(III) (193) Bhaddiya
- Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli tại Mahàvana trong ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Licchavii Bhaddiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Licchavii Bhaddiya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Là một nhà huyễn thuật, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo”. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư, biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo”, những người ấy, bạch Thế Tôn, có phải nói đúng ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật. Có phải họ trả lời về pháp hợp với Chánh pháp? Và ai là vị đồng pháp, theo đồng môt quan điểm, không có lý do để chỉ trích? Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn xuyên tạc Thế Tôn”.
2.- Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào tự mình ông biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này là bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau”, thời này Bhaddiya, Ông hãy từ bỏ chúng!
- Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya! Lòng tham khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại Hạnh phúc hay bất hạnh?
– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
– Người này có tham, này Bhaddiya, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, giết loài hữu tình, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
- – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, lòng sân … lòng si … lòng hung bạo khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại Hạnh phúc hay bất hạnh?
– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
– Người này có lòng hung bạo, này Bhaddiya, bị hung bạo chinh phục, tâm mất tự chủ, giết loài hữu tình, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
- – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, các pháp này là thiện hay bất thiện?
– Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
– Có tội hay không có tội?
– Có tội, bạch Thế Tôn.
– Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
– Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không, hay ở đây là thế nào?
– Ðược thực hiện, được chấp nhận, chúng đem lại bất hạnh đau khổ. Ở đây, đối với chúng con là như vậy.
6.- Như vậy, này Bhaddiya, điều ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt với những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào tự mình ông biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này là bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau”, thời này Bhaddiya, Ông hãy từ bỏ chúng!”. Như vậy, đã được nói lên, chính do duyên này được nói lên như vậy.
- Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết … chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này là không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến Hạnh phúc an lạc”, thời này Bhaddiya, Ông hãy chứng đạt và an trú.
- Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya! Không tham khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại Hạnh phúc hay bất hạnh?
– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
– Người này không tham, này Bhaddiya, không bị tham chinh phục, tâm không mất tự chủ, không giết loài hữu tình, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy Hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
- – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, không sân … không si … không hung bạo khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại Hạnh phúc hay bất hạnh?
– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
– Người này không có lòng hung bạo, này Bhaddiya, không bị hung bạo chinh phục, tâm không mất tự chủ, không giết loài hữu tình, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy Hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
- – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, các pháp này là thiện hay bất thiện?
– Là thiện, bạch Thế Tôn.
– Có tội hay không có tội?
– Không có tội, bạch Thế Tôn.
– Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
– Ðược người có trí tán thán, bạch Thế Tôn.
– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đem lại Hạnh phúc an lạc không, hay ở đây là thế nào?
– Ðược thực hiện, được chấp nhận, Bạch Thế Tôn. chúng đem lại Hạnh phúc an lạc. Ở đây, đối với chúng con là như vậy.
11.- Như vậy, này Bhaddiya, điều ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào tự mình ông biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến Hạnh phúc và an lạc”, thời này Bhaddiya, Ông hãy chứng đạt và an trú”. Ðiều này đã được nói lên, chính do duyên này được nói lên như vậy.
- Này Bhaddiya, tất cả những Bậc chân nhân tịch tịnh ở đời, khích lệ đệ tử như sau: “Hãy đến, này bạn! hãy nhiếp phục tham, hãy sống nhiếp phục tham! Do sống nhiếp phục tham, bạn sẽ không làm nghiệp do tham sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục sân! Hãy nhiếp phục sân! Do sống nhiếp phục sân, bạn sẽ không làm nghiệp do sân sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục si! Hãy nhiếp phục si! Do sống nhiếp phục si, bạn sẽ không làm nghiệp do si sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục hung bạo! Hãy nhiếp phục hung bạo! Do sống nhiếp phục hung bạo, bạn sẽ không làm nghiệp do hung bạo sanh, về thân, về lời, về ý!”.
- Khi được nói như vậy, Bhaddiya người Licchavi bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, … Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử Cư sĩ, từ nay cho đến Mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
– Này Bhaddiya, Ta có nói với Ông như sau: “Hãy đến, này Bhaddiya; hãy đến làm đệ tử của Ta, này Bhaddiya! Ta sẽ là Ðạo Sư (của Ông)” không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Như vậy, này Bhaddiya, những Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, tuyên bố như sau, những vị ấy là không thiện, trống không, nói láo, xuyên tạc với điều không thật: “Là một huyễn thuật sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo!”.
– Bạch Thế Tôn, hiền thiện là huyễn thuật dụ dỗ này. Bạch Thế Tôn, hiền lành là huyễn thuật dụ dỗ này. Con mong rằng, bạch Thế Tôn, các bà con huyết thống thân ái của con được huyễn thuật dụ dỗ này dụ dỗ. Như vậy, những bà con huyết thống của con tất cả được Hạnh phúc an lạc lâu dài! Bạch Thế Tôn, nếu tất cả những người Sát-đế-lỵ được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, tất cả các Sát-đế-lỵ được Hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài! Bạch Thế Tôn, nên tất cả người Bà-la-môn … tất cả người Phệ xá … tất cả Thủ đà được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, tất cả các Thủ đà ấy được Hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!
– Như vậy là phải, này Bhaddiya! Như vậy là phải, này Bhaddiya! Này Bhadiya, nếu tất cả những người Sát-đế-lỵ được cám dỗ (với sự dụ dỗ này) để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các Sát-đế-lỵ được Hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài! Này Bhàddiya, nếu tất cả người Bà-la-môn … tất cả người Phệ xá … tất cả mọi người Thủ đà được cám dỗ (với sự dụ dỗ này) để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các Thủ đà được Hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!
Này Bhaddiya, nếu thế giới cùng với Chư Thiên, Màra, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Chư Thiên và Loài Người được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy chúng được Hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!
Này Bhaddiya, nếu các cây sala to lớn này được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả cây sala to lớn này được Hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài nếu chúng có thể suy nghĩ được, còn nói gì với con người!
Xem chi tiết: