Tâm hướng về điều gì nhiều thì nghiệp sẽ đi về hướng đó:

  1. Thiên nặng về vật chất Thế gian
  2. Thiên nặng về Bất động
  3. Thiên nặng về Vô sở hữu
  4. Thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ
  5. Thiên nặng về chánh Niết-bàn

“— Này Sunakkhatta, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức… ; các hương do mũi nhận thức… ; các vị do lưỡi nhận thức… ; các xúc do thân cảm xúc khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Sunakkhatta, những pháp này là năm dục trưởng dưỡng.

Nhưng này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi ở đây có số người thiên nặng về vật chất Thế gian. Ðối với người thiên nặng về vật chất Thế gian, này Sunakkhatta, câu chuyện (thích hợp với người ấy) phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người nào người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến bất động, thời người ấy không nghe, không lóng tai, và tâm không an trú vào trí giác. Và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú.

Ví như, này Sunakkhatta, có người đã lâu không trú ở trong làng hay thị trấn của mình, và có thể thấy một người vừa mới từ làng ấy hay thị trấn ấy lại. Người này sẽ hỏi người ấy về sự an ninh của làng hay thị trấn ấy, về đồ ăn uống sung túc và về ít bệnh tật, và người ấy sẽ nói cho người này biết về sự an ổn của làng hay thị trấn ấy, về đồ ăn uống sung túc và về ít bệnh tật. Này Sunakkhatta, Ông nghĩ thế nào? Có phải người này sẽ nghe người kia, lóng tai, tâm an trú vào trí giác và người này sẽ giao thiệp với người ấy mà người này thích thú?

— Thưa phải vậy, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi ở đây có số người thiên nặng về vật chất Thế gian. Ðối với người thiên nặng về vật chất Thế gian, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến Bất động, thời người ấy không nghe, không lóng tai và tâm không an trú vào thượng trí, và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú. Người ấy cần được hiểu như vầy: “Là hạng người thiên nặng về vật chất Thế gian”.

Này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra, khi một số người thiên nặng về Bất động. Ðối với người thiên nặng về Bất động, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp (với người ấy) phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến vật chất Thế gian, thời người ấy không nghe, không lóng tai và tâm không an trú vào thượng trí, và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú.

Ví như, này Sunakkhatta, một lá vàng khô đã rời khỏi cành, không còn xanh trở lại; cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về Bất động, đã rời khỏi kiết sử vật chất Thế gian. Người ấy cần được hiểu như sau: “Ðây là hạng người không liên hệ với kiết sử vật chất Thế gian, thiên nặng về Bất động”.

Này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra. Ở đây, có một số người thiên nặng về Vô sở hữu. Ðối với người thiên nặng về Vô sở hữu, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến Bất động, thời người ấy không nghe, không lóng tai, và tâm không an trú vào trí giác, và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú.

Ví như, này Sunakkhatta, một hòn đá bị vỡ làm đôi không thể nối liền lại được; cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về Vô sở hữu, đã bị chặt đứt khỏi kiết sử Bất động, người ấy cần được hiểu như sau: “Ðây là hạng người không liên hệ với kiết sử Bất động, thiên nặng về Vô sở hữu”.

Này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra. Ở đây, có một số người thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðối với người thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến Vô sở hữu xứ, thời người ấy không nghe, không lóng tai, và tâm không an trú vào trí giác, và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú.

Ví như, này Sunakkhatta, một người đã ăn các món ăn mỹ vị và đã quăng bỏ. Này Sunakkhatta, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có ưa ăn lại món ăn ấy không?

— Bạch Thế Tôn không. Vì sao vậy? Vì rằng, bạch Thế Tôn, món ăn ấy được xem là ghê tởm rồi.

— Cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đã để một bên kiết sử Vô sở hữu xứ. Người ấy cần được hiểu như sau: “Ðây là hạng người không liên hệ với kiết sử Vô sở hữu xứ, thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.

Này Sunakkhatta sự tình này xảy ra, khi ở đây, có số người thiên nặng về chánh Niết-bàn. Ðối với hạng người thiên nặng về chánh Niết-bàn, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thời người ấy không nghe, không lóng tai, và tâm không an trú vào trí giác. Và người ấy không giao thiệp với người mà người mà ấy không thích.

Ví như, này Sunakkhatta, cây tala ngọn cây đã bị chặt đứt không thể lớn được nữa; cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về chánh Niết-bàn, đã cắt đứt kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đã cắt đứt từ rễ, làm cho như cây tala không thể Tái sanh, không thể khởi lên lại trong tương lai. Người ấy cần phải được hiểu như sau: “Ðây là hạng người không liên hệ với kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thiên nặng về chánh Niết-bàn”.”

xem chi tiết:

Kinh Trung Bộ – Tập III – 105. Kinh Thiện tinh (Sunakkhatta sutta)