Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tiểu Bộ Kinh – Tập VI Khuddaka Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu & Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
Chuyện Tiền thân Đức Phật (III)
Chương IV
Phẩm Bốn Bài Kệ
(tiếp theo)
338. Chuyện Vỏ Trấu (Tiền thân Thusa)
Giác quan nhạy, chuột kia tinh xảo…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về thái tử Ajàtasattu (A-xà-thế).
Trong thời gian mang thai thái tử, con gái vua Kosala thường xuyên thèm khát uống máu ở đầu gối của chồng bà là vua Bimbisàra (Tàn-bà-Sa-la). Bị các phu nhân hầu cận hỏi, bà kể rõ sự việc ấy cho họ nghe. Vua cũng nghe được, liền gọi các chiêm tinh gia của ngài đến và nói:
– Hoàng hậu bị ám ảnh bởi nỗi khát khao như thế, như thế. Kết quả sẽ ra sao?
Họ đáp:
– Ðứa bé nằm trong bào thai sẽ giết ngài và chiếm lấy vương quốc của ngài.
Vua nói:
– Nếu con trai có giết ta và chiếm vương quốc của ta thì đâu có tai hại gì?
Rồi ngài lấy gươm khoét đầu gối bên phải của ngài cho máu chảy vào trong một cái dĩa bằng vàng và trao cho hoàng hậu uống. Bà tự nghĩ: “Nếu đứa con trai do ta sinh ra sẽ giết cha nó thì làm sao ta yêu thương nó được?” Thế là bà muốn trục thai ra. Vua nghe được liền gọi bà đến hỏi:
– Này ái hậu, họ nói rằng con trai ta sẽ giết ta và chiếm lấy vương quốc của ta. Nhưng ta đâu có thoát được tuổi già và cái chết? Hãy chịu cho ta thấy mặt con ta. Từ nay, đừng làm như thế nữa.
Thế nhưng hoàng hậu vẫn đi vào vườn cây mà làm như trước. Vua nghe liền cấm hoàng hậu vào vườn. Khi đủ ngày đủ tháng, bà sinh ra một đứa con trai. Vào ngày lễ đặt tên, vì đứa bé đã là kẻ thù của cha nó từ khi chưa ra đời nên nó được đặt tên là A-xà-thế. Nó lớn lên giữa cuộc sống vương giả.
Một hôm, bậc Ðạo Sư cùng với năm trăm Tỷ-Kheo đến cung điện vua và ngồi xuống. Chúng Tỷ-Kheo cùng đức Phật được vua đãi thức ăn ngon, gồm cả loại cứng và loại mềm. Sau khi Đảnh lễ bậc Ðạo Sư, vua ngồi xuống nghe Ngài Thuyết pháp. Bấy giờ thái tử bé bỏng kia được ăn mặc đẹp đẽ và được mang đến cho vua. Vua bày tỏ tình cảm nồng nàn đón tiếp đứa bé, đặt nó lên đùi, vuốt ve nó với tình thương yêu tự nhiên của một người cha đối với con. Thế là vua không còn nghe Pháp nữa. Bậc Ðạo Sư thấy vua lơ đãng liền bảo:
– Tâu Ðại Vương, ngày xưa, khi các vị vua ngờ vực các con trai của mình, đã bắt giữ riêng chúng ở một nơi kín đáo và ra lệnh rằng khi nào họ chết đi thì chúng mới được mang về và lên nối ngôi.
Rồi do yêu cầu của vua, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là một giáo sư nổi tiếng ở Takkasilà, dạy các học nghệ cho nhiều vương tử trẻ và nhiều con cái của các Bà-la-môn.
Bấy giờ, con trai của vua Ba-la-nại lúc được mười sáu tuổi đã đến học với ngài. Sau khi tinh thông ba tập Vệ-đà và đủ mọi ngành văn học nghệ thuật, chàng từ giã thầy ra về. Do đặc tài tiên tri, vị giáo sư nhìn chàng và nghĩ: “Người này sẽ gặp nguy hiểm vì đứa con trai. Bằng Thần lực, ta sẽ Giải thoát cho chàng thoát khỏi họa ấy”.
Giáo sư sáng tác bốn bài kệ, trao cho hoàng tử và dặn:
– Con ơi, sau khi con lên ngôi vua, khi con trai của con lên mười sáu tuổi, con hãy đọc bài kệ thứ hai trong buổi đại yến tiệc, đọc bài thứ ba ngay đầu tầng trên cùng khi con lên mái điện và đọc bài thứ tư ngay ở ngưỡng cửa lúc con vào vương phòng.
Thái tử rất hài lòng nghe lời thầy. Chàng từ giã giáo sư ra đi.
Sau một thời gian làm phó vương, khi vua cha mất, chàng lên nối ngôi. Con trai của vua khi lên mười sáu tuổi, nhân lúc vua đang dạo chơi trong vườn cây, nhận thấy cảnh cha mình cao sang, quyền lực bèn tha thiết muốn giết vua để chiếm lấy vương quốc của ngài. Chàng tỏ ý ấy cùng các quan hầu cận mình. Họ bảo:
– Thưa Ðiện hạ, đạt được quyền lực khi người ta đã già rồi thì có tốt lành gì đâu? Bằng cách này hay cách nọ, ngài phải giết đức vua để chiếm lấy vương quốc cho riêng ngài.
Thái tử nói:
– Ta sẽ giết vua bằng cách bỏ thuốc độc vào thức ăn của ngài.
Rồi chàng lấy thuốc độc và ngồi ăn cơm tối với vua cha. Khi cơm được dọn ra bát, vua đọc bài kệđầu:
Giác quan nhạy, chuột kia tinh xảo, Trong phần cơm, nhận thấu rõ ra: Tránh ăn nhiều vỏ trấu kia, Lựa cơm từng hạt để mà ăn thôi.
“Ta bị lộ tẩy rồi”, thái tử nghĩ thế và không dám bỏ thuốc độc vào bát cơm. Chàng đứng dậy cúi mình chào vua và đi ra. Chàng kể lại cho các vị hầu cận của chàng:
– Hôm nay ta bị lộ rồi, ta sẽ làm sao mà giết vua đây?
Từ đó, họ vào nằm ẩn trong vườn cây, bàn bạc thì thầm với nhau:
– Còn một cách nữa, trong buổi đại tiệc, ngài hãy mang gươm, đứng lẫn giữa các quan, rồi khi thấy đức vua rời khỏi cận vệ thì ngài phải lấy gươm đâm vua một phát và giết chết vua.
Họ sắp đặt nhứ thế, thái tử sẵn sàng chấp thuận. Trong buổi đại tiệc, chàng mang gươm vào, xê dịch từ chỗ này đến chỗ khác để tìm dịp mà đâm vua. Bấy giờ, vua đọc bài kệ thứ hai:
Chuyện bí mật ở trong rừng đó, Chính ta đây hiểu rõ còn chi! Trong làng, mưu định thầm thì, Bao nhiêu cũng đã rõ ghi tai này.
Thái tử nghĩ: “Cha ta biết ta là kẻ địch của ngài rồi”. Chàng liền bỏ chạy và kể lại cho các vị cận thần nghe. Sau một thời gian bảy, tám ngày, họ bảo:
– Thưa Ðiện hạ, đó là ngài chỉ tưởng tượng ra trong trí ngài như thế chứ cha ngài không biết ngài toan tính gì đâu. Hãy giết đức vua đi.
Thế rồi một hôm chàng cầm gươm đứng trong căn phòng của vua ở trên cùng các bậc cầu thang. Vua đứng trên đầu cầu thang đọc bài kệ thứ ba:
Con khỉ nọ ra tay một bận, Làm những điều tán tận ác nguy. Khi con bé bỏng biết chi, Sức kia há đủ để bì được chăng?
Thái tử nghĩ: “Cha ta muốn bắt ta”. Quá sợ hãi, chàng phóng chạy đi và kể lại cho đám người hầu cận là chàng đã bị cha hăm dọa. Nửa tháng sau, họ lại bảo:
– Thưa Ðiện hạ, nếu đức vua biết điều này, ngài đã không để quá lâu như thế. Tất cả là do trí tưởng tượng của ngài khởi ra đấy. Hãy giết vua đi.
Thế là một hôm, chàng lại cầm gươm vào vương phòng ở trên tầng cao của cung điện và chui nằm dưới giường, định chờ vua đến mà giết ngay. Vua dùng cơm tối xong, đuổi người hầu đi để vào phòng nằm. Khi ngang ngưỡng của phòng, ngài đọc bài kệ thứ tư:
Ngươi thận trọng trườn thân, giống với Dê chột kia, đồng cải lạc bầy, Ngươi đang ẩn nấp dưới đây. Là ai, ta cũng biết ngay cả rồi!
Thái tử nghĩ: “Cha ta đã nhận ra ta rồi. Bây giờ ngài định sẽ giết ta đây”. Quá sợ hãi chàng chui ra khỏi giường, ném gươm dưới chân vua và nói:
– Xin phụ vương tha thứ cho con.
Và chàng nằm mọp trước vua cha. Vua phán:
– Ngươi tưởng rằng không ai biết ngươi toan tính gì ư?
Sau khi quở trách thái tử, vua ra lệnh xích chàng lại, bỏ vào ngục và cho người canh gác cẩn thận. Rồi vua suy tưởng về các Đức hạnh của Bồ-Tát. Về sau, ngài băng hà. Khi người ta làm lễ an táng ngài xong, họ đưa thái tử ra khỏi ngục và tôn lên làm vua.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nói:
– Thế đấy, tâu Ðại vương, các vua chúa ngày xưa đã nghi ngờ trong những trường hợp nghi ngờ làđúng.
Và Ngài nêu sự kiện này nhưng vua cũng không lưu ý đến lời Ngài. Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị giáo sư nổi danh ở Takkasilà chính là Ta.
-ooOoo-
339. Chuyện Xứ Baverù (Tiền thân Bàveru)
Trước khi Công có chỏm…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một số ngoại đạo sư mất các lợi dưỡng và vinh dự mà họ đã có. Các ngoại đạo sư này vốn nhận được lợi dưỡng và cung tôn nhưng đến khi đức Phật ra đời thì họ không còn được như thế nữa. Họ trở nên giống như những con đom đóm giữa lúc bình minh.
Các Tỷ-Kheo bàn luận về số phận của họ trong Pháp đường. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheođang họp nhau bàn tán vấn đề gì. Khi nghe họ thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, trước khi những ngưới có Đức hạnh xuất hiện, những kẻ vô danh đạt được lợi dưỡng và cung tôn cao nhất; nhưng đến khi những người có Đức hạnh xuất hiện thì những kẻ vô hạnh mất lợi dưỡng và cung tôn.
Rồi Ngài kể một chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh ra là một con Công. Khi lớn lên, ngài rất xinh đẹp và sống trong một khu rừng nọ. Bấy giờ có một số thương gia đến Bàveru mang theo trên tàu một con quạ lạ. Vào thời ấy, không có chim chóc nào ở Bàveru cả. Những người sinh trưởng ở xứ Bàveru thỉnh thoảng đến và thấy con chim này đậu trên chóp cột buồm. Họ bảo:
– Hãy để ý đến màu da của con chim này. Hãy nhìn cái mồm ở cuối cổ họng nó, đôi mắt giống như hai viên ngọc của nó.
Họ ca ngợi con Quạ như thế và nói với các thương gia ấy:
– Này các ông, hãy cho chúng tôi con chim này đi. Chúng tôi cần nó, các ông có thể kiếm được một con khác trong xứ các ông.
Các thương gia bảo:
– Thế thì hãy theo giá cả mà lấy nó đi.
Họ bảo:
– Hãy bán nó cho chúng tôi với giá một đồng nhé!
Các thương gia trả lời:
– Chúng tôi không bán nói với giá ấy đâu!
Rồi cứ tăng dần giá tiền, những người kia bảo:
– Hãy bán cho chúng tôi với giá một trăm đồng.
Các thương gia nói:
– Con chim này rất lợi ích cho chúng tôi, nhưng thôi hãy tạo tình bằng hữu giữa chúng ta vậy.
Và họ bán nó với giá một trăm đồng tiền.
Những người dân địa phương ấy nhận lấy con Quạ và bỏ nó vào trong một cái lồng vàng, cho nó ăn đủ thứ, cá, thịt, trái cây rừng. Ở một nơi không có chim, một con quạ có mười đặc tính xấu lại được lợi dưỡng và trọng vọng cao nhất. Lần kế, những thương gia kia lại đến vương quốc Bàveru họ mang theo một con Công chúa mà họ dạy nó kêu lên khi họ búng ngón tay và nhảy múa khi họ vỗ tay. Khi đám đông tu tập lại, con Công đứng ở phần trước chiếc tàu, vỗ cánh kêu lên thật êm ái và nhảy múa. Mọi người trông thấy nó rất thích thú, và họ bảo:
– Con vương điểu này thật đẹp và được khéo dạy quá. Hãy cho chúng tôi đi.
Các thương gia nói tiếp:
– Lần đầu, chúng tôi mang đến một con Quạ, các ông đã lấy nó đi. Lần này, chúng tôi mang đến con Công chúa này, các ông cũng đòi lấy nữa. Thiệt là không thể đến mà nêu tên bất cứ con chim nào tại xứ của các ông nữa!
Họ nói:
– Thưa các ông, hãy vui lòng cho chúng tôi con chim này và hãy kiếm một con khác trong xứ của các ông.
Sau khi tăng mãi giá lên, cuối cùng họ mua được con Công chúa với giá một ngàn đồng. Họ bỏ nó vào trong một cái lồng được trang hoàng bằng bảy viên ngọc, cho nó ăn cá, thịt và trái cây rừng, cũng như mật, bắp chiên, nước đường v.v… con Công chúa đã tiếp nhận được lợi dưỡng và trọng vọng cao nhất. Từ khi con Công đến, con Quạ không còn được lợi dưỡng và trọng vọng nữa. Chẳng còn ai muốn nhìn tới nó nữa. Quạ không còn được đồ ăn loại cứng và loại mềm nữa, “quạ, quạ” rồi bay đi, đậu trên một đống phân.
*
Bậc Ðạo Sư liên kết hai câu chuyện và với trí tuệ Toàn hảo, Ngài đọc các bài kệ sau đây:
Trước khi công có chỏm Xuất hiện ở nơi đây. Quạ được thịt, trái cây, Làm quà cung dâng đến.
Giọng ngọt ngào trìu mến, Công đến Bà-ve-ru, Quạ liền bị khước từ, Lợi dưỡng và danh vọng.
Người ta rất kính trọng Nhiều Đạo sĩ tu hành. Ðến khi Phật khai minh Ánh hào quang chân lý.
Khi với giọng từ ái, Ðức Phật Thuyết pháp ra; Ngoại đạo bị người ta Tước đi mọi danh lợi.
