Tiểu Bộ Kinh – Tập VII

Khuddaka Nikàya

Chuyện Tiền thân Đức Phật (IV)

Jàtaka

Nguyên bản: Pàli

Anh dịch: H.T. Francis, E.B. Cowell & W.H. Rouse

(Pali Text Society – Hội Kinh Tạng Pali, Luân Ðôn, Anh Quốc)

Việt dịch: Nguyên Tâm Trần Phương Lan

(Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam)

-ooOoo-

Chương XII Phẩm Mười Hai Bài Kệ

( tiếp theo 468 – 473 )

-ooOoo-

468. Chuyện Ðại vương Janasandha (Tiền thân Janasandha)

Chúa tể Ja-na nói thế này…,

Chuyên này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về việc giáo hóa Quốc vương Kosala.

Có một thời, dân chúng bảo rằng vua mê đắm quyền lực buông mình vào các ác dục, không trị nước công minh, và ngày càng xao lãng việc đến yết kiến đức Phật. Một ngày kia, vua nhớ đến đấng Thập Lực liền suy nghĩ: “Ta phải đến viếng Ngài.” Vì vậy, sau khi điểm tâm, vua ngự lên chiếc vương xa lộng lẫy, tiến về Tinh xá, Đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Ðức Phật hỏi:

– Thưa Ðại vương, thế nào? Ðã lâu Ðại vương không đến đây?

Vua đáp:

– Bạch Thế Tôn, trẫm quá bận việc nên không có dịp đến đây hầu cận Thế Tôn.

Ðức Phật bảo:

– Thưa Ðại vương, xao lãng việc đến gặp các bậc Chánh Ðẳng Giác như Ta thật là không đúng, Ta là một vị Phật ở ngay một Tinh xá trước mặt, có thể khuyến giáo Ðại vương. Một vị vua phải cai trị sáng suốt, trong mọi phận sự quân vương, đối với thần dân như cha mẹ đối với con, từ bỏ mọi ác đạo, không bao giờ quên lãng Thập vương pháp (Mười Ðức hạnh của một vị vua). Khi một vị vua chân chính, đám triều thần vây quanh cũng chân chính noi gương. Thật thế, nếu theo lời giáo huấn của Ta mà Ðại vương đã phải cai trị chân chính thì cũng không lạ gì. Nhưng còn những bậc hiền tài ngày xưa, ngay cả thời chưa có một bậc Ðạo Sư để giáo hóa vua chúa, mà nhờ Tri kiến riêng của chính mình, các vua đó đã được an trú vào việc thực hành ba thiện nghiệp, Thuyết pháp cho một đám đông dân chúng và cùng các đoàn tùy tùng lên cộng trú với các hội chúng ở Cõi trời.

Cùng với các lời này, theo sự thỉnh cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.

*

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì Ba la nại, Bồ-tát sinh ra làm vị vương tử của chánh hậu. Cha mẹ ngài đặt tên ngài là vương tử Janasandha.

Bấy giờ đến tuổi trưởng thành và trở về từ Takkasilà, nơi ngài đã hoàn tất việc học tập, vua ra lệnh đại xá cho các tù nhân, và phong ngài chức Phó vương. Sau đó khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi vua và ra lệnh xây sáu bố thí đường: tại bốn cổng thành, giữa thành và tại cung môn. Cứ mỗi ba ngày, ngài phân phát sáu trăm ngàn đồng tiền và làm chấn động toàn cõi Diêm-phù-đề vì việc đại bố thí của ngài: ngài mở cửa ngục ra thả hết, phá bỏ những pháp trường, ngài che chở cho mọi người bằng bốn thiện pháp (bố thí, thân ái, công bình, thiện trị); ngài giữ Ngũ giới, hành trì ngày trai giới và cai trị rất công chính. Thỉnh thoảng ngài hội họp quần thần lại và Thuyết pháp cho họ:

– Các khanh hãy bố thí, thực hành Giới đức chân chánh, đi theo công việc và nghề nghiệp của mình, tự giáo hóa mình trong lúc còn tuổi thanh niên, lo làm cho giàu có, đừng cư xử như một tên lừa đảo trong làng hoặc như một con chó, đừng quá khắt khe hoặc thô ác, hãy làm bổn phận với cha mẹ, sống trong gia đình, hãy tôn trọng các bậc trưởng thượng.

Như vậy ngài khuyến khích quần chúng giữ chánh mạng.

Vào một ngày trai giới trăng tròn kia, sau khi đã hành trì ngày trai giới trọn vẹn, ngài tự nhủ: “Ta sẽ Thuyết pháp cho đại chúng để luôn luôn làm tăng trưởng lợi lạc cho họ và khiến họ Tinh cần trong cuộc sống.” Sau đó ngài ra lệnh đánh trống lên, bắt đầu với đám cung phi, sau đó toàn thể dân chúng trong thành tụ tập lại. Tại sân chầu ngài ngự trên một sàng tọa lộng lẫy đặt riêng biệt, dưới một ngôi đình được tô điểm toàn châu báu, và Thuyết pháp bằng những lời này:

– Hỡi dân chúng trong kinh thành, trẫm sẽ tuyên thuyết cho các người nghe những việc gì làm cho các người đau khổ và những việc gì không làm cho các người đau khổ. Hãy tỉnh giác, chú tâm nghe và khéo tác ý.

*

Bậc Ðạo Sư mở miệng ra, đó chính là viên bảo châu giữa tất cả các chiếc miệng ở đời, chứa đầy Chân lý, và với giọng ngọt ngào như mật, ngài giải thích lời nói này với vua Kosala:

  1. Chúa tể Ja-na nói thế này, Có mười điều đúng thật như vầy, Nếu người quên việc thi hành chúng, Thì kẻ đó liền chịu khổ ngay!
  2. Không tạo, chẳng tích trữ đúng thời, Lòng kia giày xéo khổ đau hoài, Về sau hối tiếc vì suy nghĩ: “Không kiếm giàu sang thuở trước rồi!”
  3. Với người không học, sống gian lao! Suy nghĩ, ăn năn, nó khổ sầu: Kiến thức mà nay cần sử dụng, Nó không thèm học trước đi nào!4. Hai lưỡi ngày xưa, chẳng thật thà, Vọng ngôn, ý ngữ chẳng nhân từ: Xưa ta độc ác và cay nghiệt, Nay thấy nhân duyên khổ đó mà. 5. Xưa ta sát hại thật hung tàn, Chẳng một người nào được phát ban, Vì việc đáng khinh này, (tự nhủ), Nay ta phải chịu lắm buồn than.

