Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tinh tấn có kết quả? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy chi phối. Vị ấy biết như sau: “Trong khi ta Tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có Tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có Tham dục”. Khi vị Tỷ-kheo Tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do Tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có Tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy Tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ. Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong khi tu tập xả, vị ấy không có Tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tu tập xả. Trong khi vị ấy Tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ ấy, do Tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có Tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận. Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi tu tập xả, vị ấy không có Tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận.
Này các Tỷ-kheo, ví như một người luyến ái một nữ nhân, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Người ấy thấy nữ nhân này đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy, khi thấy nữ nhân này đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu, não không?
— Thưa có vậy, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì rằng người ấy luyến ái nữ nhân kia, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Do vậy, người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, nên sanh sầu, bi, khổ, ưu, não.
— Nhưng này các Tỷ-kheo, người ấy có thể suy nghĩ như sau: “Ta luyến ái nữ nhân này, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Khi ta thấy nữ nhân này đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện đùa giỡn và cười cợt, ta sanh sầu, bi, khổ, ưu, não. Vậy ta hãy bỏ lòng tham luyến đối với nữ nhân này”. Rồi người ấy bỏ lòng tham luyến đối với nữ nhân kia. Sau một thời gian, người ấy thấy nữ nhân kia đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu não, không?
— Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn vì rằng, người này đối với nữ nhân kia không còn tham luyến. Do vậy, khi thấy nữ nhân kia đứng với một Người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, người ấy không sanh sầu bi, khổ, ưu, não.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập III – 101. Kinh Devadaha (Devadaha sutta)