Sau khi đọc bốn bài kệ này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Đạo sĩ Kỳ-na Nàthaputta là con Quạ, còn Ta là con Công chúa.
-ooOoo-
340. Chuyện Trưởng Giả Visayha (Tiền thân Visayha)
Vi-say-ha, xưa người ban tặng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Trưởng giả Cấp Cô Ðộc. Trường hợp dẫn đến câu chuyện đã được kể rõ trong số 40. Tiền thân Khadiragàra. Ở đây, bậc Ðạo Sư gọi Cư sĩ Cấp Cô Ðộc và bảo:
– Này Cư sĩ, các bậc hiền trí ngày xưa vẫn cứ bố thí, không nghe lời khuyên bảo của Thiên chủ Ðế Thích, vua Cõi trời, khi Thiên chủ đứng trên không vừa cố can ngăn họ vừa nói: Ðừng bố thí.
Rồi do yêu cầu của Trưởng giả, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là một đại thương gia, tên là Visayha, tài sản tới tám trăm triệu đồng. Có đầy đủ Năm Đức hạnh, ngài rất rộng rãi về tiền bạc và ưa thích bố thí. Ngài cho xây các nhà bố thí tại bốn cổng thành, ở trung tâm thành phố và trước nhà riêng của ngài. Ở tại sáu nơi này, ngài đều đích thân đi đến bố thí, và mỗi ngày sáu trăm ngàn người đến xin. Thức ăn của Bồ-Tát và thức ăn của các Hành khất đều cùng một thứ y như nhau.
Ngài đã làm rung động nhân dân khắp nước Ấn Ðộ vì các tặng phẩm của ngài, nên trú xứ của Thiên chủ đế thích bị rung chuyển vì kết quả phi thường do lòng bác ái của ngài và chiếc ngai vàng bằng hoàng thạch của vị Thiên đế ấy đã nóng lên.
Ðế-thích kêu lên:
– Ta chẳng biết ai muốn làm ta rời khỏi chỗ ngồi của ta ở trên trời thế này?
Thiên chủ nhìn quanh ngài, thấy vị đại thương gia ấy và tự nghĩ: “Visayha này bố thí và vì phân phát tặng phẩm ở khắp nơi nên làm rung động toàn cả nước Ấn Ðộ. Bằng cách bố thí, không chừng y sẽ hạ bệ ta và tự trở thành Ðế Thích đấy. Ta sẽ tiêu hủy của cải y, sẽ làm y thành một kẻ nghèo và do đó sẽ khiến y không thể tiếp tục bố thí nữa được”.
Thế là Ðế Thích làm cho dầu, đường, mật… cả kho chứa thóc cũng như các nô lệ, người làm công đều biến mất. Những người bị mất các tặng phẩm do Trưởng giả bố thí đến nói với ông.
– Thưa ngài, nhà bố thí đã biến mất ở khắp nơi, chúng tôi không tìm thấy thứ gì do ngài cung cấp.
Vị trưởng giả nói:
– Từ nay hãy lấy tiền vậy. Ðừng bỏ mất sự bố thí.
Rồi ông gọi vợ, bảo hãy giữ trọn lòng từ thiện. Bà tìm khắp nhà mà cũng không thấy được một đồng lẻ nào. Bà nói:
– Thưa ông, ngoài quần áo chúng ta đang mặc, tôi chẳng thấy gì nữa cả. Toàn cả nhà đều trống rỗng.
Mở bảy kho ngọc ra, họ cũng không tìm thấy được gì. Chẳng còn thấy ai cứu giúp vợ chồng vị thương gia cả, nô lệ cũng không, người làm cũng không nốt. Bồ-Tát lại bảo vợ:
– Bà ơi, chúng ta không thể dứt bỏ nhiều việc từ thiện của chúng ta. Bà hãy kiểm khắp nhà cho đến khi bà tìm được một thứ gì đó.
Bấy giờ, một người cắt cỏ ném liềm hái, đòn và dây thừng bó cỏ trong phòng và chạy. Bà vợ của phú ông tìm thấy các thứ ấy và bảo:
– Ông ơi, đây là tất cả các thứ tôi tìm thấy được.
Rồi bà mang trao chúng cho ông. Bồ-Tát nói:
– Bà ơi, suốt mấy năm nay tôi không hề cắt cỏ, nhưng hôm nay tôi sẽ cắt cỏ mang đi bán và nhờ đó sẽ chi tiêu vào việc bố thí thích đáng.
Vì sợ sẽ phải ngừng việc từ thiện, vị thương gia cầm lấy liềm hái, đòn và dây thừng rời khỏi thành phố, đến một nơi có nhiều cỏ và cắt, bó cỏ lại thành hai bó và tự bảo: “Một bó là của gia đình ta, còn bó kia ta sẽ dùng cho việc bố thí”.
Ông mang cỏ vào đòn, gánh đi bán ở cổng thành và nhận được hai đồng tiền nhỏ. Ông liền cho các Hành khất phân nửa số tiền. Lúc ấy, có nhiều Hành khất và họ cứ kêu xin:
– Hãy cho chúng tôi với.
Thế là ông cho luôn phần tiền còn lại và ngày hôm sau ông cùng với vợ phải nhịn đói. Cứ như thế, sáu ngày trôi qua. Sang đến ngày thứ bảy, trong khi ông đang nhặt cỏ, vì ông vốn đã mảnh mai lại phải chịu đói trong suốt bảy ngày, mặt trời chiếu nóng trên trán ông khiến mắt ông đảo lộn trong đầu, ông bất tỉnh ngã xuống, làm vung cả cỏ. Quan sát việc Visayha làm, Ðế Thích rất cảm động. Ngay lúc ấy, Thiên chủ hiện đến, đứng trên không và đọc bài kệ đầu:
Vi-say-ha, xưa người ban tặng, Bố thí nhiều, mất hẳn giàu sang. Nay giữ mình, chớ trao ban Niềm vui bền vững, người hằng sống luôn.
Bồ-Tát nghe những lời ấy, liền hỏi:
– Ngài là ai thế?
Thiên chủ nói:
– Ta là Ðế Thích
Bồ-Tát bảo:
– Chính Ðế Thích đã bố thí, hành trì những bổn phận đạo đức của mình, nhờ giữ gìn các ngày trai giới, làm tròn bảy hạnh nguyện nên đạt ngôi vị Ðế Thích. Thế mà nay lại ngăn cấm việc bố thí đã tạo ra sự cao cả của chính ngài đây. Như vậy quả thực ngài đã phạm vào một hành vi không xứng đáng rồi.
Nói thế xong, ngài đọc ba bài kệ sau đây:
Thế không đúng – đời thường vẫn bảo: Hành vi hèn làm xấu cho danh. Ðấng nghìn mắt, hãy ngó ngàng Cho tôi khỏi lỗi, dù đang khổ sầu.
Xin chớ để bao nhiêu của cải Tôi chi tiêu, ngu dại, phóng cuồng Chìm vào dục lạc, hư danh Chỉ xin như trước, thêm phần phúc may.
Theo xe xưa, xe nay vững tiến, Còn sống đây, tôi vẫn trao ban Dù đang cảnh khổ tôi mang, Ý tôi cao thượng xin đừng cản ngăn.
Ðế Thích không thể nào khiến cho Bồ-Tát ngưng bỏ ý định của ngài được, liền hỏi tại sao ngài bố thí. Ngài đáp:
– Tôi không ham muốn trở thành Ðế Thích, thành Phạm thiên, mà chính là mong tìm Giác ngộ.
