PHẬT GIÁO VÀ VĂN HỌCHT. Tinh VânNguyễn Phước Tâm dịch Văn học là một trong những phương thức biểu đạt tình cảm và trí thức của Loài Người. Một tác phẩm văn học hay, không chỉ tạo ra tiếng vang rộng lớn tại thời điểm và địa phương nào đó, thậm chí nó có khả năng siêu vượt biên giới thời-không, dẫn dắt nhân tâm bước vào cảnh giới chân- thiện- mỹ. Trong Phật giáo có rất nhiều tác phẩm chính là đại diện cho loại hình này; đặc biệt chính bản thân Đức Phật cũng là nhà văn học tài trí mẫn tiệp, trí tuệ siêu quần. Sau khi ngộ đạo, nhằm để đại chúng liễu đạt thực tướng vũ trụ, Đức Phật đã đem chân lý thâm áo tuyên thuyết với lời lẽ dễ hiểu qua mười hai loại thể tài (văn thơ), ấy là Mười hai bộ kinh, gồm: Trường hàng (tức văn xuôi), Trùng tụng, Ký biệt (tức những lời truyền dạy do Đức Phật thụ ký, chứng nhận cho các vị Bồ-tát, các bậc Thanh văn, đệ tử mai sau thành Phật, và thuyết lý những việc sẽ xảy ra…),Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Tỷ dụ, Bổn sự, Bổn sanh, Phương quảng, Vị tằng hữu,Luận nghị. Đây là bản mẫu hay nhất của văn học. Mỗi một phẩm kiểu giống kịch đơn (lẻ) như trong kinh Đại Bảo Tích, kinh Phổ diệu là truyện trường thiên, kinh Tu lại là tác phẩm tiểu thuyết, kinh Tư ích Phạm thiên là thể tài bán tiểu thuyết bán hý kịch, kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti Nirdesa) là thơ mới (thơ Bạch thoại xuất hiện sau phong trào Ngũ Tứ) đẹp nhất thế giới, bảy tỷ dụ trong kinh Diệu pháp liên hoa là văn học ngụ ngôn hay nhất, kinh Hoa nghiêm là kịch tác trường thiên hùng vĩ nhất, kinh Bách dụ được dịch ra nhiều thứ tiếng, được khắp nơi đón nhận; kinh Bổn sanh là truyện ký văn học mà ai cũng biết, trong đó hàng loạt câu chuyện được nhiều tác phẩm nổi tiếng trên thế giới viện dẫn rộng rãi như Y-tố[1] ngụ ngôn (Aesop’s Fables/truyện ngụ ngôn của Aesop), Thiên phương dạ đàm(Nhất thiên linh nhất dạ[2]). Ngoài ra, đệ tử của Đức Phật đa số cũng giỏi về thơ ca kệ tụng, như Trưởng lão kệ và Trưởng lão Ni kệ, không chỉ tươi mát sâu xa, mà còn nêu cao lý tưởng tôn giáo, hiển bày luân lý giáo thuyết, được đánh giá rất cao trong lĩnh vực văn học. Mãi đến Phật giáo Đại thừa hưng khởi, văn phong có xu hướng mượt mà sống động, vào thế kỷ II Tây lịch, các tác phẩm Phật sở hành tán, Xá Lợi Phất (Śāriputra) chi sở thuyết, Tôn Đà Lợi (Sundari)Nan Đà (Nanda) thi của Bồ-tát Mã Minh (đầu thế kỷ II), đều là tác phẩm tiên phong trong văn học cổ điển Ấn Độ. Sau này có Tứ bách tán, Nhất bách ngủ thập tán Phật tụng được Mātṛceṭa thi sĩ phái Mã Minh sáng tác, cũng nhận được sự tôn sùng nhất trí của các nhà thơ trên lãnh thổ Ấn Độ. Thế kỷ IV Tây lịch, ngoài Bổn sinh man luận (Jātakamālā) của Đại sư Thánh Dũng và Thí dụ tập(Avadana-kalpalata) của nhà thơ Ksemendra (đều là những tác phẩm Kinh điển Phật giáo) ra, thì trong đó nổi bật nhất là vở kịch thơ Sakuntala[3] của nhà thơ nổi tiếng Kālidāsa Ấn Độ còn lưu danh ở đời. Bản kịch này chủ yếu là lấy câu chuyện trong Kinh điển Phật giáo mà viết thành, vào năm 1789 sau khi dịch sang các thứ tiếng của các nước, thịnh hành khắp châu Âu, lúc bấy giờ văn hào nước Đức Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) sau khi đọc xong, xúc động và đã viết ra bốn câu thơ ngợi ca[4], không chỉ dừng lại ở đó, mà Goethe còn đem lời dạo đầu của bản kịch này dẫn dụng trong tác phẩm kịch thơ đồ sộ (gồm 12.000 câu thơ) Phù sĩ đức (Faust) của ông. Tác phẩm kịch Phật giáo Long vương chi hỷ và tán ca Phật giáo Bát đại linh tháp phạm tán thuộc thế kỷ VII Tây lịch, được vua Giới Nhật (Siladitya, khoảng 590-647) bấy giờ thống nhất toàn Ấn Độ biên soạn. Trong văn học sử Ấn Độ chiếm một ví trí quan trọng. Thời cận đại, trong tác phẩm hý khúc của nhà văn đoạt giải Nobel văn học Rabindranath Tagore (1861 – 1941) Ấn Độ, như Vũ giả chi Cúng dường và Chân đà lợi, cũng đều được lấy đề tài từ trong điển cố Kinh điển Phật giáo. Địa vị văn học Phật giáo do vậy có thể thấy có những chấm sáng lấp lánh trên diễn đàn văn học thế giới. Phật giáo sau khi truyền đến Trung Quốc, khí thế càng thêm mạnh mẽ, tựa ‘sấm vang chớp giật’, về phương diện văn hóa nảy sinh sức ảnh hưởng ‘đào núi lấp biển’, trong đó sự cống hiến về phương diện văn học được xem là lớn lao nhất. Nay khái quát năm điểm dưới đây: 1. Thúc đẩy sự phát triển Từ vựng học: Theo thống kê, do sự truyền nhập của Phật giáo, chí ít đã tăng thêm hơn ba vạn năm ngàn từ ngữ mới, cũng có nghĩa là đã tăng thêm hơn ba vạn năm ngàn quan niệm mới, trong đó hoặc là từ diễn biến của danh tướng Phật giáo, hoặc là từ sự chọn lọc trong Phật điển, hoặc là được sinh ra từ truyện Phật giáo, hoặc là trích ra từ ngữ lục Thiền môn. Bởi vì, từ vựng của Phật giáo về khối lượng thì đồ sộ, đầy đủ mọi vật, về hàm ý thì dọc cùng tam tế (quá khứ, hiện tại, vị lai), ngang khắp mười phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông nam, Tây nam, Đông bắc, Tây bắc, trên, dưới), cho nên một mặt đã thúc đẩy sự biểu đạt ý niệm văn chương, nâng cao trình độ, mặt khác thông qua sức mạnh của ngôn ngữ văn tự, làm sáng tỏ quy luật nhân quả nghiệp báo, đối với sự tịnh hóa nhân tâm xã hội cũng có bổ ích to lớn. 2. Thúc đẩy sự hình thành Nghĩa sớ học: Để hệ thống Tam tạng mười hai bộ kinh được phân rõ ràng, nên sau khi truyền vào Trung Quốc, các tổ sư đại đức cũng dùng phương thức chỉnh lý thứ tự mạch lạc rồi biên soạn chú sớ (chú giải và chú thích), phân đoạn, chẳng những bắt đầu khơi dòng cho Nghĩa sớ học thời đại Tùy Đường (581- 907), đối với sáng tác văn chương thông thường cũng đã có sức ảnh hưởng ở mức độ đáng kể[5]. 