thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là Giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được Giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về Giác ngộ chân lý.

— Ở đây, này Bharadvaja, Tỷ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng: “Không hiểu vị Tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy,” hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được Hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Vị Tôn giả ấy không có những tham pháp, do những tham pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được Hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng tham. Còn Tôn giả ấy Thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân pháp: “Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được Hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những sân pháp, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động, khiến người ấy không được Hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy Thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những sân pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các si pháp: “Không hiểu Tôn giả ấy có si pháp hay không, do những si pháp này, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có hành động khiến người ấy không được Hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những si pháp, do những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy, vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được Hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng si. Còn Tôn giả ấy Thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sanh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy Tinh cần. Trong khi Tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự Giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được Giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự Giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.

Xem chi tiết:

Kinh Trung Bộ – Tập II – 95. Kinh Cankì (Cankì sutta)