Nghe nói thế, Ðế Thích tỏ vẻ hân hoan, lấy tay vuốt ve lưng Bồ-Tát. Ngay lúc được hưởng ân huệ ấy, toàn thân Bồ-Tát tràn ngập cả niềm vui. Do năng lực siêu phàm của Ðế Thích, toàn bộ tài sản của ngài trở lại với ngài. Ðế Thích bảo:
– Này đại thương gia, từ nay ngài hãy cứ bố thí, phân phát mỗi ngày một triệu hai trăm ngàn phần.
Sau khi tạo cho nhà Bồ-Tát tài sản vô lượng, Ðế Thích từ giã ngài và đi thẳng về trú xứ riêng của mình.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, mẹ của La-hầu-la là vợ của vị thương gia, còn Ta chính là Visayha.
-ooOoo-
341. Chuyện Vua Kandari (Tiền thân Kandari)
Câu chuyện Tiền thân này sẽ được kể đầy đủ trong số 536. Tiền thân Kunàla.
-ooOoo-
342. Chuyện Con Khỉ (Tiền thân Vànara)
Ta từ nước, cá ơi…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Trúc Lâm về cách Ðề-bà-đạt-đa định giết đức Phật. Tình tiết dẫn đến câu chuyện đã được kể chi tiết trước đây.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh ra là một con khỉ ở vùng Tuyết Sơn. Khi lớn lên ngài sống trong sông Hằng.
Bấy giờ, một con cá sấu cái sống trong sông Hằng, rất khao khát được ăn trái tim của Bồ-Tát, liền ngỏ ý với chồng. Cá sấu đực tự nghĩ: “Ta sẽ giết con khỉ bằng cách nhận chìm nó xuống nước rồi lấy trái tim cho vợ ta”.
Vì vậy nó đến nói với Bồ-Tát:
– Này bạn, chúng ta hãy đi ăn trái cây rừng trên một hòn đảo kia.
– Làm sao mà tôi đến đó được? Bồ-Tát nói.
– Tôi sẽ đặt bạn trên lưng tôi và mang bạn đến đó.
Cá sấu trả lời. Bồ-Tát không biết ý định của cá Sấu, liền nhảy lên ngồi trên lưng nó. Cá sấu sau khi bơi một đoạn ngắn, liền bắt đầu lặn xuống. Khỉ bảo:
– Này ông, sao ông nhận chìm tôi xuống nước thế?
Cá sấu nói:
– Ta sắp giết ngươi và cho vợ ta trái tim của ngươi.
Bồ-Tát nói:
– Hỡi ông bạn khờ khạo, bộ ông tưởng rằng trái tim của tôi ở bên trong tôi đấy à?
– Thế thì ngươi để nó ở đâu?
– Ông không thấy nó đang treo ở cây sung đằng kia ư?
– Ta thấy rồi, Cá sấu đáp. Nhưng ngươi có chịu cho ta không?
– Vâng, chịu chứ. Khỉ đáp.
Thế là cá sấu thật là ngu, mang khỉ và bơi đến gốc cây sung trên bờ sông. Bồ-Tát phóng khỏi lưng cá sấu và đứng trên cây sung và đọc các bài kệ:
Ta từ nước, cá ơi! Lên tới đất khô này, Há chỉ để sau tốt Rơi vào thế lực ngươi?
Mít, hồng đào đó kìa, Khi ta đã chán ra, Sung đây ta nên hái, Hơn trái xoài đằng xa.
Kẻ nào gặp dịp tốt Mà chẳng vươn lên được, Dưới chân kẻ nghịch thù, Thảm thương nằm lạy lục.
Kẻ nào biết ngay liền Nỗi nguy biến phần mình, Không hề bị uy hiếp. Trước kẻ nghịch cường quyền.
Bồ-Tát đọc bốn bài kệ trên về sự thành công trong các việc đời, rồi liền ngay đó vụt biến vào đám cây rậm.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Bồ-Tát nhận diện Tiền thân.
– Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con cá Sấu, còn ta là con Khỉ.
-ooOoo-
343. Chuyện Con Hạc (Tiền thân Cuntani)
Lâu nay tôi giúp đỡ nhà này…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một con hạc sống trong cung vua xứ Kosala.
Tương truyền con hạc mái này mang thư tín cho vua, nó có hai con nhỏ. Vua sai hạc mang thư đến cho một ông vua nọ. Khi hạc đi xa, hai nam tử trong vương gia lấy tay bóp chết hai hạc con. Hạc mẹ trở về không thấy hai con, liền hỏi ai đã giết con nó. Người ta kể lại sự việc như vậy.
Bấy giờ trong cung vua có nuôi con hổ dã man, dữ dằn, bị cột bằng dây xích rất chắc. Hai cậu bé kia đến coi hổ, con hạc đi theo và tự nghĩ: “Hai con nhỏ của ta bị hai đứa bé này giết, vậy ta sẽ thanh toán chúng”. Rồi nó nắm lấy hai cậu bé ném vào chân con hổ. Hổ gầm gừ một tiếng rồi nhai trọn cả hai. Hạc tự hỏi: “Thế là ta được thỏa lòng mong ước”. Rồi hạc bay lên không, thẳng tới dãy Tuyết Sơn.
Các Tỷ-Kheo nghe chuyện ấy, bắt đầu bàn tán trong Pháp đường:
– Này các Hiền giả, nghe nói một con hạc kia trong điện vua đã ném hai cậu bé vào một con hổ vì hai cậu bé này đã giết chết hai con nhỏ của nó; và sau khi đã gây cái chết cho chúng, hạc bỏ đi.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang bàn tán chuyện gì. Rồi Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, con hạc ấy đã mang lại cái chết cho những kẻ đã giết con nó.
Và liền đó, Ngài kể lại một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, Bồ-Tát ở Ba-la-nại trị vì vương quốc của ngài rất công chính. Một con Hạc nọ ở trong điện của ngài, thường mang thư tín cho ngài. Câu chuyện xảy ra y như ở trên. Ðiểm đặc biệt ở đây là sau khi con Hạc để cho con hổ giết chết các cậu bé, liền tự nghĩ: “Ta không thể ở đây mà. Ta sẽ ra đi, nhưng dù ta bỏ đi, ta cũng sẽ không ra đi mà không nói với đức vua. Nói với vua xong, ta sẽ bỏ đi”. Vì vậy nó đến ngồi gần vua, vái chào và đứng xa xa một tí rồi thưa:
– Tâu Ðại vương, chính ngài bất cẩn mà các hoàng tử đã giết các con nhỏ của tôi và vì quá căm giận tôi đã khiến cho họ chết để báo thù. Bây giờ tôi không thể sống ở đây nữa.
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Lâu nay tôi giúp đỡ nhà này Như chính nhà tôi – được trọng thay, Nhưng chính vì ngài làm thế đấy. Bây giờ tôi phải bỏ đi ngay.
Vua nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Người ta thanh toán nỗi cừu oan, Hại nọ, hại này phải xứng cân, Thù hận thế là nên dẹp bỏ, Hạc hiền, hãy ở lại, ta van.
Nghe thế, hạc đọc bài kệ thứ ba:
Kẻ bị hại cùng người tác hại. Không bao giờ hòa hợp như xưa Tâu vua chớ giữ tôi đây nữa, Thôi nhé, tôi đây đến chốn xa.
