(Vô thường và vô ngã)

Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nắm giữ một vật sở hữu gì, và vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi không? Chư Tỷ-kheo, các Ông có thể thấy một vật sở hữu nào được nắm giữ và vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi không?

— Bạch Thế Tôn, không.

— Lành thay, này các Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một vật sở hữu được nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

— Bạch Thế Tôn không.

— Lành thay, này các Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Này các Tỷ-kheo, các Ông có kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

— Bạch Thế Tôn, không

— Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy, lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Chư Tỷ-kheo, nếu có ngã thời có ngã sở thuộc của tôi không?

— Bạch Thế Tôn, có.

— Chư Tỷ-kheo, nếu có ngã sở thuộc, thời có ngã của tôi không?

— Bạch Thế Tôn, có.

— Chư Tỷ-kheo, nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thường hằng, thì kiến xứ này: “Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thành thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”. Này các Tỷ-kheo, kiến xứ ấy là hoàn toàn, triệt để chẳng ngu si không?

— Bạch Thế Tôn, làm sao có thể hoàn toàn, triệt để chẳng ngu si được!

— Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay Vô thường?

— Bạch Thế Tôn, Vô thường.

— Cái gì Vô thường là khổ hay lạc?

— Bạch Thế Tôn, khổ.

— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Bạch Thế Tôn, không.

— Chư Tỷ-kheo, Cảm thọ là thường hay Vô thường?

— Bạch Thế Tôn, là Vô thường.

— Cái gì Vô thường là khổ hay lạc?

— Bạch Thế Tôn, là khổ.

— Cái gì Vô thường, khổ, chịu sự biến hoại thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi… tự ngã của tôi”?

— Bạch Thế Tôn, không.

— Chư Tỷ-kheo, tưởng là thường hay Vô thường?

— Bạch Thế Tôn, Vô thường.

— Cái gì Vô thường…?

— Bạch Thế Tôn, không.

— Chư Tỷ-kheo, các hành là thường hay Vô thường… chư Tỷ-kheo, thức là thường hay Vô thường?

— Bạch Thế Tôn, Vô thường.

— Cái gì Vô thường là khổ hay lạc?

— Bạch Thế Tôn, khổ.

– Cái gì Vô thường, khổ thì có hợp lý chăng, khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Bạch Thế Tôn, không.

— Do vậy, này các Tỷ-kheo, bất cứ các sắc pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc pháp là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ. Bất cứ Cảm thọ nào… Bất cứ tưởng nào… Bất cứ hành nào… Bất cứ thức nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ.

Chư Tỷ-kheo, nhờ thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yểm ly đối với sắc, yểm ly đối với thọ, yểm ly đối với tưởng, yểm ly đối với hành, yểm ly đối với thức, do yểm ly nên ly tham, do ly tham, nên được Giải thoát, trong sự Giải thoát có trí khởi lên, biết được đã Giải thoát. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui tại đây với một đời sống khác”.

Xem chi tiết:

Kinh Trung Bộ – Tập I – 22. Kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta)