I. Màra (Tạp 6, Ðại 2,39b) (S.iii,188)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Ràdha đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:
— “Màra, Màra”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là Màra?
4) — Nếu có sắc, này Ràdha, thời có chết (Màra) hay có sát giả (Màretà), hay có sự chết (Miiyati). Do vậy, này Ràdha, Ông hãy thấy sắc là sự chết, hãy thấy là sát giả, hãy thấy là bị chết, hãy thấy là bệnh, hãy thấy là ung nhọt, hãy thấy là mũi tên, hãy thấy là bất hạnh, hãy thấy tự tánh là bất hạnh. Những ai thấy sắc như vậy là thấy chơn chánh.
5-7) … Thọ… tưởng… các hành…
8) Nếu có thức, này Ràdha, thời có chết, hay có sát giả, hay có bị chết. Do vậy, này Ràdha, Ông hãy thấy thức là sự chết, hãy thấy là sát giả, hãy thấy là bị chết, hãy thấy là bệnh hoạn, hãy thấy là ung nhọt, hãy thấy là mũi tên, hãy thấy là bất hạnh, hãy thấy tự tánh là bất hạnh. Những ai thấy thức như vậy là thấy chơn chánh.
9) — Bạch Thế Tôn, chánh quán với mục đích gì?
— Chánh quán, này Ràdha, với mục đích nhàm chán.
10) — Bạch Thế Tôn, nhàm chán với mục đích gì?
— Nhàm chán, này Ràdha, với mục đích ly tham.
11) — Bạch Thế Tôn, ly tham với mục đích gì?
— Ly tham, này Ràdha, với mục đích được Giải thoát.
12) — Bạch Thế Tôn, Giải thoát với mục đích gì?
— Giải thoát, này Ràdha, với mục đích Niết-bàn.
13) — Bạch Thế Tôn, Niết-bàn với mục đích gì?
— Này Ràdha, Ông đi quá xa với câu hỏi này, không thế nắm được giới hạn của câu hỏi. Nhập vào Niết-bàn, này Ràdha, là sự thực hành Phạm hạnh; Niết-bàn là mục tiêu cuối cùng; Niết-bàn là cứu cánh.
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập III – Thiên Uẩn – Chương II – Tương Ưng Ràdha