Khi được nói đến: “Có ba niệm xứ mà một bậc Thánh phải thực hành, và có thực hành (niệm xứ) ấy, bậc Thánh mới xứng là bậc Ðạo Sư diễn giảng đồ chúng”, do duyên gì, được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư Thuyết pháp cho các đệ tử, vì lòng từ mẫn, vì lo cho Hạnh phúc của họ, vì thương tưởng họ, nói rằng: “Ðây là Hạnh phúc cho các Ông, đây là an lạc cho các Ông”. Một số đệ tử của bậc Ðạo Sư ấy không có khéo nghe, không có lóng tai, không có an trú tâm vào chánh trí, và hành động ngược lại lời dạy của bậc Ðạo Sư. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai không có hoan hỷ, không có cảm giác hoan hỷ, nhưng sống không có dao động, Chánh niệm, tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, đây là niệm xứ thứ nhất, một bậc Thánh phải thực hành, và có thực hành niệm xứ ấy, bậc Thánh mới xứng là bậc Ðạo Sư diễn giảng đồ chúng.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư Thuyết pháp cho các đệ tử, vì lòng từ mẫn, vì lo cho Hạnh phúc của họ, vì thương tưởng họ, nói rằng: “Ðây là Hạnh phúc cho các Ông, đây là an lạc cho các Ông”. Một số đệ tử bậc Ðạo Sư ấy không có khéo nghe, không có lóng tai, không có an trú tâm vào chánh trí, và hành động ngược lại lời dạy của bậc Ðạo Sư. Có một số đệ tử khéo nghe, lóng tai, an trú tâm vào chánh trí, và không hành động ngược lại lời dạy của bậc Ðạo Sư. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai không có hoan hỷ, không có cảm giác hoan hỷ, không có không hoan hỷ, không có cảm giác không hoan hỷ; sau khi đoạn bỏ cả hai, hoan hỷ và không hoan hỷ, Như Lai trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, đây là niệm xứ thứ hai, một bậc Thánh phải thực hành, và có thực hành niệm xứ ấy, bậc Thánh mới xứng là bậc Ðạo Sư diễn giảng đồ chúng.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có bậc Ðạo Sư Thuyết pháp cho các đệ tử, vì lòng từ mẫn, vì lo cho Hạnh phúc của họ, vì thương tưởng họ, nói rằng: “Ðây là Hạnh phúc cho các Ông, đây là an lạc cho các Ông”. Ðệ tử của bậc Ðạo Sư ấy khéo nghe, lóng tai, an trú tâm vào chánh trí và không đi ngược lời dạy của bậc Ðạo Sư. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Như lai hoan hỷ, và cảm giác hoan hỷ, sống không dao động, Chánh niệm, tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, đây là niệm xứ thứ ba, một bậc Thánh phải thực hành, và có thực hành niệm xứ ấy, bậc Thánh mới xứng là bậc Ðạo Sư diễn giảng cho đồ chúng.
Khi được nói đến: “Có ba niệm xứ, một bậc Thánh phải thực hành, và có (thực hành) niệm xứ ấy, bậc Thánh mới xứng đáng là bậc Ðạo Sư diễn giảng cho đồ chúng”, chính do duyên này, được nói đến như vậy.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập III – 137. Kinh Phân biệt sáu xứ (Salàyatanavibhanga sutta) (Quan trọng)