6. Nó nghĩ, xưa ta lắm thiếp thê, Ta đành mắc nợ đám người kia, Vì ta bỏ chúng theo nàng khác, Việc ấy, nay ta hối tiếc ghê!

7. Xưa đã chứa đầy thức uống ăn, Nay buồn, nó hối tiếc vô ngần, Nghĩ rằng nó chẳng bao giờ cả Thuở trước đem ban bố một lần.

8. Nó khổ vì khi có thể làm, Nó không lo phụng dưỡng chăm nom Mẹ cha nay đã thành già yếu, Tuổi trẻ ngày nay đã lụi tàn.

9. Vì đã khinh thường vị giáo sư, Những người khuyên bảo hoặc ông cha Cố làm nó đạt tròn tâm nguyện, Việc ấy gây đau khổ xót xa.

10. Ðối với Sa-môn quá hững hờ, Nhiều nhà tu khổ hạnh ngày xưa Sống đời thánh thiện và thông thái, Khiến nó ăn năn tự bấy giờ.

11. Khổ hạnh thực thi thật tốt lành, Thiện nhân thường vẫn được tôn vinh, Trước kia nó chẳng làm điều đó, Nay phải buồn khi kể chuyện mình.

12. Mười điều nhờ trí tuệ khôn ngoan, Người thực hiện cho được vẹn toàn, Ðối với mọi người làm phận sự, Sẽ không hề phải chịu ăn năn.

*

Như vậy, cứ mỗi tháng hai lần, bậc Ðại Sĩ thuyết giáo theo đường lối ấy cho đại chúng. Và đại chúng được an trú vào Giáo pháp của ngài và hoàn thành Mười thiện pháp này, nên được sinh lên Thiên giới.

*

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

– Thưa Ðại vương, như vậy các bậc trí nhân ngày xưa, dù chưa được dạy bảo mà chỉ do trí tuệ riêng của mình, đã Thuyết pháp và an trú đại chúng vào con đường đưa đến Thiên giới.

Cùng với những lời này, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Vào thời ấy, các đệ tử của đức Phật là dân chúng và Ta chính là vua Janasandha.

-ooOoo-

469. Chuyện Ðại Hắc Thiên Cẩu (Tiền thân Mahà Kanha)

Chó săn đen sẫm buộc năm dây…,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về sự sống vì lợi lạc cho cõi đời.

Chuyện kể rằng, một ngày kia, trong lúc các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường, họ nói chuyện với nhau. Một vị bảo:

– Này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư bao giờ cũng thực hành từ tâm đối với đại chúng nên đã rời bỏ nơi an trú của Ngài và sống chỉ vì lợi lạc của người đời. Ngài đã đạt Tối thượng trí, song Ngài tự nguyện mangy bát di du hành cả mười tám dặm đường hoặc nhiều hơn nữa. Vì năm vị Trưởng lão ấy (các Tôn giả Kondannas), Ngài đã chuyển Bành xe Pháp; vào ngày mồng năm trong nửa tháng ấy Ngài thuyết Kinh Anattalakkana (Vô Ngã Tướng) và làm cho các vị kia đều đắc Thánh quả A-la-hán. Ngài lại đến Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), và trước các Ðạo Sĩ khổ hạnh bện tóc này (các Tôn giả Kassapa), Ngài thị hiện cho ba ngàn rưởi vị thấy các phép thần thông, cùng thuyết giáo cho các vị ấy gia nhập Tăng chúng; và tại Gayàsìsa (một ngọn núi gần Gayà, nay là Brahmàmayoni), Ngài đã Thuyết pháp về Lửa, khiến cho cả ngàn nhà tu khổ hạnh trong số này đắc Thánh quả A-la-hán. Với Mahà-Kassapa (Ðại Ca-diếp), sau khi Ngài đi cả ba dặm đường để gặp vị ấy và thuyết ba Pháp thoại, Ngài đã truyền Ðại giới cho vị ấy. Rồi một mình sau buổi Thọ trai, Ngài ra đi đến bốn mươi lăm dặm đường để đưa một thiện gia nam tử là Pukkusa vào Tam quả Bất lai. Ngài lại phải đi xa cả hai ngàn dặm để gặp Mahà-Kappina (Ðại Kiếp tân-na) và làm cho vị này đắc Thánh quả. Rồi một mình Ngài vào buổi chiều đi ba mươi dặm đường để đưa con người độc ác tàn bạo đó là Angulimàla (Tướng cướp đeo vòng ngón tay) vào Thánh quả. Ngài đi ba mươi dặm nữa, và đưa Álavaka (một con quỷ ăn thịt người) vào Sơ qủa Dự Lưu cùng cứu hoàng tử thoát nạn (khỏi bị quỷ kia ăn thịt). Ngài an trú trên Cõi trời Ba mươi ba]] suốt ba tháng và giảng toàn bộ Giáo pháp cho tám trăm triệu Thiên tử. Ngài lên cõi Phạm thiên và phá tan tà thuyết của Phạm thiên Baka (số 405. TT Phạm thiên Baka), cùng làm cho mười ngàn vị Phạm thiên đắc Thánh quả. Mỗi năm Ngài du hóa trong ba khu vực, và đối với những ai có đủ căn cơ hiểu đạo, Ngài truyền dạy Tam quy, Ngũ giới và các quả vị khác nhau tùy mức độ khả năng. Ngài còn hành đạo vì lợi lạc của loài Rắn rồng (Nàga) hoặc Kim sí điểu (garula) hoặc nhiều loài khác nữa, theo nhiều phương tiện khác nhau.

Với những lời như trên, các Tỷ-kheo tán thán Công đức trong đời sống của đấng Thập Lực vì lợi lạc của cõi trần gian này. Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong lúc ngồi tại đây. Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:

-Này các Tỷ-kheo, ngày nay ta đã đạt Thắng trí viên mãn và sống vì lợi ích của chúng sinh thì cũng chẳng lạ gì, ví ngay cả xưa kia, khi Ta còn Tham dục, Ta cũng đã sống vì lợi lạc của chúng sinh.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, trong thời đức Phật Chánh Ðẳng Giác Kassapa (Ca-diếp) có một vị vua mệnh danh là Usìnara. Một thời gian rất lâu sau khi đức [[Phật Ca-diếp tuyên thuyết Tứ Ðế (Bốn Sự Thật) và Giải thoát cho nhiều hội chúng khỏi khổ ách, cuối cùng đã nhập vào hội chúng chư Phật an trú trong Niết-bàn (Ðại diệt độ) thì Ðạo pháp đã suy tàn. Tăng chúng tìm kế sinh nhai bằng hai mươi mốt cách phi pháp, họ kết giao với các Tỷ-kheo ni và sinh ra nhiều con cái. Các Tỷ-kheo xao lãng phận sự của Tỷ-kheo. Tỷ-kheo ni cũng xao lãng phận sự của Tỷ-kheo ni, nam Cư sĩ và nữ Cư sĩ cũng vậy, các Bà-la-môn không còn giữ phận sự của Bà-la-môn, phần đông dân chúng theo Mười ác đạo, vì vậy khi Mạng chung, họ đều phải vào các đọa xứ thật đông đảo.

Lúc ấy Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ, nhận thấy không có vị Thiên tử nào mới xuất hiện, ngài nhìn ra cõi trần gian, và thấy Loài Người bị đọa vào các cõi dữ như thế nào, còn Giáo pháp của đức phật đã suy tàn. Ngài tự hỏi: “Ta phải làm gì? – ta nghĩ ra rồi!” Ngài tự nhủ: “Ta sẽ đe dọa Loài Người làm cho đại chúng kinh hãi và khi đại chúng đã kinh hãi, ta sẽ trấn an đại chúng và Thuyết pháp, ta sẽ chấn hưng Ðạo pháp đã suy tàn, ta sẽ làm Ðạo pháp tồn tại một ngàn năm nữa!”

Cùng với quyết định này, ngài biến vị Thần lái xe của Ngài là Màtali thành một con Chó săn đen đủi khổng lồ, loài chó thuần chủng, có bốn nanh lớn như quả chuối, hình thù gớm ghiếc, với cái bụng bự như đàn bà sắp sinh con. Ngài cột con Chó bằng sợi xích năm vòng, cột tràng hoa đỏ lên mình nó và dẫn nó đi bằng một sợi dây. Chính ngài mặc y phục màu vàng, buộc tóc ra đằng sau, quấn tràng hoa đỏ rồi cầm một cây cung khổng lồ với dây cung màu san hô, lắc lư trong tay một cái lao có đầu mũi gắn hạt kim cương, ngài giả dạng một sơn nhân đi xuống, một địa điểm cách kinh thành một dặm.

– Trần gian đang bị tiêu diệt! Trần gian đang bị tiêu diệt!

Ngài thét lớn ba lần để đe dọa mọi người và khi vào đến kinh thành, ngài lại thét lên như vậy. Dân chúng thấy con Chó săn liền kinh hoảng bỏ chạy vào thành tâu trình với vua mọi việc. Vua vội vã truyền lệnh đóng các cổng kinh thành. Song Thiên chủ Ðế Thích nhảy qua bức thành cao mười tám cubit (1 cubit = 45cm) cùng con Chó săn, đứng bên trong kinh thành. Dân chúng hoảng hốt chạy vào nhà đóng cửa thật chặt. Con Chó đen khổng lồ rượt theo người nào nó gặp phải và dọa nạt họ, cuối cùng vào đến tận cung vua. Trong cơn khủng khiếp, dân chúng đi ẩn náu khắp sân chầu, vào tận cung điện và đóng cửa lại.

Còn vua cùng các vương phi đi lên thượng lầu. Hắc thiên cẩu đưa chân đặt vào của sổ và rống lên thật kinh hoàng! Tiếng rống vang dội từ Địa ngục lên đến tận trời xanh cao ngất: cả vũ trụ vang rền tiếng rống đó. Có ba tiếng rống lớn từng vang dậy khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) là: Tiếng rống của vua Punnaka trong chuyện Tiền thân Punnaka, tiếng rống của Long vương Sudassana trong chuyện Tiền thân Bhùridatta và tiếng rống này trong Tiền thân Mahà-Kanha, hay chuyện Ðại Hắc thiên cẩu.

Vua thu hết can đảm đến gần cửa sổ, kêu lớn vào Thiên chủ:

– Này thợ săn kia, sao con Chó của ngươi rống lên thế?

– Vì nó đói.

Vua bảo:

– Ðược, trẫm sẽ ra lệnh đem thức ăn cho nó.

Thế là vua ra lệnh đem thức ngự thiện của ngài cùng thức ăn trong cả cung điện. Con Chó hình như chỉ ngoạm một miếng là hết tất cả, xong lại gào thét. Vua hỏi nữa.

– Con chó còn đói. Thiên chủ đáp.

Sau đó vua bảo đem thức ăn của voi, ngựa ra cho nó. Nó cũng ăn trọn lập tức; vua lại phải lấy hết thức ăn trong kinh thành ra cho nó; con Chó cứ nuốt trửng hết như trên rồi gào thét nữa. Vua bảo:

– Ðây không phải chó. Chắc chắn là con quỷ dữ. Ta muốn xem nó từ đâu đến.

Lòng kinh hãi, vua ngâm vần kệ đầu hỏi:

1.Chó săn đen sẫm buộc năm dây, Nanh trắng nhe ra cả miệng này, Oai vệ gây kinh hoàng dữ dội, Nó làm gì được với người đây?

Nghe vậy Ðế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ thứ hai:

  1. Chó đen chẳng đến để săn mồi, Song nó làm công dụng trị người, Ðại đế U-si này, phải biết. Khi ta thả lỏng nó ra thôi.

Lúc ấy vua bảo:

– Sao, thợ săn, chó này sẽ xé xác hết mọi người hay chỉ xé những kẻ thù của ngươi thôi?

– Tâu Ðại vương, chỉ những kẻ thù của tiểu thần thôi.

– Vậy ai là kẻ thù của ngươi?

– Tâu Ðại vương, những kẻ nào thích gian tà và theo đường ác.

Vua bảo:

– Hãy tả bọn chúng ra cho ta nghe.

Vị Thiên chủ liền tả bọn chúng qua các vần kệ:

  1. Giả làm Tăng chúng, bát trong tay, Mình khoác chiếc y, cạo tóc này, Lại muốn theo nghề cày ruộng đất, Thì ta sẽ thả Chó đen ngay.
  2. Khi nào Ni chúng Giáo đoàn này, Ðắp một chiếc y, cạo tóc vầy, Lại thấy đua chen đời thế tục, Thì ta sẽ thả Chó đen đây.
  3. Khi nhà tu lại muốn cho vay Nặng lãi, môi trên chẫu thật dài, Cả miệng răng hôi, đầu tóc bẩn, Thì ta sẽ thả Chó đen này.6. Giáo sĩ không kinh thánh, lễ đàn, Lại dùng hết cả mọi tài năng Tế đàn vì chí ham tiền của, Lúc ấy ta liền thả Chó săn. 7. Nay đã già nua, nhị lão thân Ðến thời tàn tạ hết ngày xuân, Nó không cấp dưỡng dù dư sức, Chống nó, ta liền thả Chó săn!

8. Kẻ nào đối với mẹ cha già Nay đến lúc tàn, xuân đã qua, Kêu:”Các người kia, đồ ngốc dại!” Chống y, ta thả Chó săn ra.

9. Khi đàn ông tán vợ người ta, Vợ của thầy hay của bạn nhà, Em của cha mình hay vợ cậu, Thì ta liền thả Chó đen ra.

10. Khi mộc trên vai, kiếm dưới tay, Làm quân cường đạo, vũ trang đầy, Chiến trường giết hại, và ăn cướp, Ta sẽ thả ra Hắc cẩu này.

11. Con trai bà góa dưỡng da ngà, Vô dụng không tài giỏi việc nhà, Lực lưỡng, chỉ gây trò đánh lộn, Thì ta sẽ thả Chó săn ra.

12. Khi tâm người chứa rẫy ý tà, Những kẻ dối gian, chẳng thật thà, Quanh quẩn vào ra trong thế giới, Thì ta sẽ thả Chó đen mà.

– Những người này là kẻ thù của ta, tâu Ðại vương!

Ngài làm thể như sắp thả Chó xổ ra xé những kẻ nào làm các hành động của cừu nhân. Song trong lúc cả đám đông đang kinh hoàng, ngài cầm lấy dây xích chó, làm như thể buộc chặt nó vào chỗ đó, rồi ngài trút bỏ bộ dạng thợ săn, dùng Thần lực bay lên đứng trên không, sáng rực rỡ, và bảo:

– Này Ðại vương, ta là Ðế Thích Thiên chủ, vì thấy trần gian sắp bị hủy diệt nên ta đến đây. Quả thật bây giờ người chết đọa vào các cõi khổ đầy rẫy, vì chúng làm toàn chuyện độc ác, còn Thiên giới thì trống vắng. Từ nay ta sẽ biết cách trừng trị bọn gian ác, song các người phải cố gắng Tinh cần.

Rồi sau khi Thuyết pháp trong bốn vần kệ đáng ghi nhớ và hướng dẫn dân chúng vào các Công đức thiện sự như bố thí, ngài tăng cường uy lực của Giáo Pháp đang suy tàn để Giáo pháp được tồn tại thêm một ngàn năm nữa, rồi ngài cùng Thần Màtali trở lại cõi của ngài.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này. Ngài nói thêm:

-Này các Tỷ-kheo, như vậy ngày xưa cũng như nay, Ta đã sống vì lợi lạc của cõi đời.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

– Vào thời đó, ÁNanda là Màtali và ta là Ðế Thích Thiên chủ.

-ooOoo-

470. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền thân Kosiya)

Chuyện phú ông keo kiệt sẽ được kể trong số 535. Tiền thân Thực phẩm Thiên giới (Sudhàbhojana), Tập VI.

-ooOoo-

471. Chuyện Con Dê (Tiền thân Mendaka)

Chuyện con dê sẽ được kể trong số 546, Tiền thân Ðường Hầm Lớn (Mahà Ummagga). Tập VII.

-ooOoo-

472. Chuyện Vương Tử Liên Hoa (Tiền thân Mahà – Paduma)

Vua chẳng nên trừng phạt tội hình…,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tai Kỳ Viên về Ciddamànavikà (người đã vu cáo đức Phật về việc thông gian).

Khi đấng Thập Lực mới đạt Vô thượng Chánh Ðẳng Giác, sau đó chúng đệ tử này càng đông đảo, vô số Chư ThiênLoài Người đã được sinh lên Thiên giới, hạt duyên lành gieo rắc khắp nơi, nên Ngài được uy danh lừng lẫy và lễ vật Cúng dường cao trọng. Bọn ngoại đạo tà giáo chẳng khác nào bầy đom đóm sau buổi bình minh, họ chẳng còn danh vọng, lợi dưỡng Cúng dường nữa; họ liền ra giữa đường hét lớn vào đám dân chúng:

– Nay sao, Sa-môn Gotama là bậc Giác ngộ à? Chúng ta cũng là những bậc Giác ngộ. Chỉ có các lễ vật Cúng dường cho vị ấy mới mang lại kết quả lớn sao? Những vật Cúng dường cho chúng ta cũng mang lại kết quả lớn cho các ngươi. Vậy các ngươi hãy Cúng dường cho chúng ta, phục vụ chúng ta nữa chứ?

Song dù họ kêu gào mãi, họ cũng chẳng hưởng được danh vọng lợi dưỡng nào cả. Sau đó họ bí mật họp nhau lại, và bàn bạc vấn kế:

– Làm thế nào ta có thể gây ô nhục cho sa môn Gotama trước mặt công chúng để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng Cúng dường của ông ấy đây?

Lúc bấy giờ tại Xá-vệ có một cô gái kia tên là Cincamànavikà, vẻ đẹp tuyệt trần, dáng kiều diễm mảnh mai, như một nữ thần, ánh sáng như tỏa ra từ thân thể nàng. Có người bày mưu kế ác độc như sau:

– Nhờ Cincamànavikà giúp sức, ta có thể gây ô nhục cho Sa-môn Gotama và chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà ông đang hưởng.

– Phải lắm, cả bọn đồng ý. Ta phải làm cách ấy đấy.

Khi nàng ấy đến chỗ tu hành của bọn ngoại đạo tà giáo, Đảnh lễ họ rồi đứng yên, bọn tà đạo sư không nói gì với nàng cả. Nàng hỏi:

– Con có lỗi gì chăng? Con đã chào các Tôn giả ba lần rồi.

Nàng lại bảo:

– Thưa các Tôn giả, tại sao các vị không nói gì với con?

Họ đáp:

– Này chị, chị có biết Sa-môn Gotama đang du hành qua đây và làm hại chúng ta, làm mất hết mọi danh vọng và lợi dưỡng Cúng dường mà chúng ta đã được hưởng trước kia chăng?

– Thưa các Tôn giả, con không biết việc đó, nhưng con có thể làm gì được?

– Này chị, nếu chị muốn chúng ta được tốt lành thì hãy tự mình gây ô nhục cho Sa-môn Gotamađể chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà vị ấy đang hưởng.

Nàng đáp:

– Thưa các Tôn giả, được lắm, xin để việc ấy cho con đừng lo lắng gì nữa.

Nói vậy xong nàng từ giã ra đi.

Sau đó nàng dùng mọi xảo thuật của nữ nhân để đánh lừa người đời. Khi dân chúng ở Xá-vệ nghe Pháp xong và ra về từ Kỳ Viên, nàng lại thường đi về phía Kỳ Viên, khoác chiếc y nhuộm màu đỏ yên chi, tay cầm vòng hoa thơm ngát. Khi có ai hỏi nàng:

– Ði đâu vào giờ này?

Nàng thưởng trả lời:

– Các vị có liên quan gì đến việc tôi di, tôi về mà hỏi?

Nàng cứ ở lại ban đêm trong am thất của bọn tà đạo sư ấy, sát gần Kỳ Viên, rồi đến sáng sớm mai, khi các Cư sĩ cận sự của Tăng chúng từ kinh thành đến Đảnh lễ Tăng chúng buổi sáng, nàng thường hay gặp gỡ họ như thể nàng đã ở lại ban đêm tại Kỳ Viên rồi đi về kinh thành. Nếu có ai hỏi nàng đã ở lại nơi đâu, nàng liền trả lời:

– Tôi ở lại nơi đâu thì có việc gì đến các vị?

Song sau chừng sáu tuần lễ, nàng đáp:

– Tôi ở ban đêm tại Kỳ Viên với Sa-môn Gotama trong Hương phòng.

Các người ngoại đạo bắt đầu thắc mắc không biết việc ấy có đúng chăng. Sau chừng ba bốn tháng, nàng lại quấn nhiều lớp vải quanh bụng, làm vẻ như thể nàng đang có thai, và khoác áo choàng đỏ ra ngoài. Rồi nàng tuyên bố là nàng có thai với Sa-môn Gotama khiến cho đám người ngu si mù quáng tin theo lời. Sau chừng tám chín tháng nàng cột quanh người những miếng gỗ cuộn thành bó, khoác áo đỏ phủ lên, lấy xương hàm của bò đập vào tay chân thân thể cho sưng phồng to, và làm ra dáng mệt mỏi.

Một buổi chiều khi đức Như Lai đang ngồi trên bảo tọa Thuyết pháp, nàng bước vào giữa hội chúng, đứng trước mặt đức Như Lai và nói:

– Này Ðại sa-môn, quả thực Ngài đang Thuyết pháp cho nhiều hội chúng; giọng nói của Ngài thật êm ái, nhưng Ngài đã làm cho tiện thiếp có thai và ngày sanh đã gần kề, tuy thế Ngài không sắp đặt phòng bảo sanh cho thiếp, Ngài không cho thiếp bơ tươi hay dầu ăn gì cả. Những việc tự Ngài không muốn làm, Ngài cũng không nhờ một người Cư sĩ nào làm thay thế, như vua Kosala, Ông Cấp Cô Ðộc hay nữ cận sự Visàkhà. Tại sao Ngài không bảo một người trong các vị ấy làm những việc cần cho thiếp? Ngài biết cách hưởng dục lạc, song lại không biết cách chăm sóc cái kết quả sẽ phát sinh từ đó!

Thế là nàng ta phỉ báng đức như Lai giữa đại chúng như một người cố ném bùn làm vấy bẩn mặt trăng. Ðức Như Lai ngưng thuyết giảng và thét lên như tiếng rống Sư tử vang dội khắp nơi:

– Này chị, những điều chị vừa nói đúng hay sai, chỉ mình Ta và chị biết thôi.

Nàng đáp:

– Ðúng thế, quả thực vậy, việc này xảy ra như thế nào, chỉ mình Ngài và thiếp biết thôi.

Ngay lúc ấy chiếc ngai vàng của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Khi xem xét kỹ, ngài thấy rõ lý do: “Nàng Cincamànavikà đang vu cáo đức Như Lai về một việc không có thực.” Ngài quyết định làm sáng tỏ vấn đề này, liền cùng bốn Thiên thần đi đến đó. Các Thiên thần giả dạng bầy chuột đồng lập tức cắn sợi dây cột bó gỗ kia, rồi một cơn gió thổi tốc lên chiếc y đỏ nàng mặc, bó gỗ lộ ra và rơi xuống chân nàng, các ngón chân nàng đều bị đứt lìa cả. Ðại chúng la lớn:

– Một con mụ phù thủy đang vu cáo bậc Chánh Ðẳng Giác.

Ðại chúng liền khạc nhổ lên đầu nàng, lấy gậy gộc, đất đá xua đuổi nàng ra khỏi Tinh xá Kỳ Viên. Khi nàng đi khuất tầm mắt của đức Như Lai, đại địa liền há miệng ra thành một đường nứt khổng lồ, đám lửa từ dưới Địa ngục thấp nhất bốc lên khiến nàng bị bao vây giữa đám lửa như thể trong chiếc hồng y hôn lễ mà đám bạn sẽ phủ lên nàng, rồi nàng rơi xuống tầng Địa ngục thấp nhất, và Tái sinh tại đó. Danh vọng và lợi dưỡng của đám tà sư vẫn tiêu tan, còn danh và lợi dưỡng củađấng Thập Lực lại tăng trưởng dồi dào hơn nữa.

Ngày hôm sau, Tăng chúng bàn luận trong Chánh pháp đường:

– Này hiền hữu Tỷ-kheo, cô ả Cincamànavikà đã vu cáo đức Phật Chánh Giác với Công đức cao cả xứng đáng mọi lễ vật Cúng dường, và cô ả đã bị đọa đày khủng khiếp!

Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì khi ngồi tại đây. Ðại chúng trình với Ngài. Ngài bảo:

– Không phải chỉ bây giờ nữ nhân này mới vu cáo Ta rồi bị tiêu diệt thảm khốc, mà ngày xưa cũng vậy.

Nói xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta. trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm vương tử của chánh hậu. Vì thấy dung mạo của Bồ-tát đầy đủ phước lành như đóa sen nở, vua đặt tên Ngài là Paduma-Kumara nghĩa là vương tử Liên Hoa. Khi lớn lên ngài được dạy đầy đủ mọi ngành học thuật. Lúc đó bà chánh hậu qua đời, vua lại sắc phong một vương hậu khác và phong cho ngài làm phó vương.

Sau đó vua sắp sửa lên đường đi dẹp loạn ở biên địa liền phán bảo vương hậu:

– Này ái khanh, hãy ở lại đây trong lúc trẫm đi dẹp loạn biên cương.

Song nàng đáp:

– Tâu Chúa thượng, không được đâu, thiếp không muốn ở lại mà thiếp xin đi theo hầu Chúa thượng.

Vua liền chỉ cho nàng thấy nỗi nguy hiểm ở chiến trường và nói thêm:

– Nàng hãy ở lại đây đừng lo buồn vì cho đến khi trẫm hồi cung, trẫm sẽ giao phó thái tử Paduma trọng trách chăm sóc mọi việc cần làm cho ái khanh rồi trẫm sẽ đi.

Nói vậy xong vua lên đường.