3. Thúc đẩy sự đẩy mạnh của âm vị học (âm vận học/thanh vận học): Chữ Trung Quốc là một loại văn tự khối vuông, nhìn chữ từ hình dáng bên ngoài không thể nào phát âm được. Phật giáo sau khi truyền vào, để tiện cho việc dịch Kinh điển Phật giáo, thời đại Ngụy Tấn thì có Tăng nhân tham gia nghiên cứu về âm vận (chỉ thanh, vận, điệu trong chữ Hán), mà sau này đưa ra phát minh biểu đồ như bốn thanh[6], chữ cái[7], phiên thiết[8], đẳng vận[9]. Vừa là thúc tiến sự phát triển của âm vận học, vừa là thúc đẩy sự hình thành thơ niêm luật (cách luật), khiến thơ từ Trung Quốc càng tăng thêm cái đẹp của âm tiết vận luật. 4. Thúc đẩy sự hình thành của văn phạm Trung văn: Thời xưa Trung Quốc hoàn toàn không có cái gọi là lý luận văn phạm, mãi đến thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều (220 – 589), do việc phiên dịch kinh Phật, văn phạm của Phạn văn theo đó truyền vào, như Bát chuyển thanh[10], cũng như Đại sư Khuy Cơ (632 – 682) dựa vào văn điển Phạn ngữ soạn viết sách văn phạm Lục hợp thích[11], đều là sự tiên phong, dẫn đường của văn phạm Trung văn. 5. Thúc đẩy sự cải tiến của hình thức thể văn: Từ những năm cuối Đông Hán (184 – 220) đến Tùy Đường (581- 907) trong vòng khoảng 600 năm, là thời kỳ thịnh nhất trong việc dịch kinh Phật giáo, người tham gia đều là những danh Tăng tài trí hơn người, dịch kinh chú trọng phù hợp nguyên nghĩa (nghĩa gốc), truyền thần đạt chỉ (chuyển tải ý chỉ như thật không sai lệch), không những kết hợp giữa thơ và văn xuôi (tản văn), mà nội dung đầy đủ, hình thức đẹp đẽ. Hết thảy Lục triều (Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần) trước nay đều quá chú trọng phong cách và cấu tứ biền ngẫu đối nhau, ngôn từ trau chuốt đẹp đẽ, nhất là thể tài và tư tưởng (quan niệm) Phật kinh phong phú, khiến cho người Trung Quốc xưa nay không thiên về tưởng tượng, lại thêm vào đó tự viện Phật giáo Đường triều, Ngũ đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) thịnh hành lấy phương thức tục giảng[12], dùng biến văn[13] và biến tướng đồ (truyện tranh Phật giáo) phối hợp để hướng dẫn đại chúng; bằng hình thức thông tục hóa (đại chúng hóa) này, văn học Phật giáo càng gây nên sức ảnh hưởng to lớn. Loại biến tướng đồ vừa nêu trên na ná với “xem tranh kể chuyện” của các bạn nhỏ, có thể nói là khởi đầu cho văn học tranh vẽ; còn biến văn thì không chỉ đã hình thành những là bảo quyển[14], cổ từ[15], đàn từ[16] (một hình thức văn nghệ nhân gian) sau này, đối với các tiểu thuyết, hý khúc, tạp kịch Tống Nguyên, cho đến Côn khúc (tuồng Côn Sơn), kịch Hoàng Mai (một loại hý khúc của tỉnh An Huy, nhập từ Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), ca tử hý (một loại kịch địa phương ở Đài Loan và Phúc Kiến) v.v.., cũng đều có công lao giúp đỡ dẫn dắt.Cận đại, lấy đề tài từ hý khúc của Phật kinh, như Thiên nữ tán hoa của Mai Lan Phương (1894-1961), cho đến Ma Đăng Già nữ (1900-1976), đều giàu ý nghĩa giáo dục, nội dung biến hóa thú vị, cho nên được sự hoan nghênh của quảng đại quần chúng.Ngoài ra, về phương diện thơ văn, Phật giáo cũng đã mang đến một cảnh tượng mới mẻ, giống như Chi Độn (314- 366) – cao tăng triều đại Đông Tấn, tài năng văn chương tinh tuyệt, thơ ca hoa mỹ, cùng với các nhà văn giỏi viết về thơ huyền ngôn (nội dung chủ yếu của trường phái thơ ca này là giải thích triết lý Phật giáo và Lão Trang) lúc bấy giờ như Tôn Xước (314-371), Hứa Tuần (?