Khoảng 600 năm trước công nguyên, dân tộc Ấn Độ đã chứng kiến sự ra đời một hệ tư tưởng vĩ đại mang tầm vóc của nhân loại. Đó là đạo Phật, trải qua hơn 25 thế kỉ, tư tưởng của đạo Phật vẫn trường tồn và phát triển. Đức Phật tên thật là Sĩ – Đạt – Ta có tài liệu ghi là Tất – Đạt – Đa(Siddhatta), họ Cù – Đàm(Goutama), thuộc vương tộc Thích Ca (Sakya), là con trai của vua Tịnh – Phạn(Suddhodana) và hoàng hậu Ma-ha-ma-da(MahaMaya). Ngài đản sinh vào ngày Rằm tháng tư năm 623 Tr.Công nguyên, tại vườn Lam – tỳ- Ni(Lumbili) thuộc thành Ca – Tỳ – La- Vệ(Kapilavathu). Nơi này thuộc ranh giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay.
Giáo lý Phật giáo là một kho tàng vô tận, là kết quả của quá trình tu tập, rèn luyện của chính người đã sáng lập ra nó. Ngài vốn là người thông minh, nội lực mạnh mẽ, sẽ là người kế tục vua cha trị vì đất nước. Ngài được sống trong cảnh giàu sang của cung vàng, điện ngọc cùng với người vợ xinh đẹp nhưng với năng lượng tâm bồ đề tình thương bao la đối với muôn sinh và trí tuệ siêu việt, Ngài luôn luôn suy tư về sự Khổ, Sinh, Lão, Bệnh, Tử của nhân sinh nên Ngài đã đi tìm con đường Hạnh phúc cho nhân sinh. Ngài xuất gia tu hành, đắc đạo năm 35 tuổi, Thuyết pháp 45 năm và viên tịch khi 80 tuổi tại vườn Song – Thọ (Sala) thuộc thành Câu – Thi- La.
Đạo Phật ra đời trong làn sóng phản đối sự ngự trị của đạo Bà la môn và chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt, đòi tự do tư tưởng, bình đẳng, lý giải căn nguyên nỗi khổ và tìm cách Giải thoát con người khỏi nỗi khổ. Ngài đã chủ trương “ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn”. Nguồn năng lượng từ bi, thương yêu và tuệ giác của Ngài trang trải đến muôn loài đã xây dựng nên hệ tư tưởng tôn giáo vừa mang tính nhân bản vừa mang tính khoa học đã trở thành một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết: “Phật giáo là một tôn giáo cởi mở, không hẹp hòi, không giáo điều, cứng nhắc, tôn giáo của trí tuệ và tình thương, một tôn giáo thật sự nhân bản, thực sự của con người”
Trong hệ thống giáo lý đồ sộ của Ngài để lại là tư tưởng tình thương và trí tuệ, hai nguồn năng lượng này là những chất liệu để xây dựng cuộc sống an lành ngay trong giây phút hiện tại. Nhận diện ra khổ đau luôn có mặt, có khổ đau thì mới có Hạnh phúc, cũng giống như có bùn thì mới có Sen. Do vậy đạo Phật không có trốn chạy khổ đau mà sử dụng khổ đau để chế tác ra Hạnh phúc. Đức Phật đã chỉ ra cho nhân sinh các khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau và cuối cùng là con đường thực tập để chuyển hóa khổ đau đi đến bến bờ Hạnh phúc an vui ngay trong giây phút hiện tại.
Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng không có một vị thần nào có khả năng ban phước giáng họa cho ta mà chỉ có quy luật của nhân quả, tiến trình của nhân và quả xảy ra trên cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Đức Phật đã khẳng định việc tạo ra Hạnh phúc trong cuộc sống phải có sự nỗ lực tự thân “Các người hãy cố gắng tự mình tinh tấn lên, Đức Như Lai chỉ là người dẫn đường, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, sự chiến thắng vĩ đại nhất là sự chiến thắng tự thân”. Đức Phật là người sống tỉnh thức, trong suốt 45 năm hành đạo Ngài đã thuyết giảng về duyên khởi, nhân sinh nhưng Ngài khuyên mọi người không vội tin mà Ngài khuyên mọi người hãy đến để thấy, thấy rồi thì phải hiểu và hiểu rồi hãy tin, phải dùng trí tuệ để Quán sát nhân duyên sanh diệt: “Đừng vội tin tưởng một điều gì vì thường nghe nhắc nhở đến điều ấy luôn. Đừng tin tưởng một điều gì đó là một tập tục đã qua của các thế hệ ngàn xưa để lại. Đừng tin những điều truyền giáo hay bất cứ điều gì mà người ta hay nói nhiều quá. Đừng tin tưởng điều gì dù điều ấy được người ta đem bút tích của một vị thánh hiền xưa để xác nhận. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì dù điều ấy được nhiều thiên kiến bênh vực hay được một tập tục lâu đời khiến ta tin theo đó là thật. Đừng tin tưởng điều gì dù điều ấy có uy tín của ông thầy hay của các nhà truyền giáo”.
Nhà bác học Albert Einstein đã có những am hiểu rất sâu sắc về nền minh triết Phật học của Đông Phương, ông là nhà khoa học đã vận dụng những tư tưởng Phật giáo của mình trong nghiên cứu khoa học và đã nhận ra Phật giáo đã vượt lên trên khoa học, “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”
Đức Phật đang hiện diện trong trái tim chúng ta từ các nhà khoa học, doanh nhân, tri thức hay các tầng lớp xã hội khác chính bởi nguồn năng lượng của trí tuệ và tình thương vượt qua cả không gian và thời gian. Bằng sự thực tập những giáo lý ngài dạy đã chuyển hóa thân tâm , biết nói lời ái ngữ, thiết lập lại truyền thông với mọi người, biết lắng nghe, mang lại Hạnh phúc cho mình và nhân sinh.
Mời các bạn xem các bài liên quan. Chân thành cảm ơn!