Vua nghe xong liền đọc bài kệ thứ tư:
Nếu họ khôn ngoan chẳng dại khờ, Có cơ sống an ổn, hài hòa, Kẻ gây hại với người mang hại, Này hạc hiền ơi, ở lại mà.
Chim Hạc nói:
– Tâu Ðại vương, sự việc đã như vậy, tôi không thể ở lại nữa.
Rồi nó chào vua, bay lên không và về thẳng dãy Tuyết Sơn.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân.
– Con hạc trong chuyện cổ là con hạc ngày nay, còn vua Ba-la-nại chính là Ta.
-ooOoo-
344. Chuyện Người Ăn Trộm Xoài (Tiền thân Ambacora)
Cô nào đã ăn xoài ngài đó…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một ông già trông coi các trái xoài.
Tương truyền khi đã già, ông trở thành một nhà tu khổ hạnh, dựng một túp lều lá trong một vườn xoài ở ngoại ô Kỳ Viên. Chẳng những ông chỉ ăn trái xoài chín từ trên cây rụng xuống mà còn đem cho bà con của ông nữa. Trong khi ông bận đi Khất thực, một bọn trộm đến hái xoài của ông xuống, ăn một số rồi mang theo một số còn lại. Bấy giờ có bốn cô gái của một thương gia giàu có kia, sau khi tắm ở sông Aciravati về, lang thang đây đó lạc vào trong vườn xoài ấy. Tu sĩ già kia trở về, thấy các cô ở đó liền buộc tội rằng các cô đã ăn xoài của ông.
– Thưa ngài họ bảo- chúng tôi vừa mới đến, chúng tôi không ăn xoài của ngài.
– Vậy các cô hãy thề đi, ông ấy nói.
– Thưa ngài, chúng tôi sẽ thề. Họ bảo thế và nói lời thề.
Tu sĩ già ấy làm nhục họ bằng cách khiến họ phải thề như thế rồi để cho họ đi.
Các Tỷ-Kheo nghe ông ấy làm như vậy, bắt đầu bàn tán trong Pháp đường rằng ông già ấy đã buộc các cô gái của một thương gia phải thề khi các cô vào trong vườn xoài mà ông ở, và sau khi làm họ phải hổ thẹn bằng cách bắt họ thề, ông ta đã để cho họ đi.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang bàn tán về việc gì. Nghe thuật xong, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông già ấy đã trông coi xoài, đã khiến các cô gài của một phú thương phải nói lời thề, ông ta để họ đi.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là Thiên chủ Ðế Thích. Bấy giờ có một vị khổ hạnh xảo quyệt dựng một túp lều lá để trú ẩn trong vườn xoài trên một bờ sông gần Ba-la-nại. Ông ta trông giữ xoài cho các đồng bạn của ông. Ông trú ở đó và kiếm sống bằng nhiều cách dối gạt khác nhau.
Bấy giờ Ðế Thích, vua Cõi trời, tự nghĩ: “Ta muốn biết ai trong cõi người đã phụng dưỡng cha mẹ, Cung kính đối với các bậc trưởng thượng trong gia đình, bố thí, Giữ giới hạnh và hành trì các ngày trai giới? Những ai trong bọn họ sau khi đã sống đời tu hành, vẫn tiếp tục tận tụy làm các bổn phận xứng đáng với người tu? Những ai trong đám tu hành ấy lại cón phạm ác hạnh?”
Quan sát Thế gian, nhìn thấy nhà tu ác hạnh này đang trông giữ vườn xoài của ông, Thiên chủ bảo: “Vị khổ hạnh giả mạo này bỏ bê các bổn phận của một tu sĩ như tinh tấn để thiền định phát sinh v.v… mà lại cứ trông giữ một vườn xoài. Ta sẽ đe dọa cho lão sợ mới được”. Thế là khi nhà tu hành kia vào làng Khất thực, Ðế Thích dùng Thần lực làm rụng xoài xuống và làm như thể xoài bị bọn trộm vơ vét ấy.
Bấy giờ có bốn cô gái con một thương gia ở Ba-la-nại vào vườn, tu sĩ giả mạo kia trông thấy liền chận lại và hỏi:
– Các cô đã ăn xoài của ta.
Họ nói:
– Thưa ngài, chúng tôi vừa mới đến. Chúng tôi không ăn xoài của ngài đâu!
– Vậy thì hãy thề đi. Ông ta nói.
Họ hỏi:
– Thề xong, chúng tôi được phép đi chứ?
– Chắc chắn là như thế.
– Tốt lắm, thưa ngài. Họ nói.
Rồi cô lớn nhất trong bọn tuyên thệ bằng bài kệ đầu:
Cô nào đã ăn xoài ngài đó Sẽ gặp chồng thô lỗ cục cằn, Râu lông xoắn xám, xảo giảm, Tóc kia từng lọn uốn quăn trên đầu.
Vị khổ hạnh bảo:
– Cô hãy đứng sang một bên.
Rồi ông bảo cô con gái thứ hai của thương gia nêu lời thề. Cô này đọc bài kệ thứ hai:
Hãy cho cô trộm cây xoài ấy, Kiếm mãi chồng chẳng thấy ai ra. Mười ba, mười chín tuổi qua, Ba mươi gần đến biết là làm sao.
Cô này sau khi nêu lời liền đứng sang một bên, cô thứ ba đọc bài kệ thứ ba:
Kẻ nào đã vào ăn xoài ngọt Sẽ cô đơn khổ nhọc lên đường, Ðến nơi hò hẹn muộn màng, Sầu đau khi thấy tình lang đi rồi!
Thế rồi cô đứng sang một bên. Cô gái thứ tư đọc bài kệ thứ tư:
Cô nào đã làm hư cây hết, Mặc đồ xinh, đầu kết hoa cài. Dầu chiên-đàn vẫn xức hoài, Nhưng giường kia vẫn miệt mài gái tân!
Nhà tu nói:
– Các cô đã thề bồi rất trang trọng, hẳn là những kẻ khác đã ăn xoài chứ không phải các cô. Bây giờ các cô hãy đi đi.
Nói thế xong, ông ta cho họ ra đi. Lúc ấy Ðế Thích liền hiện ra một hình hài hung tợn đuổi nhà tu hành giả mạo kia ra khỏi nơi ấy.
*
Sau khi thuyết giảng xong bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, nhà tu sĩ giả mạo kia là ông già trông coi vườn xoài. Bốn cô gái của thương gia cũng chính là các cô gái này, còn ta là Thiên chủ Đế thích.
-ooOoo-
345. Chuyện Con Rùa Lười Biếng (Tiền thân Gajakumbha)
Một khi lửa cháy lan rừng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-Kheo lười biếng.
Nghe nói ông ta là một người thuộc dòng cao quí và sống ở Xá-vệ. Sau khi đã nhất tâm theo Giáo pháp và thọ giới, ông lại trở nên lười biếng. Ðối với việc học đạo, Thuyết pháp, thiền định, đi Khất thực thuộc bổn phận của tu sĩ, ông ta đã không thực hiện đầy đủ, bị tội lỗi tấn công trấn áp và người ta luôn luôn trông thấy ông ở các chỗ nghĩ chân công cộng.
Các Tỷ-Kheo bàn tán tính lười biếng của ông trong Pháp đường:
– Này các Hiền hữu, người ấy sau khi thọ giới trong một Giáo pháp cao vời dẫn đến Giải thoát lại tiếp tục lười biếng, giải đãi và bị tội lỗi tấn công trấn áp.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo họp lại bàn tán việc gì. Khi nghe thuật chuyện xong, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ấy cũng đã lười biếng.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là quan đại thần được trọng vọng của vua. Nhà vua có khuynh hướng lười biếng và Bồ-Tát đang tìm mọi cách để vua tỉnh ngộ.
Một hôm, vua vào trong vườn cây cùng với quan đại thần của mình và trong lúc đang dạo chơi, vua trông thấy một con Rùa lười biếng. Người ta bảo rằng những con vật biếng nhác như con này, dù di chuyển suốt cả ngày, cũng chỉ nhích đi được một hai phân mà thôi.
Vua trông thấy nó bèn hỏi:
– Này bạn, con vật ấy tên gì thế?
Bồ-Tát trả lời:
– Tâu Ðại vương, đây là một con Rùa; nó quá lười chậm đến nỗi dù nó di chuyển suốt cả ngày cũng chỉ dịch được một hai phân mà thôi.
Rồi ngài gọi con Rùa và nói:
– Này anh Rùa, bộ dáng anh thật chậm chạp. Giả như có hỏa hoạn phát sinh trong rừng thì anh làm gì đây?
Rồi ngài liền đọc bài kệ đầu:
Một khi lửa cháy lan rừng, Phải rời đi tránh con đường khói sau, Hỡi anh Lệt-bệt, làm sao Tìm ra cho được cách nào an thân?
Rùa nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Nơi nào cũng lắm lỗ hang, Cây nào cũng nứt ra từng hốc kia. Ðấy đều chỗ trú ấy mà, Nếu không tìm được đành là chết luôn!
Bồ-tát nghe xong liền đọc hai bài kệ tiếp:
Ai hấp tấp khi cần nghĩ lại, Và chậm lâu khi phải thực nhanh Sẽ làm tiêu phúc mong manh, Như cành lá nọ dưới chân đạp đầy.
Nhưng hễ ai chờ ngay đúng lúc, Thực hành không hấp tấp vội vàng, Làm tròn mục đích mình mang, Như vần trăng vẫn trọn đường nó đi.
Vua nghe các lời này của Bồ-tát, từ đó không còn biếng nhác nữa.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng rồi nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Tỷ-kheo biếng nhác kia là con Rùa, còn Ta là vị hiền trí nọ.
-ooOoo-
346. Chuyện Đạo sĩ Kesava (Tiền thân Kesava)
Ngài vừa sống cùng hàng vương giả…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về sự đãi ngộ của tình bằng hữu.
Trong nhà của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc luôn luôn có năm trăm Tỷ-kheo được cấp dưỡng. Ngôi nhà thường vẫn giống như là một chỗ nghỉ ngơi dành cho chúng Tỷ-kheo rực rỡ màu sắc của các y vàng và ngào ngạt hương thơm thánh thiện.
Một hôm vua tham dự một cuộc diễn hành quanh thành phố, trông thấy chúng Tỷ-kheo trong nhà của Trưởng giả liền tự nghĩ: “Ta sẽ Cúng dường đều đặn cho hội chúng Thánh nhân này”. Vua đến Tinh xá và sau khi Đảnh lễ bậc Ðạo Sư, liền đặt vấn đề Cúng dường thường trực cho năm trăm Tỷ-kheo. Từ đó trong cung vua luôn luôn có cuộc bố thí, thức ăn hảo hạng, cơm gạo thơm tho, nhưng lại chẳng có ai tự tay trao tặng vật với vẻ trìu mến thương yêu. Các vị quan cứ việc phân phát thức ăn và các Tỷ-kheo cũng chẳng muốn ngồi đó để ăn, mà lại lấy các thức ăn ngon đủ loại rồi mỗi vị đến từng nhà thủ hộ riêng của mình, cho họ các thức ăn ấy và ăn các thức ăn do chủ nhà dọn cho, không kể đạm bạc hay cao sang gì cả.
Một hôm người ta mang đến dâng cho vua nhiều trái cây rừng. Vua bảo:
– Hãy mang cho hội chúng các Tỷ-kheo.
Họ mang trái đến phạn đường và trở về tâu vua:
– Không có một Tỷ-kheo nào ở đó.
– Sao? Chưa đúng giờ Thọ thực ư? Vua hỏi.
– Tâu, đúng giờ đấy ạ, – họ đáp – nhưng các Tỷ-kheo lấy thức ăn ở đây rồi mang đến nhà các thị giả trung tín của các vị, và cho họ thức ăn, còn chính các vị ấy dùng bất cứ thức ăn gì được dọn ra, không kể đạm bạc hay cao sang gì cả.
Vua bảo:
– Thức ăn của ta thì cao sang. Thế mà tại sao trên đời này có người nhận lấy thức ăn từ chúng ta để rồi ăn thức khác?
Ròi vua tự nghĩ: “Ta sẽ hỏi bậc Ðạo Sư”.
Rồi vua đến Tinh xá và hỏi Ngài.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thức ăn tốt nhất là thức ăn được cho với tình yêu thương. Vì thiếu những người tạo mối thân tình bằng cách bố thí với niềm yêu thương nên các Tỷ-kheo đã lấy thức ăn ở đó và mang đến ăn tại các nhà thân hữu của họ. Tâu Ðại vương, không có vị ngọt nào bằng vị ngọt của tình thương. Thứ gì được cho mà không tình thương thì dù nó gồm bốn thứ ngon ngọt cũng không xứng bằng gạo rừng được cho với tình thương. Các giá trị ngày xưa, khi họ bị bệnh dù vua cùng với năm gia đình ngự y chữa trị thuốc men, nếu bệnh vẫn không giảm, thì họ đến với các bằng hữu thân tình. Rồi nhờ ăn cháo gạo rừng và hạt cỏ không có muối, và ngay cả rau cũng không muối, chỉ đổ nước vào thôi, thế mà họ được lành bệnh.
Nói xong, do yêu cầu của mọi người, bậc Ðạo Sư kể một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại vương quốc Kàsi, người ta gọi ngài là Nam tử Kappa. Khi lớn lên, ngài hoàn tất mọi học nghệ tại Takkasilà và sau đó sống đời tu hành.
Bấy giờ có một nhà tu khổ hạnh tên là Kesava được năm trăm nhà tu hành khác theo hầu, rồi trở thành Sư trưởng của một đám môn đệ và trú trong dãy Tuyết Sơn. Bồ-tát đến với ông rồi trở nên môn trưởng của năm trăm đồ đệ, trú tại đó và tỏ ra trìu mến thương yêu Kesava. Sau đó hai người trở nên đôi tri kỷ.
Chẳng bao lâu, Kesava cùng với các nhà tu hành ấy đến Ba-la-nại để kiếm muối, giấm và trú trong vườn cây của vua. Hôm sau họ vào thành và đến cổng cung vua. Vua trông thấy đoàn tu sĩ liền mời họ dùng bữa tại cung vua, hứa hẹn với họ, cho họ ở trong vườn cây của vua. Thế rồi khi mùa mưa chấm dứt, Kesava từ giã nhà vua. Vua bảo:
– Thưa Trưởng lão, ngài đã già rồi, ngài nên ở gần chúng tôi và để các tu sĩ trẻ kia về Tuyết Sơn.
Kesava chấp thuận bảo đoàn tu sĩ cùng người trưởng môn về Tuyết Sơn và trú ở đó với các tu sĩ kia. Kesava đau khổ vì bị tách khỏi hội chúng của Kappa, ông cứ mong mỏi gặp Kappa nên không ngủ được. Vì mất ngủ, ông ăn không tiêu, ông bị chứng đi tiêu ra máu đau đớn vô cùng. Nhà vua cùng năm gia đình ngự y săn sóc vị ẩn sĩ, nhưng bệnh của ông không bớt được. Vị ẩn sĩ hỏi vua:
– Tâu Ðại vương, ngài muốn tôi chết đi hay lành bệnh?
