Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập I – Thiên Có Kệ
Chương VII
Tương Ưng Bà La Môn
I. Phẩm A-la-hán Thứ Nhất
I. Dhananjàni (S.i,160)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn Dhananjàni, vợ một người Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, có lòng tín thành đối với Phật, Pháp và Tăng.
3) Rồi nữ Bà-la-môn Dhananjàni, trong khi bưng cơm cho Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, hứng khởi thốt lên ba lần lời cảm hứng: “Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác ấy!”
4) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja nói với nữ Bà-la-môn Dhananjàni:
— Như vậy, trong mọi thời, mọi dịp, kẻ hạ tiện này nói lời tán thán vị Sa-môn trọc đầu ấy. Này kẻ Hạ tiện kia, ta sẽ luận phá bậc Ðạo Sư của Ngươi.
5) — Thưa Bà-la-môn, tôi không thấy trong thế giới Chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, trong chúng Sa-môn hay Bà-la-môn, giữa Chư Thiên hay Loài Người, không một ai có thể luận phá Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy này Bà-la-môn, Ông hãy đi. Sau khi đi, Ông sẽ biết.
6) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
7) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Sát vật gì, được lạc? Sát vật gì, không sầu? Có một pháp loại gì, Ngài tán đồng sát hại, Tôn giả Gotama?
8) (Thế Tôn):
Sát phẫn nộ, được lạc Sát phẫn nộ, không sầu, Phẫn nộ với độc căn, Với vị ngọt tối thượng, Pháp ấy, bậc Hiền Thánh, Tán đồng sự sát hại. Sát pháp ấy, không sầu, Này Bà-la-môn kia.
9) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia trước mặt Thế Tôn, cho con được thọ đại giới!
10) Và Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja được xuất gia trước mặt Thế Tôn, được thọ đại giới.
11) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, Tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với Thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
12) Và Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
II. Phỉ Báng (S.i,161)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja được nghe Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
3) Ông phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.
4) Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja:
— Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?
5) — Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng, các thân hữu, bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi.
6) — Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?
7) — Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm, các loại đồ nếm.
8) — Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?
9) — Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi.
10) — Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây lộn, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông!
11) Nhà vua và vương cung, vương thần nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị A-la-hán”. Tuy vậy Tôn giả Gotama nay đã phẫn nộ.
12) (Thế Tôn):
Với vị không phẫn nộ, Phẫn nộ từ đâu đến? Sống chế ngự, chánh mạng, Giải thoát, nhờ chánh trí. Vị ấy sống như vậy, Ðời sống được tịch tịnh. Những ai bị phỉ báng, Trở lại phỉ báng người, Kẻ ấy làm ác mình, Lại làm ác cho người. Những ai bị phỉ báng, Không phỉ báng chống lại, Người ấy đủ thắng trận, Thắng cho mình, cho người. Vị ấy tìm lợi ích, Cho cả mình và người. Và kẻ đã phỉ báng, Tự hiểu, lắng nguôi dần. Bậc Y sư cả hai, Chữa mình, chữa cho người, Quần chúng nghĩ là ngu, Vì không hiểu Chánh pháp.
13) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật là vi diệu thay, Tôn giả Gotama!…,… Con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia tu học với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.
14) Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.
15) Ðược thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Akkosaka Bhàrahvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, Tinh cần không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với Thắng trí, tự mình Giác ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
16) Và Tôn giả Akkosaka Bhàradvàkja trở thành một vị A-la-hán nữa.
III. Asurindaka (S.i,163)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Bà-la-môn Asurindaka Bhàradvàja nghe như sau: ” Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
3) Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, có những lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.
4) Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.
5) Rồi Bà-la-môn Asurindaka Bhàradvàja nói với Thế Tôn:
— Này Sa-môn, Ông đã bị chinh phục. Này Sa-môn, Ông đã bị chinh phục!
6) (Thế Tôn):
Kẻ ngu nghĩ mình thắng, Khi nói lời ác ngữ, Ai biết chịu kham nhẫn, Kẻ ấy thật thắng trận. Những ai bị phỉ báng, Trở lại phỉ báng người, Kẻ ấy làm ác mình, Lại làm ác cho người. Những ai bị phỉ báng, Không phỉ báng đối lại, Người ấy đã thắng trận, Thắng cho mình cho người. Vị ấy tìm lợi ích, Cho cả mình và người, Và kẻ đã phỉ báng, Tự hiểu, lắng nguội dần. Bậc y sư cả hai, Chữa mình, chữa cho người, Quần chúng nghĩ là ngu, Vì không hiểu Chánh pháp.
7) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn Asurindaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama…,”… không còn trở lại đời sống này nữa.”
8) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
IV. Bilangika (S.i,164)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja được nghe: “Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Sa-môn Gotama, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
3) Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, giữ yên lặng, đứng một bên.
4) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja, liền nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja:
Ai hại người hiền thiện, Thanh tịnh, không cấu nhiễm, Ác hạnh được chín mùi, Phản lại hại người ngu, Chẳng khác gì ngược gió, Lại tung vãi bụi trần.
5) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn Bilangika Bhàradvaja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!… Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và Tỷ-kheo Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama…,…, Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với Thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
V. Bất Hại – Ahimsaka (S.i,164)
1) Nhân duyên tại Sàvatthi.
2) Rồi Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama! Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama!.
4) (Thế Tôn):
Danh phải tương xứng người, Người phải là bất hại! Ai với thân, miệng, ý, Không làm hại một ai, Ai không hại người khác, Người ấy thật bất hại.
5) Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama…,”… không còn trở lui đời sống này nữa.”
6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
VI. Bện Tóc (S.i,165)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Bà-la-môn Jatabhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jatabhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Nội triền và ngoại triền, Chúng sanh bị triền phược, Con hỏi Gotama, Ai thoát triền phược này?
4) (Thế Tôn)
Người có trí, trú giới, Tu tập tâm và tuệ, Nhiệt tâm và thận trọng, Tỷ-kheo ấy thoát triền. Với ai đã từ bỏ, Tham sân và vô minh, Bậc Ứng cúng lậu tận, Vị ấy thoát triền phược. Chỗ nào danh và sắc Ðược đoạn tận vô dư, Ðoạn chướng ngại sắc tưởng, Chỗ ấy triền phược đoạn.
5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Jatabhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!…
6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
VII. Suddhika (S.i,165)
2) Rồi Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja nói lên bài lệ này trước mặt Thế Tôn:
Không Bà-la-môn nào, Dầu Giữ giới, khổ hạnh, Có thể được thanh tịnh, Dầu ở thế giới nào. Chỉ vị Minh Hạnh Túc, Mới có thể thanh tịnh. Không một quần chúng nào. Ngoài vị hành như vậy.
4) (Thế Tôn):
Dầu lẩm bẩm nhiều chú, Nhưng không vì thọ sanh, Ðược gọi Bà-la-môn, Nội ô nhiễm bất tịnh, Y cứ trên lừa đảo, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, Chiên-đà-la, Kẻ đổ phẩn, đổ rác, Tinh cần và tinh tấn, Thường dõng mãnh tấn tu, Ðạt được tịnh tối thắng, Bà-la-môn nên biết!
5) Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!…
6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
VIII. Aggika: Thờ lửa (S.i,166)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, một món ăn gồm gạo và sữa đông được sửa soạn cho Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja để vị này sắp đặt: “Tôi sẽ tế lửa, tôi sẽ làm lễ Cúng dường lửa”.
3) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầmy bát đi vào Ràjagaha để Khất thực. Trong khi đi Khất thực thứ lớp ở Ràjagaha, Thế Tôn đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja; sau khi đến, Thế Tôn đứng một bên.
4) Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja thấy Thế Tôn đi Khất thực đến, thấy vậy liền nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Vị đầy đủ ba minh, Thiện sanh và nghe nhiều, Minh hạnh được trọn vẹn, Hãy thọ món ăn này!
5) (Thế Tôn):
Dầu lẩm bẩm nhiều chú, Nhưng không vì thọ sanh, Ðược gọi Bà-la-môn. Nội ô nhiễm bất tịnh, Y cứ trên lừa đảo, Thấy Thiên giới ác thú, Ðoạn diệt được Tái sanh, Thắng trí, bậc Mâu-ni, Ðầy đủ ba minh này, Ba minh, Bà-la-môn, Minh hạnh được đầy đủ, Hãy thọ món ăn này.