Khi ngài đã đánh tan kẻ thù, bình định đất nước, ngài trở về cắm trại ngoài kinh thành. Bồ-tát biết tin vua cha trở về liền trang hoàng kinh thành thật rực rỡ, rồi canh phòng cẩn mật cung điện, xong xuôi một mình ngài lên đường đón phụ vương. Vương hậu quan sát diện mạo khôi ngô của ngài, liền đem lòng say mê ngài. Khi giã từ vương hậu, ngài bảo:

– Tâu mẫu hậu, vương nhi có thể làm gì cho mẫu hậu được chăng?

Nàng bảo:

– Chàng gọi thiếp là mẫu hậu ư?

Rồi nàng đứng lên nắm hai tay ngài bảo:

– Chàng hãy nằm trên vương sàng của thiếp.

– Ðể làm gì? Ngài hỏi.

– Chúng ta hãy tận hưởng lạc thú ái ân cho đến khi đức vua trở về.

– Tâu mẫu hậu, mẫu hậu là mẹ của thần nhi, và mẫu hậu đang còn có phụ vương đây. Chưa bao giờ thần nhi nghe chuyện một nữ nhân, một kế mẫu, lại phá bỏ đạo lý đi theo dục lạc xác thịt như thế. Làm sao thần nhi có thể phạm tội lỗi ô uế như vậy với mẫu hậu được?

Nàng nài nỉ ngài hai ba lần, ngài vẫn từ chối, nàng liền bảo:

– Thế ngươi không chịu làm như ta bảo ư?

– Quả thật thần nhi không chịu!

– Vậy thì ta sẽ tâu trình vua cha ra lệnh chém đầu ngươi đi!

Bồ-tát bảo:

– Xin cứ làm như ý mẫu hậu.

Rồi Ngài bỏ đi, để nàng lại đó, lòng đầy hổ thẹn nhục nhã. Rồi trong lúc qua kinh hoàng, nàng suy nghĩ: “Nếu vương tử đi nói chuyện với vua cha trước ta thì ta sẽ không sống nổi đâu. Vậy chính ta phải lo nói trước với ngài.”

Thế là nàng không đụng tới các món ngự thiện, mà khoác vào chiếc hoàng y lấm lem, lại lấy móng tay cào sướt cả người, rồi ra lệnh cho cung nữ:

– Hễ giờ nào đức vua hỏi vương hậu ở đâu thì hãy tâu là lệnh bà bị bệnh.

Rồi nàng nằm xuống, giả vờ đau ốm.

Lúc bấy giờ vua uy nghi diễu quanh kinh thành theo hướng bên hữu rồi vào cung thất. Khi ngài không thấy nàng, ngài hỏi:

– Chánh hậu đâu rồi?

Chúng đáp:

– Muôn tâu, lệnh bà đang bị bệnh.

Ngài liền vào nội cung, hỏi nàng:

– Ái hậu có việc gì bất an chăng?

Nàng cứ làm như thể không nghe gì cả. Vua hỏi đến đôi ba lần nàng mới đáp:

– Tâu Ðại vương, ngài hỏi làm gì thế? Xin Ðại vương hãy im lặng: phụ nữ xuất giá đều phải chịu cảnh như thân thiếp cả.

– Ai đã làm phiền lòng ái hậu? Vua bảo: – Nói nhanh lên rồi trẫm sẽ hạ lệnh chém đầu nó.

– Thế Ðại vương đã để lại kẻ nào thay Ðại vương trong kinh thành này, khi Ðại vương ra đi?

– Vương tử Paduma.

Nàng nói tiếp:

– Và thế là vương tử vào phòng của thiếp, thiếp liền hỏi: “Này vương nhi đừng làm vậy, ta là mẫu hậu của vương nhi”.

Nhưng vương tử kêu lên: “Không ai là đức vua ở đây trừ ta. Vậy ta sẽ đưa nàng về cung thất của ta và hưởng ái ân với nàng”.

Rồi vương tử nắm lấy tóc thiếp cứ kéo nhổ ra mãi, và do thiếp không chiều theo ý vương tử nên vương tử đánh đập thiếp trọng thương rồi bỏ đi.

Vua không cần điều tra sự việc mà nổi cơn thịnh nộ lên như con mãnh xà, liền ra lệnh cho quân sĩ:

– Bây đãu đi trói vương tử Paduma rồi đem lại đây cho trẫm.

Họ liền đi đến cung thất của ngài, đông đảo lũ lượt kéo qua kinh thành, trói ngài lại, đánh đập, cột chặt hai tay ngài ra sau lưng, quấn quanh cổ ngài một vòng hoa đỏ của một tên tử tội, rồi dẫn ngàiđến cung, vừa đi vừa đánh đập. Ngài biết rõ việc này là do vương hậu gây ra, nên trong khi ngài vừa đi, ngài vừa kêu lớn:

– Này các ngươi, ta không làm tội gì chống lại đức vua cả. Ta vô tội.

Cả kinh thành vang dội tin dữ: “Chúng bảo vua sắp hành hình thài tử theo lệnh một nữ nhân đấy!”

Dân chúng ùa tới quỳ dưới chân thái tử mà kêu khóc vang lừng:

– Chúa công ơi! Ngài không đáng bị trừng phạt như thế này!

Cuối cùng họ đem ngài đến trước vua. Vừa chợt thấy mặt ngài, vua không đè nén được những gì đang chất chứa trong lòng, liền kêu lớn:

– Kẻ này không phải là vua, song đã làm thế công việc của vua cha rất hoàn hảo, đó là vương nhi của ta, tuy vậy nó đã xúc phạm vương hậu. Bây hãy lôi cổ nó đi, đem thả xuống vực của bọn trộm cướp cho nó chết đi.

Nhưng vương tử tâu:

– Tâu phụ vương, con không hề phạm tội ấy. Xin đừng giết con vì lời của một nữ nhân.

Vua vẫn không nghe theo ngài, rồi toàn thể mười sáu ngàn cung phi ở chốn hậu cung đồng cất tiếng khóc than vang dội:

– Ôi vương tử Paduma thân yêu, vương tử Paduma hùng dũng, ngài không đáng bị đối xử như thế này.

Kế đó tất cả các tướng quân và các lãnh chúa, cùng các vị đại thần đều kêu lớn:

– Tâu Chúa thượng, vương tử là người hiền thiện và Đức hạnh, vẫn giữ đúng truyền thống của dòng dõi ngài, là bậc kế vị trên ngai. Xin đừng giết ngài theo lời một nữ nhân mà không chịu nghe tâu trình gì cả. Phận sự một minh quân là phải hành động hết sức cẩn trọng.