Vua đáp:
– Thưa, tôi muốn ngài được lành bệnh.
– Thế thì hãy cho tôi về dãy Tuyết Sơn. Ông nói.
– Vâng, vua đáp.
Rồi vua sai một đại thần tên gọi Nàrada, bảo ông ta đi cùng với một số thợ rừng đưa vị tu sĩ ấy về Tuyết Sơn. Nàrada đưa Kesava đến đó rồi quay về. Kesava chỉ mới trông thấy Kappa, tâm bệnh của ông liền dứt và nỗi khổ đau lắng xuống ngay. Thế rồi Kappa dâng cho ông cháo nấu bằng hạt cỏ và gạo rừng trộn chung với rau rồi đổ nước vào. Không muối, không gia vị, ngay lúc dùng thứ ấy, bệnh kiết lỵ của ông thuyên giảm liền.
Vua lại gọi Nàrada đến và bảo:
– Hãy đi hỏi thăm tin tức của ẩn sĩ Kesava.
Nàrada đến nơi, thấy Kesava đã lành bệnh liền bảo:
– Thưa Trưởng lão, đức vua Ba-la-nại cùng với năm gia đình ngự y chữa trị ngài mà vẫn không thể chữa lành bệnh của ngài. Kappa đã chữa trị ngài như thế nào vậy? Rồi ông đọc bài kệ đầu:
Ngài vừa sống cùng hàng vương giả Vua sẵn lòng cho thỏa nguyện ngài Lều Kap-pa có gì hay Ke-sa-va phải nơi đây lui về?
Kesava nghe thấy liền đọc bài kệ thứ hai:
Mọi thứ đây, tràn trề yêu mến, Nà-ra-da, yêu đến cả cây Lời Kap-pa, hỷ lạc đầy Dâng lên âm hưởng vui vầy lòng ta.
Sau lời ấy, Kesava lại nói:
– Kappa muốn làm cho ta hài lòng, đã cho ta ăn cháo nấu bằng hạt cỏ và gạo rừng trộn với rau rồi thêm nước vào, không có muối, gia vị và nhờ thế bệnh tật của thân ta được ngăn chận và ta đã lành hẳn.
Nàrada nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Quen gạo tinh nấu pha với thịt, Món nhạt kia, ngài biết sao ăn? Làm sao hạt cỏ, gạo hoang, Ngài chia xẻ được với đoàn ẩn tu?
Nghe xong, Kesava liền đọc bài kệ thứ tư:
Thức ăn có thể là ngon, dở, Chỉ ít ỏi hay có rất nhiều; Nhưng ăn đầy đủ thương yêu, Thương yêu, nước chấm tuyệt chiêu được tìm.
Nàrada nghe thế liền quay về kể cho vua nghe:
– Kesava nói như thế, như thế…
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận Tiền thân:
– Bấy giờ, vua là [[ÀNanda, Nàrada là Sàriputta, Kesava là Bakabrahmà, và Kappa chính là Ta vậy.
-ooOoo-
347. Chuyện Cái Chày Sắt (Tiền thân Ayakùta)
Tại sao giữa không trung ngươi đang đứng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về bổn phận phải hành thiện đối với mọi người.
Trường hợp dẫn đến câu chuyện đã được kể trong số 469. Tiền thân Mahàkanha.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của chánh hoàng hậu. Khi lớn lên, ngài học đủ các học nghệ và khi vua cha mất, ngài được tôn lên ngôi và trị vì vương quốc rất công chính.
Bấy giờ người ta rất sùng kính các thần linh, thường giết nhiều dê, cừu v.v… để tế thần. Bồ-tát cho đánh trống tuyên bố:
– Không được giết hại sinh vật nào cả.
Bọn quỷ Yakkha (Dạ-xoa) mất các tế vật rất căm giận Bồ-tát, liền rủ nhau họp lại trong dãy Tuyết Sơn rồi sai một quỷ Yakkha hung ác đi giết Bồ-tát. Nó cầm một khối sắt sáng loáng to bằng cái vòm nhà và ngay sau lúc nửa đêm, nó đến đứng đầu giường Bồ-tát để đập chết ngài. Ngay lúc ấy, ngai của Ðế Thích nóng lên. Sau khi quan sát, Thiên chủ biết được nguyên nhân, liền cầm lưỡi tầm sét của mình đứng phía trên quỷ Yakkha kia. Bồ-tát thấy quỷ ấy liền nghĩ: “Sao nó lại đứng đây nhỉ? Ðấy là nó muốn bảo vệ ta hay muốn giết ta?”
Bồ-tát nghĩ như thế rồi đọc bài kệ đầu:
Tại sao giữa không trung, ngươi đang đứng Hỡi Dạ-xoa, chày sắt lớn trên tay, Phải chăng ngươi ngăn kẻ hại ta đây, Hay chính lúc ta bị ngươi làm hại?
Bấy giờ Bồ-tát chỉ trông thấy quỷ Yakkha mà không trông thấy Ðế Thích nên không dám đập Bồ-tát.
Nghe Bồ-tát bảo thế, con quỷ nói:
– Tâu Ðại vương, không phải tôi đứng đây để canh giữ ngài, tôi định đập ngài bằng khối sắt sáng ngời này nhưng vì sợ Ðế Thích nên tôi không dám đập.
Ðể giải thích ý mình, con quỷ đọc bài kệ thứ hai:
Là sứ giả của các thần La-sát Hiện ra đây, tôi nhằm giết ngài thôi, Chày không vung đập xuống được đầu ngài, Vì đầu ấy, chính Ind-ra bảo vệ.
Nghe thế, Bồ-tát đọc thêm hai bài kệ nữa:
Nếu Ind-ra là Su-jà Chúa tể Ðấng Ðại vương, Thiên chủ đoái giúp ta, Dù xé trời, yêu quỷ thét gầm la, Cũng chẳng đủ sức làm ta sợ hãi.
Hãy để bọn ma bùn, yêu tinh ấy Mặc sức mà xàm bậy nói lung tung Bọn chúng đâu đủ sức sánh ngang cùng Khi có cuộc đối đầu rất nghiêm trọng!
Thế rồi Ðế Thích đuổi Dạ-xoa chạy. Thiên chủ khích lệ Bồ-tát và nói:
– Ðại vương đừng sợ, Từ nay chúng ta sẽ bảo vệ ngài. Ðừng sợ.
Nói xong, Thiên chủ quay thẳng về trú xứ của mình.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng ở đây rồi nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Anuruddha (A-na-luật-đà) là Ðế Thích, còn Ta là vua Ba-la-nại.
-ooOoo-
348. Chuyện Chốn Rừng Hoang (Tiền thân Aranna)
Mối nghi này, thưa cha, xin giải tỏa…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một cô gái thô tục quyến rủ một chàng trai.
Tình tiết đưa đến câu chuyện sẽ được kể trong số 477. Tiền thân Cullànàradakassapa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi ngài lớn lên và hoàn tất các học nghệ ở Takkasilã thì vợ ngài mất, ngài sống đời tu hành và cùng với con trai vào trú trong dãy Tuyết Sơn.
