II. Phẩm Trú
11.I. Trú (1) (S.v,12)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền định trong nửa tháng, không có ai đến yết kiến Ta, trừ độc nhất người mang đồ ăn Khất thực.
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến yết kiến Thế Tôn, trừ một người người mang đồ ăn Khất thực lại.
3) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy và gọi các Tỷ-kheo:
— Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.
4) Như vậy, Ta rõ biết những gì được Cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được Cảm thọ do duyên chánh kiến… những gì được Cảm thọ do duyên tà định, những gì được Cảm thọ do duyên chánh định, những gì được Cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được Cảm thọ do duyên tầm (vitakka), những gì được Cảm thọ do duyên tưởng (sannà).
5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, thời tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những Cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những Cảm thọ.
6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để được chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ.
12.II. Trú (2) (S.v,13)
1-2) Ở Sàvatthi…
— Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền tịnh trong ba tháng…
3) Sau ba tháng, Thế Tôn từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:
— Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.
4) Như vậy, Ta rõ biết (pajànàmi) những gì được Cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được Cảm thọ do duyên tà kiến được tịnh chỉ, những gì được Cảm thọ do duyên chánh kiến, những gì được Cảm thọ do duyên chánh kiến được tịnh chỉ, những gì được Cảm thọ do duyên tà định, những gì được Cảm thọ do duyên tà định được tịnh chỉ, những gì được Cảm thọ do duyên chánh định, những gì được Cảm thọ do duyên chánh định được tịnh chỉ, những gì được Cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được Cảm thọ do duyên ước muốn được tịnh chỉ, những gì được Cảm thọ do duyên tầm, những gì được Cảm thọ do duyên tầm được tịnh chỉ, những gì được Cảm thọ do duyên tưởng, những gì được Cảm thọ do duyên tưởng được tịnh chỉ.
5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ.
6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những Cảm thọ.
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – Chương I – Tương Ưng Ðạo (a)