6) – Mong Tôn giả thọ lãnh món ăn này. Tôn giả Gotama thật là bậc Bà-la-môn.
7) (Thế Tôn):
Ta không có hưởng thọ, Vì tụng hát kệ chú, Thường pháp không phải vậy, Ðối vị có Tri kiến. Chư Phật đã loại bỏ, Tụng hát các kệ chú, Chân thật niệm Chánh pháp, Sở hành là như vậy. Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn, Cúng dường phải khác biệt, Ðoạn tận các lậu hoặc, Dao động được lắng dịu. Với những bậc như vậy, Ăn uống phải Cúng dường, Thật chính là phước điền, Cho những ai cầu phước.
8) Ðược nghe như vậy, Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!…
9) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
IX. Sundarika (S.i,167)
1) Một thời Thế Tôn ở giữa dân tộc Kosala, trên bờ sông Sundarika.
2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja tế lửa trên bờ sông Sundarika, làm lễ Cúng dường lửa.
3) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja sau khi tế lửa, làm lễ Cúng dường lửa xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn xung quanh tất cả bốn phương và nghĩ: “Ai có thể hưởng họ món ăn cúng tế còn lại này?”
4) Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây, đầu được bao trùm, thấy vậy, tay trái cầm món ăn cúng tế còn lại, tay phải cầm bình nước đi đến Thế Tôn.
5) Và Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja liền tháo đồ trùm ở đầu.
6) Và Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja nghĩ: “Ðầu vị này trọc, vị này là người trọc đầu”, nghĩ vậy, muốn trở lui.
7) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja lại suy nghĩ: “Trọc đầu ở đây, một số Bà-la-môn cũng như vậy. Vậy ta hãy đến và hỏi vấn đề thọ sanh”.
8) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:
— Thọ sanh Tôn giả là gì?
9) (Thế Tôn):
Chớ hỏi về thọ sanh, Hãy hỏi về sở hành. Tùy theo mọi thứ củi, Ngọn lửa được sanh khởi. Dầu thuộc nhà hạ tiện, Bậc ẩn sĩ Tinh cần, Ðược xem như thượng sanh, Biết tàm quý, trừ ác. Ðiều thuận bởi chân lý, Thuần thục trong hành trì, Thông đạt các Thánh kinh, Phạm hạnh được viên thành. Tế vật đã đem lại, Hãy cầu khẩn vị ấy, Lễ tế làm đúng thời, Vị ấy xứng Cúng dường.
10) Sundarika:
Vật cúng này của con, Thật sự khéo Cúng dường, Nay con đã thấy được, Bậc sáng suốt như Ngài. Con không thấy một ai Có thể sánh được Ngài, Không có người nào khác Thọ hưởng vật cúng này. Tôn giả Gotama, Hãy thọ hưởng vật cúng. Ngài thật là Bà-la-môn, Là bậc đáng tôn trọng.
11) (Thế Tôn):
Ta không có hưởng thọ, Vì tụng hát kệ chú, Thường pháp không phải vậy, Ðối vị có Tri kiến. Chư Phật đã loại bỏ Tụng hát các kệ chú, Chân thật niệm Chánh pháp, Sở hành là như vậy. Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn, Cúng dường phải khác biệt. Ðoạn tận các lậu hoặc, Trạo hối được lắng dịu, Với những bậc như vậy, Cơm nước phải Cúng dường, Thật chính là phước điền, Cho những ai cầu phước.
12) — Vậy thưa Tôn giả Gotama, con phải cho ai vật cúng còn lại này?
13) — Này Bà-la-môn, trong toàn thế giới Chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, trong chúng Sa-môn và Bà-la-môn, trong thế giới Chư Thiên và Loài Người, Ta không thấy một ai ăn vật cúng còn lại này có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử Như Lai. Này Bà-la-môn, vậy này Bà-la-môn, hãy quăng vật cúng còn lại này tại chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm xuống nước, nơi không có loài hữu tình.
14) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja nhận chìm vật cúng còn lại ấy vào trong nước, nơi không có loài hữu tình.
15) Vật cúng ấy khi được quăng vào trong nước liền xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Ví như lưỡi cày đốt nóng cả ngày, khi bỏ vào trong nước, bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Cũng vậy, vật cúng còn lại ấy khi được quăng vào trong nước bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên.
16) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn; sau khi đến liền đứng một bên.
17) Thế Tôn nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja đang đứng một bên:
Này Bà-la-môn kia, Chớ có nghĩ gì tịnh. Sự sắp đặt củi lửa, Như vậy chỉ bề ngoài. Bậc thiện nhân dạy rằng, Người ấy không thanh tịnh, Với những ai chỉ muốn Thanh tịnh mặt bên ngoài. Này Bà-la-môn kia, Ta từ bỏ củi lửa, Ta chỉ nhen nhúm lên Ngọn lửa từ nội tâm, Ngọn lửa thường hằng cháy, Thường nồng cháy nhiệt tình. Ta là bậc La-hán, Ta sống đời Phạm hạnh. Này Bà-la-môn kia, Người mang ách kiêu mạn, Phẫn nộ là khói hương, Vọng ngôn là tro tàn, Lưỡi là chiếc muỗng tế, Tâm là chỗ tế tự, Tự ngã là ngọn lửa. Còn người khéo điều phục, Chánh pháp là ao hồ, Giới là bến nước tắm, Không cấu uế, trong sạch, Ðược thiện nhơn tán thán, Là chỗ bậc có trí, Thường tắm, trừ uế tạp. Khi tay chân trong sạch, Họ qua bờ bên kia. Chánh pháp là chân lý, Tự chế là Phạm hạnh, Chính con đường trung đạo, Giúp đạt tối thắng vị, Ðảnh lễ bậc trực tâm, Ta gọi tùy pháp hành.
18) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!…
19) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.
X. Bahudhiti (S.i,170)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, một Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bị mất mười bốn con bò.
3) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja trong khi đi tìm những con bò đực ấy, đi đến khu rừng kia; sau khi đến, thấy Thế Tôn ngồi Kiết-già trong khu rừng ấy, lưng giữ thẳng và để Chánh niệm trước mặt.
4) Thấy vậy, Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:
Với vị Sa-môn này, Không có mười bốn bò, Nên không thấy sáu mươi (ajjasatthi), Do vậy được an lạc. Với vị Sa-môn này, Không có ruộng mè hư, Một hai lá cây mè, Do vậy được an lạc. Với vị Sa-môn này, Không kho trống, không chuột, Chạy chơi và múa nhảy, Do vậy được an lạc. Với vị Sa-môn này, Không tấm nệm bảy tháng, Tràn đầy những chí rận, Do vậy được an lạc. Với vị Sa-môn này Không bảy gái quả phụ Hoặc một con, hai con, Do vậy được an lạc. Với vị Sa-môn này, Không vợ đen, mặt rỗ. Lấy chân thúc đá dậy, Do vậy được an lạc. Với vị Sa-môn này, Không kẻ nợ buổi sáng, Mắng nhiếc: “Hãy trả đi” Do vậy được an lạc.
5) (Thế Tôn):
Bà-la-môn, với Ta, Không có mười bốn bò, Nên không thấy sáu mươi, Do vậy Ta an lạc. Bà-la-môn, với Ta, Không có ruộng mè hư, Một hai lá cây mè, Do vậy Ta an lạc. Bà-la-môn, với Ta, Không kho trống, không chuột, Chạy chơi và múa chảy, Do vậy Ta an lạc. Bà-la-môn, với Ta, Không tấm nệm bảy tháng, Tràn đầy những chí rận, Do vậy Ta an lạc. Bà-la-môn, với Ta, Không bảy gái quả phụ, Hoặc một con, hai con, Do vậy Ta an lạc. Bà-la-môn, với Ta, Không vợ đen, mặt rỗ, Lấy chân thúc đá dậy, Do vậy Ta an lạc. Bà-la-môn, với Ta, Không kẻ nợ buổi sáng, Mắng nhiếc: “Hãy trả đi”, Do vậy Ta an lạc.
6) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thế thấy sắc.
Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama, cho con được thọ đại giới.
7) Rồi Bà-la-môn Bhàradvàja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.
8) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja ở một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, Tinh cần. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà các thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình hướng đến: Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại tự mình với thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không có trở lại trạng thái này nữa”.