-?), Ân Hạo (?-?), Vương Hy Chi (303-361). Giữa Chi Độn với các danh sĩ này có mối thâm giao đặc biệt, cũng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc. Tạ Linh Vận (385 – 433) nhà thơ thời Tấn từng tham gia dịch kinh, những sáng tác thơ ca của ông kết hợp giữa cảnh sơn thủy với nghĩa lý Phật pháp, được tôn là thủy tổ của thơ sơn thủy.Nhà Đường (618 – 907) về sau, thiền phong rất thịnh hành, nhiều học sĩ có kiến thức uyên bác bỏ Nho theo Phật, các nhà thơ trứ danh như Vương Duy (701-761), Đỗ Phủ (712-770), Bạch Cư Dị (772-846), Tô Đông Pha (1037-1101), do thường xuyên giao du qua lại luận đạo với các thiền sư, lúc ngâm vịnh thơ ca, dòng thơ ấy thấm đẫm mùi thiền tự bao giờ mà không hề hay biết.Trong Tăng lữ Phật giáo, những tác giả có phong cách viết văn (hành văn) nổi tiếng, cũng không phải hiếm hoi, ví dụ Pháp Châu đời Tùy (581-618, một thuyết nói: 619 hoặc 630), Tuệ Tịnh (578-?), Giảo Nhiên (720-804) đời Đường, Tề Kỷ (863-937), Quán Hưu (823-912), Hy Giác (864-568) Ngũ đại (907-960), Hy Duyệt thời Bắc Tống, Đàm Ngạc (1285-1373), Đại Khuê nhà Nguyên, Đức Ngôn đời Minh, Trí Phác (1636-?), Thánh Thông, Chiếu Thường, Độc Triệt (1586-1656) nhà Thanh. Từ Tùy Đường (581-907) về sau, các Thiền Tăng cũng thường đem ngộ cảnh mượn kệ tụng biểu đạt, bày tỏ. Nổi tiếng như tập thơ của Hàn Sơn (691-793), tươi mới tao nhã, được trong và ngoài nước đón nhận.Thơ kệ của Tuyết Đậu Trùng Hiển thì được ngợi khen là “có nếp của hàn lâm học sĩ”.Qua các triều đại, đã biện soạn được nhiều ngữ lục, công án thiền môn từ các pháp ngữ đối đáp của Thiền Tăng; do vì lời văn dễ hiểu rõ ràng, câu chữ sinh động, trở thành tiên phong trong văn học bạch thoại cận đại. Cho đến ngày nay, trong văn học và hý kịch của Phật giáo vẫn không ngừng cách tân một cách đột phá, như xuất bản Kinh điển bạch thoại, dùng phương thức văn xuôi đem cổ văn tối nghĩa dịch sang bạch thoại; phát hành tùng thư truyện Phật giáo, dùng hình vẽ minh họa có màu sắc để dẫn dắt thiếu nhi; chế tác kịch truyền hình, phim truyện, phim hoạt hình, vũ kịch (kịch múa), đưa truyện Phật lên màn ảnh; thành lập trung tâm phiên dịch Phật giáo quốc tế, đem các tác phẩm nổi tiếng Phật giáo hiện đại dịch sang ngôn ngữ các nước trên thế giới v.v… Tất cả những việc làm này đều nhằm phổ cập Phật pháp và tịnh hóa nhân tâm.Thực ra, nhìn từ khía cạnh khác, chân lý vũ trụ hệt như một bộ kiệt tác sống động hùng vĩ, cái gọi là “Văn chương hữu bì hữu cốt tủy, dục tham thử ngữ như tham thiền, ngã tùng chư lão đắc ấn khả, diệu xứ khả ngộ bất khả đắc” (Văn chương có da có xương tủy, muốn xem hiểu văn chương, thì giống như tham thiền, ta được ấn khả từ các lão, chỗ nhỏ nhiệm của đạo Phật là chỉ có thể ‘ngộ’, mà không thể ‘đắc’- nắm lấy), làm thế nào để đại chúng thấu triệt chân lý vốn ngập tràn cùng khắp, có cuộc đời Hạnh phúc tròn đầy, đấy chính là chỗ quan trọng mà Phật giáo muốn biểu đạt thông qua sự cọ vẽ của văn học.Nguồn: Tinh Vân, Phật giáo và thế tục, NXB. Từ thư Thượng Hải, 2008, tr.61 – 65* Các ghi chú: 1, 2, 4; và năm sinh, mất của các tác giả trong bài này đều là do người dịch thêm vào.
[1] Y-tố (Aesop, 620-560 trước Tây lịch) là nhà ngụ ngôn nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại thế kỷ VI trước Tây lịch. Tương truyền, tác phẩm “Y-tố ngụ ngôn” do ông biên soạn, sưu tập những câu chuyện dân gian Hy Lạp, đồng thời thêm vào điển tích Ấn Độ, A-rập, Cơ-đốc giáo, tổng hơn 350 thiên.[2] Tập truyện dân gian của A-rập cổ đại, còn có tên gọi là Thiên phương dạ đàm. Nội dung phong phú, quy mô đồ sộ, được Maksim Gorky (1868-1936) – nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận, nhà chính luận, học giả (bạn của văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy và lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin) ca ngợi là “đài bia tưởng niệm tráng lệ nhất” của văn học dân gian thế giới.[3] Tên vở kịch thơ này người dịch thấy một số nơi ghi là Shakuntala, là vở kịch của nhà thơ Kalidasa, được chọn từ các truyện: Bổn sanh nữ Kinnara, mẩu thứ 7 bổn sanh Pali Nam truyền, Bổn sanh Tu-thái-la thứ 83 Lục độ tập kinh, quyển 13 đến 14 Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự.[4] “Nếu muốn có một tiếng ôm ấp được cả hoa mùa xuân và quả mùa thu. Một tiếng làm đắm say, nuôi dưỡng và thỏa mãn được tâm hồn. Nếu muốn có một tiếng bao gồm được cả trời đất, thì tôi gọi Shakuntala, tiếng đó nói lên tất cả!”.[5] Tầm ảnh hưởng đối với sáng tác văn chương của Nghĩa sớ học, có thể kể đến các tác phẩm văn chương được viết nên bởi các nhà văn cổ như Bát đại gia đời Đường Tống. Cụ thể đời Đường có: Hàn Dũ (768- 824), Liễu Tông Nguyên (773-819); đời Tống có: Tô Tuân (1009-1066), Tô Thức (1037-1101), Tô Triệt (1039-1112), Âu Dương Tu (1007-1072), Vương An Thạch (1021-1086), Tăng Củng (1019-1083), sự kế thừa phân chia, chương tiết của nó, đều có thể thấy sự ảnh hưởng trong phân đoạn nghĩa sớ.[6] Bốn thanh điệu của âm đọc chữ Hán là: bình, thướng, khứ, và nhập. Theo khảo cứu, cho thấy bốn thanh điệu này được tạo nên bởi chịu sự ảnh hưởng từ các thanh điệu trong quá trình đọc tụng kinh Phật. Trong bài viết Tứ thanh tam vấn (kỳ 2 quyển 9 Thanh Hoa học báo) của ông Trần Dần Khác (陈寅恪, 1890-1969) nói: “Sở dĩ phù hợp phân làm 4 thanh, mà không phân làm các thanh khác, là để loại bỏ sự khác nhau giữa cái gốc (bản) và sự tiếp biến (dị), mà đặt ra một loại gọi là thanh nhập, rồi (lại) phân biệt ba thanh còn lại là bình- thướng- khứ. Thống kê tổng hợp lại, thì phù hợp chia làm 4 thanh. Nhưng sở dĩ phân biệt với 3 thanh còn lại khác, thực tế căn cứ và mô phỏng cách đọc tụng 3 thanh trong kinh Phật lúc bấy giờ của người Trung Quốc, mà việc đọc tụng 3 thanh trong kinh Phật bấy giờ lại có nguồn gốc 3 thanh từ trong Thanh minh luận thời cổ Ấn Độ. Cứ vào Thanh minh luận của Vi Đà nước Thiên Trúc, gọi là thanh, thích hợp tương tợ với cái gọi là 4 thanh Trung Quốc, tức chỉ âm cao thấp của thanh, cũng giống như Anh ngữ gọi là Pitch Accent vậy. Thanh minh luận của Vi Đà dựa vào độ cao thấp của thanh ấy, mà chia làm 3: Một là Udātta, hai là Svarita, ba là Anudātta. Phật giáo truyền vào Trung Quốc, giáo đồ lúc đọc tụng kinh Phật, sự phân biệt 3 thanh này cũng theo đó mà nhập vào. Thanh nhập của tiếng Trung Quốc đều phụ vần đuôi các phụ âm k, p, t, có thể thấy là loại đặc thù, mà dễ phân biệt với 3 thanh khác nhất. Bình, thướng, khứ mặc dù giữa khoảng cách âm thanh (tiếng vang/âm hưởng) cao thấp lên xuống của nó có phân biệt, nhưng muốn phân biệt các thanh ấy, thì quả thật là không dễ xác định. Cho nên chính người Trung Quốc đã căn cứ và mô phỏng việc đọc tụng kinh Phật lúc bấy giờ, phân biệt xác định chia thành ba thanh: bình, thướng, khứ. Gộp với thanh nhập, hợp thành 4 thanh vậy.”[7] Tức chỉ thanh mẫu (phụ âm) bắt đầu của âm chữ Hán. Người Trung Quốc thượng cổ không quá chú trọng đến phân tích âm (âm đọc của chữ), đến thời Lục triều, do đối với âm lý Phạn văn đã được một số kẻ sĩ biết rõ, vì thế đã sản sinh thêm danh mục (tên gọi) song thanh (lặp lại âm đầu, tức hai chữ hoặc nhiều chữ có cùng thanh mẫu), điệp vần (cùng vần/láy vần), do liên quan đến làm thơ áp vần (giao vần), công tác nghiên cứu “vận” (vần) đã phát triển rất sớm, và đã có tự điển vận thơ thành bộ để chỉ ra điều đó. Nhưng bộ phận “thanh” là đến cuối nhà Đường mới xuất hiện có “chữ cái”, mà những chữ cái này đều là do Pháp sư của Phật giáo sáng chế. Trong Đông thục độc thư ký, Trần Lễ (1810-1882) nói: “Từ cuối nhà Hán đến nay, dùng song thanh, điệp vần, thiết ngữ (một cách ghép vần cổ đại, chữ trên lấy thanh, chữ dưới lấy vần, dùng hai chữ chú âm cho một chữ), vần có từng mục: đông (東), đông (冬), chung (鐘), giang (江), còn thanh thì chưa có, cuối nhà Đường Sa-môn bắt đầu công bố chỉ ra 16 chữ, gọi đây là chữ cái.” Tác phẩm Thông chí nghệ văn lược của Trịnh Tiều (1104-1162) và cuốn Ngọc hải của Vương Ưng Lân (1223-1296), đã từng ghi chép lại biểu đồ 36 chữ cái của Tỳ kheo Thủ Ôn (cuối Đường, thời kỳ Ngũ đại). Trong Thiên vận quán cầu tập Hòa thượng Chân Không triều Minh lại nói Hòa thượng Xá Lợi triều Đường sáng tạo 30 chữ cái, sau đó Thủ Ôn lại thêm 6 chữ nữa. Mục phụ kèm ‘Hoàng cực kinh thế giải khởi số quyết’ trong tác phẩm Quán vật giải thiên của Chúc Tất triều Tống từng nhắc đến 36 chữ cái của Hồ Tăng liễu nghĩa. Hoàng cực kinh thế thanh âm đồ Thượng Quan Vạn Lý chú thêm cũng nói: “Tự Hồ Tăng liễu nghĩa lấy 36 chữ cái làm chữ cái phiên thiết, dành được sự khéo léo của tạo hóa.” Mặc dù có nhiều cách nói khác nhau, nhưng chữ cái rõ ràng là do Pháp sư Phật giáo đặt ra, là điều không còn nghi ngờ gì nữa.