IV. Các Vị A-la-hán (S.iii,83)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, sắc là Vô thường. Cái gì Vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
4-6) … thọ… tưởng… các hành là Vô thường…
7) Này các Tỷ-kheo, thức là Vô thường. Cái gì Vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành. .. đối với thức.
9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham, nên được Giải thoát. Trong sự Giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được Giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư (Sattavasa), cho đến tột đảnh của hữu (Bhavaggam), những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán.
11) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
1) An lạc, bậc La-hán, Họ không có khát ái, Ngã mạn khéo chặt đứt; Lưới si bị phá rách.
2) Họ đạt được bất động, Tâm viễn ly ô trược, Không nhiễm trước Thế gian, Bậc Phạm thiên vô lậu.
3) Họ biến tri năm uẩn. Do hành bảy Chánh pháp. Bậc chân nhân tán thán, Con đích tôn chư Phật.
4) Ðầy đủ bảy món báu, Ba học đều thành tựu, Bậc đại hùng du hành, Ðoạn tận mọi sợ hãi.
5) Ðầy đủ mười uy lực, Bậc Long tượng Thiền định. Họ tối thắng ở đời, Khát ái được đoạn tận.
6) Thành tựu vô học trí, Thân này thân tối hậu, Cứu cánh của Phạm hạnh, Ðạt được không nhờ ai.
7) Ðối các tưởng, không động, Giải thoát khỏi Tái sanh, Ðạt được điều phục địa, Họ chiến thắng ở đời.
8) Thượng, hạ cùng tả, hữu. Họ không có hỷ lạc, Họ rống Sư tử rống, Phật vô thượng ở đời!
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập III – Thiên Uẩn – Chương I – Tương Ưng Uẩn (d)