Nói vậy xong, hội chúng liền ngâm bảo vần kệ:

  1. Vua chẳng nên trừng phạt tội hình Mà không nghe lý lẽ phân minh, Cũng không tự xét suy cho kỹ Mọi mặt, dù to, nhỏ thật tình.
  2. Tướng quân trừng phạt lỗi lầm sai Trước lúc đem ra xử hẳn hòi, Giống kẻ sinh ra mù cặp mắt, Ăn toàn xương xẩu lẫn đàn ruồi.
  3. Ai phạt kẻ không có tội gì, Ðể người có tội lọt qua đi, Khác gì hơn một người mù mắt Bụi trên đường cái quá gồ ghề.4. Người xét xem toàn thể sự tình Trong việc dù to, nhỏ thật rành, Cai trị nước nhà theo cách ấy Xứng ngôi chúa tể giữa quần sinh. 5. Người nào ở địa vị cao sang Xử sự không nên quá dễ dàng, Cũng chẳng nên làm khe khắt quá, Song song thực hiện cả đôi đàng.

6. Quá dễ dàng hay bị miệt khinh, Khắt khe thường nổi trận lôi đình, Giữa hai điều ấy cần thông hiểu Và giữ đường trung chính hợp tình.

7. Người đang nổi giận, hỡi Quân vương, Cũng nói nhiều như kẻ bất lương, Và thế là đừng vì phụ nữ, Giết vương nhi nối dõi tông đường.

Song dù nói hết mọi cách, quần thần vẫn không thuyết phục được vua theo lời họ. Bồ-tát cũng vậy, đã dùng hết mọi lời lẽ van xin nhưng không làm vua cha nghe theo ngài; không, vua thật ngu si mù quáng phán bảo:

– Lôi cổ nó đi thả xuống vực sâu dành cho bọn trộm cướp.

Rồi vua ngâm vần kệ thứ tám:

  1. Cả nước này đang đứng một bên, Bên kia ái hậu một mình riêng, Với nàng, tuy vậy, ta khăng khít, Thả nó vào hang, hãy cút liền!

Nghe các lời lẽ ấy, không ai giữa đám mười sáu ngàn phi tần đứng yên được trong khi toàn thể thần dân đưa tay lên vò đầu bứt tóc và kêu than khóc lóc. Vua phán:

– Ðừng để bọn này cản trở việc quẳng tên kia xuống vực sâu.

Rồi giữa đám quần thần, và dân chúng vây quanh than khóc, vua cứ ra lệnh tóm lấy vương tử quẳng lộn nhào xuống vực sâu.

Lúc ấy vị thần trú ngụ ở trên đồi ấy dùng uy lực nhân từ an ủi vương tử, bảo:

– Hỡi Paduma, xin ngài đừng sợ hãi.

Vị thần đưa cả hai tay ra đón lấy ngài, ôm chặt ngài vào lòng mình, truyền qua thân thể ngài một niềm xúc động kỳ diệu, đem ngài vào nơi cư trú của bầy rắn gồm tám loại, dưới quyền của vị Xà vương. Vị Rắn chúa đón Bồ-tát vào hang rắn, song lại chia cho ngài một nửa giang sơn vinh hiển, và ngài ở đó một năm tròn. Rồi sau đó ngài bảo:

– Ta muốn trở về cõi nhân gian.

Chúng hỏi:

– Ðến nơi đâu?

– Ðến Tuyết Sơn, nơi ta muốn sống đời tu hành.

Xà vương chấp thuận, mang ngài đi đến tận nơi có Loài Người đi qua lại, trao cho ngài đủ mọi vật dụng cần thiết của đời tu hành, rồi trở về chốn cũ.

Thế là ngài tiến lên vùng Tuyết Sơn, đi theo cuộc đời đạo hạnh, tu tập năng lực Thiền định đem đến an lạc, ngài ở đó nuôi sống mình bằng các thứ củ quả rừng.

Lúc bấy giớ có một người kiểm lâm ở Ba la nại, đi đến chốn ấy, và nhận ra bậc Ðại Sĩ. Gã bảo:

– Tâu Chúa công, có phải chăng ngài là thái tử Paduma vĩ đại?

Ngài đáp:

– Chính phải, thưa tôn ông.

Kẻ kia Đảnh lễ ngài và ở lại chơi vài ngày. Sau đó y trở về Ba la nại, trình với vua:

– Tâu Chúa thương, thái tử đã theo cuộc đời tu hành ở vùng Tuyết Sơn, hiện đang sống trong am lá. Hạ thần đã đến tận đó ở với ngài và trở về đây.

Vua hỏi:

– Ngươi chính mắt trông thấy thái tử chăng?

– Tâu Chúa thượng, chính phải.

Vua liền cùng đám đông tùy tùng đến đó, đóng trại ở ven rừng rồi cùng vài cận thần đi đến Đảnh lễ bậc Ðại Sĩ lúc ấy đang ngồi ở ngưỡng cửa am trong mọi vẻ uy nghi rực rỡ, còn vua ngồi xuống một bên; các cận thần cũng Đảnh lễ ngài với lời lẽ rất thân ái, xong cùng ngồi một bên cả. Về phần bậc Ðại Sĩ, ngài mời vua dùng trái rừng và đàm đạo rất vui vẻ với vua. Sau đó vua hỏi:

– Này vương nhi, con bị ta thả xuống vực sâu, làm cách nào mà còn sống sót được?

Và vua ngâm vần kệ thứ chín để hỏi chuyện đó:

  1. Con bị thả vào miệng vực sâu, Bên sườn núi dựng, dốc đèo cao, Chẳng ai cứu giúp, rừng dừa rậm, Con vẫn bình an bởi cách nào?

Sau đây là những câu kệ còn lại gồm năm vần xen kẽ nhau: ba vần do Bồ-tát ngâm và hai vần do vua ngâm.

Vương tử:

  1. Một mãnh xà kia đủ lực hùng Sinh ra sống dưới đất trong rừng, Bắt con cuộn lấy trong mình rắn, Con được bình an, thoát tử thần.

Vua cha:

11.Cha sẽ đưa con, hỡi thiếu nhi, Quay về cung điện của cha đi, Con làm gì nữa trong rừng núi, Hạnh phúc con nay sẽ trị vì.

Vương tử:

  1. Kẻ nào đã nuốt móc mồi câu, Khi kéo móc ra, máu đỏ trào, Kéo được móc rồi là Hạnh phúc, Lòng con hỷ lạc tuyệt thanh cao.

Vua cha:

  1. Sao con nói đến móc mồi câu? Con nói vậy sao đến máu đào? Con lại nói sao về rút móc? Cha nay muốn biết việc kia nào?

Vương tử:

  1. Dục tham là chính móc mồi câu, Con nói ngựa voi, chính máu đào, Con rút ra nhờ lìa thế tục, Cha cần biết chuyện ấy, muôn tâu.