[8] Một cách chú âm truyền thống Trung Quốc, phương pháp này dùng hai chữ để chú âm một chữ khác. Chữ trên và thanh mẫu chữ được chú giống nhau, gọi là song thanh; chữ dưới và vận mẫu chữ được chú giống nhau, gọi là điệp vần. Chữ trên cần thanh mẫu, không cần vận mẫu; chữ dưới cần vận mẫu, không cần thanh mẫu, đem thanh mẫu của chữ trên và vận mẫu của chữ dưới ghép lại với nhau, chính là âm được chú. Theo khảo chứng, sau Hán Ai Đế chính là lúc Phật giáo truyền vào, người học Phạn văn khi học ghép âm đã ngộ ra nguyên tắc phiên thiết.[9] Cái gọi là đẳng vận, theo giải thích của Triệu Âm Đường (1893-1970) trong cuốn Đẳng vận nguyên lưu (Nguồn gốc và sự phát triển của Đẳng vận học Trung Quốc): “Thế nào gọi là Đẳng vận? Nói đơn giản, chính là biểu âm tiết, trong biểu âm tiết có ô, mỗi ô ngang tính một bậc, vần chữ được điền trong mỗi bậc, chính là đại diện cho mỗi âm. Nếu chúng ta đã luyện tập thuần thục âm biểu này rồi, thì không những biết chữ vần trong từ điển vận thơ thuộc nốt nào, mà còn biết độ lớn nhỏ của chúng, đây là phương pháp lấy giản chế phức của phiên thiết, cho nên ông Ngụy Kiến Công (1901-1980) nói ông ấy luyện âm biểu”. Còn về sự sản sinh của đẳng âm, trong Âm vận học của Trương Thế Lộc (1902-1991) có nói rõ như sau: Nước ta từ xưa đến nay nói đến cách đọc âm, do song thanh, điệp vận mà thành thanh mẫu và vận mẫu, từ thanh mẫu (chữ cái) và vận mẫu đã cấu thành biểu đẳng vận, chẳng qua là muốn nói rõ cái lý của phiên thiết. Trong Đẳng vận nhất đắc ngoại thiên của Lao Nãi Tuyên (1843-1921) nói: “Phiên thiết bắt nguồn từ đời Ngụy, trước song thanh, điệp vận. Song thanh, điệp vận bắt đầu từ Lục triều, trước đẳng vận. Do phiên thiết mà thành song thanh, điệp vận; do song thanh, điệp vận mà thành đẳng vận, từng bước nới rộng từng bước mật thiết, đều nhằm làm rõ cái lý phiên thiết, cho nên cái học của đẳng vận, là từ phiên thiết thiết lập vậy”. Tra cứu cái tên của song thanh, điệp vận mặc dù khởi nguyên từ Lục triều, mà cái lý của song thanh, điệp vận và phiên thiết, từ xưa đã có. Đến cuối nhà Hán về sau, học lý (nguyên tắc) ghép âm Phạn văn Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, thế là phát sinh phiên thiết, sản sinh tự điển vận thơ và chữ cái. Ứng dụng cấp, phối hợp chữ cái và nói rõ phiên thiết, đã sinh ra cái học đẳng vận. Trần Lễ nói: Từ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, Tùy, Đường, chỉ có phiên thiết, không có cái gọi là đẳng vận. Thời Đường Tăng đồ căn cứ mô phỏng chữ Phạn (kinh Phật), lấy 36 chữ, gọi đó là chữ cái (chữ chỉ thanh mẫu, phụ âm). Người Tống dùng đó để phân phiên thiết, tự điển vận thơ thành bốn bậc (tứ đẳng), sau đó có tên là đẳng vận. Truy tìm nguồn gốc ban đầu của đẳng vận, cho rằng là có khả năng đã xuất hiện trong Phạn thư (chữ Phạn, kinh Phật). Còn cho phiên thiết là đẳng vận, thì không thể nào vậy. Phiên thiết xuất hiện trước, còn đẳng vận xuất hiện sau vậy. Thực ra Đẳng vận học chẳng qua là giảng một bước ứng dụng chữ để nói rõ phiên thiết trong vận thư (từ điển vận thơ) mà thôi, là do cái học của thiết ngữ được thay đổi mà thành. Cho nên chúng ta cần vén dấu vết cội nguồn của Đẳng vận học, tự nhiên phải nói đến phiên thiết và chữ cái.