Tại đó, ngài để con ở lại lều lá và đi hái lượm mọi thứ trái rừng. Bấy giờ có một bọn cướp phá một ngôi làng ở biên địa rồi bỏ đi, mang theo nhiều tù nhân. Một cô gái kia chạy trốn vào túp lều ấy. Thế rồi nàng ta quyến rủ chàng trai, làm hư Đức hạnh của chàng. Nàng hỏi:
– Này chúng ta hãy cùng đi với nhau!
Chàng đáp:
– Hãy chờ cha tôi trở về đã. Gặp ngài xong, tôi sẽ đi với cô.
Nàng nói:
– Ðược rồi, sau khi gặp ngài xong, hãy đến em nhé.
Rồi nàng ra ngồi chính giữa đường. Khi cha chàng trở về, ẩn giả trẻ tuổi kia đọc bài kệ đầu:
Mối nghi này, thưa cha xin giải tỏa Nếu từ rừng, con lạc tới làng kia, Người tông môn, hay trường phái đâu là, Con phải chọn để kết giao làm bạn?
Người cha muốn căn dặn con, liền đọc ba bài kệ đây:
Kẻ được con yêu mến, Ðem tâm tình trao đến, Là kẻ tin lời con, Nhẫn nhịn con trọn vẹn.
Ai tư tưởng, lời nói, Hành vi không phạm lỗi, Con hãy chọn người này, Làm bạn lòng mãi mãi.
Với người hay thay đổi, Như loài khỉ lông bông, Thà chịu phận cô đơn, Ðừng hướng về kẻ ấy.
Nghe thế, ẩn giả trẻ tuổi liền nói:
– Thưa cha, làm sao con có thể tìm thấy một người có những đức tính ấy được. Con sẽ không đi nữa. Con chỉ sống cùng cha mà thôi.
Nói xong chàng quay lại. Thế rồi cha chàng dạy cho chàng những pháp môn làm phát triển thiền định. Cả hai cha con không hề xa rời niềm an lạc thiền đạo và được sanh vào cõi Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, chàng trai và cô gái này cũng chính là chàng trai và cô gái của chuyện trên kia. Vị ẩn giả ấy chính là Ta vậy.
-ooOoo-
349. Chuyện Lời Gièm Pha (Tiền thân Sandhibheda)
Cặp này chẳng có gì chung…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về giới luật dành cho sự gièm pha.
Hồi ấy bậc Ðạo Sư nghe rằng nhóm Sáu Tỷ-kheo ấy cứ gom góp những chuyện nói xấu, liền gọi họ đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông gom góp những chuyện nói xấu của một số bằng hữu có tính hay gây gổ, cãi cọ, tranh chấp nhau, và vì vậy những tranh cãi đáng lẽ không xảy ra đã xảy ra và khi đã xảy ra thì những tranh cãi ấy lại có xu hướng lớn lên chăng?
Họ đáp:
– Thật như thế.
Ngài quở rầy họ và dạy:
– Lời nói gièm pha cũng giống như một nhát gươm nhọn đâm. Tình bằng hữu bền vững chóng đổ vỡ vì sự nói xấu và kẻ nào gièm pha có thể bị bạn hữu ghét giận giống như trường hợp con Sư tử và con bò mộng.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện đời xưa
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là con vua. Ngài hoàn tất mọi học nghệ ở Takkasilà, và sau khi vua cha mất, ngài lên nối ngôi và trị vì rất công chính.
Bấy giờ có người giữ bò kia chăn dắt bầy bò ở các chuồng trong rừng, khi quay về nhà, ông ta vô ý để lạc ra sau một Con bò cái đang có chửa. Giữa Con bò cái ấy và con Sư tử cái kia phát sinh một tình bạn bền vững. Khi đã trở thành đôi bạn thân thiết, chúng thường đi chung với nhau.
Thế rồi sau một thời gian, bò cái sinh ra một con bê và Sư tử sinh ra một con Sư tử con. Hai chú thú nhỏ mới sinh này theo xu hướng của gia đình trở nên đôi bạn thân thiết, đi đâu không rời nhau.
Một người thợ rừng thường mang các lâm sản đến Ba-la-nại để dâng vua. Một hôm vua hỏi ông ta:
– Này bạn, bạn có thấy điều gì kỳ diệu khác thường không?
Ông đáp:
– Tâu Ðại vương, tôi chẳng thấy điều gì kỳ diệu ngoài một con Sư tử đực và một con bò mộng đi với nhau rất thân ái.
Vua bảo:
– Nếu có một con vật thứ ba xuất hiện thì sẽ xảy ra tác hại ngay. Nếu bạn thấy hai con vật ấy liên kết với một con thứ ba thì hãy đến đây bảo cho ta hay.
Ông ấy đáp:
– Tâu Ðại vương, chắc chắn tôi sẽ theo lời ngài.
Khi người thợ rừng rời Ba-la-nại, một con chó rừng đến phục vụ Sư tử và bò mộng kia. Ông ta trở về rừng và thấy thế liền tự nhủ: “Ta sẽ báo với đức vua rằng con vật thứ ba đã xuất hiện”.
Rồi ông đến thành phố. Bấy giờ con chó rừng tự nghĩ: “Ta chẳng có thịt nào để ăn ngoài thịt Sư tử và bò. Bằng cách gây bất hòa giữa hai con vật này, ta sẽ được ăn thịt chúng…”
Rồi nó nói:
– Tên kia nói về ông thế này này….
Thế là chó rừng chia rẽ hai con vật kia ra, rồi nó gây ra một cuộc tranh cãi khiến Sư tử và bò đi đến tình trạng đấu nhau trí mạng.
Người thợ rừng đến tâu vua:
– Tâu Ðại vương, con vật thứ ba đã đến.
Vua hỏi:
– Con gì thế?
– Tâu Ðại vương, một chó rừng.
Vua nói:
– Nó sẽ khiến cho hai con kia tranh cãi và làm cho chúng chết. Khi chúng ta đến nơi sẽ thấy chúng chết rồi!
Nói xong, vua lên xe, đi theo con đường mà người thợ rừng đã đi. Ngài đến nơi đúng lúc hai con vật gây gổ nhau, giết chết nhau. Chó rừng khoái chí, khi thì ăn thịt con Sư tử, khi thì ăn thịt con bò mộng. Khi thấy cả hai con đều chết, vua vẫn đứng trên xe, gọi người đánh xe và đọc các bài kệ đây:
Cặp này chẳng có gì chung Vợ con, ăn uống, chẳng cùng xẻ chia. Nhưng kìa, lời nói gièm pha Như gươm hai lưỡi thật là bén thay.
Xảo gian thủ thuật khéo bày Phân chia bằng hữu lâu ngày kết thân. Thú kia hèn kém nhất trần Nhưng bò, Sư tử phải thành mồi ngon:
Bạn lòng cũng sẽ khổ buồn Như đôi thú nọ một tuồng mà thôi; Nếu như tai cố nghe lời Khiêu khích to nhỏ của người gièm pha.
Gièm pha vốn vẫn chia xa Những người bằng hữu thật là thiết thân. Gièm pha nếu chẳng quan tâm, Sẽ như tiên ở thiên đàng vinh quang.
Vua đọc các bài kệ trên xong liền nhặt lấy bờm, da, móng, răng của con Sư tử rồi quay thẳng về thành.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ta là vị vua nọ.
-ooOoo-
350. Chuyện Vấn Đáp Của Chư Thiên (Tiền thân Devatàpanhã)
Chuyện này sẽ được kể trong số 546. Tiền thân Mahà-Ummagga.