– Tâu Ðại vương, như vậy việc làm vua không có nghĩa gì đối vối con cả. Song Ðại vương phải chú tâm đừng vi phạm Thập vương pháp mà phải từ bỏ các ác nghiệp và trị dân thật chân chính.

Bậc Ðại Sĩ khuyến giáo vua cha qua những lời đó. Vua vừa than khóc vừa từ giã ra đi, và trên đường về kinh, vua hỏi các cận thần:

– Vì ai mà ta phải chia lìa với một người con đức độ như thế?

Hội chúng đáp:

– Chính vì vương hậu.

Vua liền ra lệnh băt vương hậu thả xuống vực sâu dành cho bọn trộm cướp, rồi vào thành cai trị theo đúng Chánh pháp.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

– Này các Tỷ-kheo, như vậy nữ nhân này đã vu cáo Ta thuở xưa, và phải chịu hủy diệt thương đau.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân bằng cách ngâm vần kệ cuối cùng:

  1. Kế mẫu ta là ả Cin-ca, Ðề-bà-đạt, ấy chính vua cha, Ta là thái tử Liên Hoa nọ, Còn vị thần non thuở ấy là Xá-lợi-phất giờ đây Trưởng lão, Thiện xà chúa nọ A-nan-đà, Và này Tăng chúng, Ta tuyên bố Kết thúc Tiền thân ấy của ta.

-ooOoo-

473. Chuyện Bạn – Thù (Tiền thân Mitàmitta)

Làm sao người trí phải Tinh cần…,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một vị triều thần chánh trực của vua Kosala.

Tương truyền rằng vị quan này rất có công với vua, và sau đó vua ban tặng ông vinh hiển tột bực. các vị quan khác không thể nào chịu đựng việc ấy được, nên vu cáo với vua đã làm những việc xúc phạm đến vua. Ngài cho điều tra về vị ấy và thấy ông không có lỗi gì cả, liền suy nghĩ: “Ta không thấy người này phạm lỗi gì cả, làm sao ta biết được đó là bạn hay thù?” Rồi vua lại nghĩ: “Không có ai ngoài đức Như Lai có đủ khả năng quyết đoán vấn đề này; vậy ta đi tham vấn ngài xem sao.”

Thế là sau khi điểm tâm xong, vua đến viếng bậc Ðạo Sư và thưa:

– Bạch Thế Tôn, làm sao ta có thể phân biệt một người nào là bạn hay thù của ta?

Lúc bấy giờ bậc Ðạo Sư đáp:

– Thưa Ðại vương, những người khôn ngoan ngày xưa đã suy nghĩ về vấn đề này và đã hỏi các bậc hiền trí, rồi theo lời khuyến giáo của các vị ấy mà tìm ra chân lý, lánh xa các cừu nhân và chú tâm đến các bạn lành.

Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vua, ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khu vua Brahmadatta trị vì ở Ba la nại, Bồ-tát là vị cận thần khuyến giáo vua về thế sự cũng như thánh sự.

Thời ấy, đám triều thần kia vu cáo một vị quan chính trực. Vua thấy vị ấy không có lỗi gì liền hỏi bậc Ðại Sĩ:

– Này, bằng cách nào ta có thể phân biệt bạn và thù?

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ nhất:

  1. Làm sao người trí phải Tinh cần, Phân biệt làm sao được thực chân, Những việc làm nào tai mắt thấy Tỏ rằng kẻ ấy chính cừu nhân?

Lúc ấy bậc Ðại Sĩ ngâm măn vần kệ này để giải thích các dấu hiệu của một kẻ thù:

  1. Khi ngài thăm, nó chẳng tươi cười, Nó chẳng tỏ ra muốn đón mời Nó chẳng quay nhìn theo cách ấy, Và trả lời không có với ngài.
  2. Kẻ thù ngài, nó lại tôn vinh, Bạn thiết của ngài, nó miệt khinh, Nó cản người khen ngài tốt đẹp, Những người phỉ báng, nó hoan nghênh.
  3. Nó chẳng hề tâm sự mảy may, Chuyện ngài tâm sự, nó phơi bày, Việc ngài làm, chẳng hề khen tốt, Cũng chẳng hề khen trí tuệ ngài.5. Khi ngài Hạnh phúc nó không mừng, Ô nhục ngài mang, nó thỏa lòng, Nếu được món ngon, không nghĩ tới Tên ngài, trong dạ chẳng buồn thương, Cũng không kêu lớn: ô này bạn, Ta ước bạn ta cũng có phần! 6. Mười sáu điều trên, cớ rõ ràng Cho ngài thấy được một cừu nhân, Nếu người có trí nào nghe thấy, Sẽ biết kẻ thù để nhận chân.

7. Làm sao người trí phải Tinh cần Phân biệt làm sao được thực chân, Các việc làm nào tai mắt thấy Tỏ ra người ấy chính thân bằng?

Khi được hỏi qua lời kệ trên, vị quan liền ngâm các vần kệ còn lại:

  1. Kẻ ấy nhớ người lúc vắng xa, Mừng vui khi bạn trở về nhà, Trong lòng hoan hỷ lên cao độ, Chàng cất tiếng liền đón rước ta.
  2. Chàng chẳng tôn vinh kẻ chống ngài, Chỉ ưa phụng sự bạn ngài thôi, Những ai phỉ báng, chàng ngăn cản, Ai tán tụng ngài, lại thấy vui.
  3. Chàng kể nhiều tâm sự với ngài, Chuyện ngài tâm sự, chẳng phơi bày, Ðề cao những việc ngài làm được. Khen ngợi tài năng bạn thật hay.11. Chàng khổ lòng khi bạn ố danh Chàng vui khi nghe bạn được an lành Nếu được gì cao lương mỹ vị, Chàng liền nghĩ đến bạn thân mình, Cảm thương ngài quá, chàng kêu lớn: Ta ước ao phần bạn được dành! 12. Mười sáu điều trên ấy chứng minh, Rõ ràng xác định bạn thân tình, Nếu người có trí nào nghe thấy, Có thể nói ngay bạn chí thành.

Vua hoan hỷ nghe lời thuyết giảng của bậc Ðại Sĩ, nên ban tặng ngài vinh quang tột đỉnh.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:

– Thưa Ðại vương, như vậy vấn đề này nảy sinh từ ngàn xưa và các bậc trí nhân dạy bảo: Nhờ ba mươi hai biểu hiện trên mà Ta có thể biết được bạn hay thù.

Cùng với các lời này Ngài nhận diện Tiền thân:

– Vào thời ấy [[ÀNanda là vua và Ta chính là vị triều thần hiền trí.