[10] Chỉ tám loại biến hóa của danh từ, đại danh từ, vĩ ngữ, hình dung từ (tính từ) trong Phạn ngữ, tức thể cách, nay gọi là chủ cách, nghĩa là “thị” (là). Nghiệp cách, nay gọi là thụ cách, nghĩa là “bả” (cầm, nắm). Cụ cách, hoặc gọi là tác cách, nghĩa là “y” (dựa vào). Vị cách, hoặc gọi là dữ cách, nghĩa là “vị” (để, với). Tòng cách, hoặc gọi là đoạt cách, nghĩa là “tòng” (từ). Thuộc cách, nay gọi là sở hữu cách, nghĩa là “đích” (của). Vu cách, hoặc gọi là y cách, nghĩa là “vu” (ở). Hô cách, còn gọi là hô triệu thanh, nghĩa là “a” (chà, à,…).[11] Còn gọi là Lục ly hợp thích, là giải thích sáu nguyên tắc văn phạm của từ ghép trong Phạn ngữ. Lục hợp thích, tức gồm: ychủ thích, tương vi thích, trì nghiệp thích, đới số thích, lân cận thích, hữu tài thích.[12] Phật giáo Đông truyền Trung Nguyên, tiếp sau truyền dịch số lượng lớn Kinh điển, tín đồ Phật giáo dốc sức vào việc phổ cập Phật pháp, lúc mới giảng kinh Phật, cố gắng cải biên (soạn lại) thành thể tài truyện thông tục (đại chúng), đồng thời phối hợp lấy âm nhạc thông tục ca hát ngâm vịnh, loại pháp hội giảng kinh này gọi là tục giảng. Thịnh hành ở triều Đường, Ngũ đại.[13] Biến tức nghĩa là cải biên (thay đổi), viết lại. Lấy đề tài từ trong Kinh điển Phật giáo giàu tính ký sự thần biến (thần kỳ biến hóa), và đồng thời thêm vào tự thuật chi tiết viết lại, khiến sự thông tục ấy sinh động mà phù hợp với việc giáo hóa dân chúng, gọi là biến văn.[14] Là một loại văn hát nói, kể chuyện xen với hát (pha tạp giữa văn vần và văn xuôi) do biến văn đời Đường trực tiếp sản sinh phát triển. Được phát sinh khoảng vào thời kỳ Tống Nguyên (960-1368), nhưng thịnh thành vào Minh Thanh (1368-1840). Kết cấu nội dung của bảo quyển đại để giống với biến văn, phần lớn chọn dùng ngôn ngữ thông tục dễ hiểu, phối hợp với âm nhạc, tiến hành giảng xướng (hát nói). Tự thuật bảo quyển câu truyện Phật giáo, rất được dân gian đón nhận.[15] Thời Minh Thanh lưu hành một loại khúc nghệ (nghệ thuật nói hát mang màu sắc địa phương lưu hành trong dân gian) ở phương Bắc Trung Quốc. Hình thức lấy “cổ” (trống, bảng) làm chính phối hợp với diễn xướng hát đệm, có nói có hát. Tên gọi xa xưa của cổ từ là đại cổ (hát nói, một loại khúc nghệ Trung Quốc, phối hợp nhạc đệm trống, bảng, đàn tam huyền). Bây giờ cũng có người nói các loại ca từ của đại cổ là cổ từ.[16] Là biên soạn truyện thành vận ngữ (ngôn ngữ có vần điệu), có đạo bạch (nói lối trong tuồng kịch), có khúc từ (điệu hát), loại văn học hát nói dùng nhạc cụ dây phụ họa, lưu hành ở các tỉnh miền Nam là đàn từ, thịnh hành ở các tỉnh miền Bắc là cổ từ, nguồn gốc từ Tống, Nguyên, thịnh thành vào Minh, Thanh.