Trưởng lão, đã đạt đến đoạn cuối của đời, đã đến tám mươi tuổi. Này [[ANanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thừng chằng chịt. Cũng vậy, thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ dây thừng chằng chịt.

9) Này [[ANanda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số Cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy, thân Như Lai được thoải mái. Vậy này [[ANanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này [[ANanda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

10) Này [[ANanda, ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này [[ANanda, như vậy là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

11) Này [[ANanda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này [[ANanda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

Xem chi tiết:

Kinh Tương Ưng – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – Chương III – Tương Ưng Niệm Xứ (a)