Ðại Tạng Kinh Việt Nam
**Tiểu Bộ Kinh
Khuddaka Nikàya**
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập I
Kinh Tập
Sutta Nipata
Chương Bốn – Phẩm Tám
(VI) Kinh Già (Sn 158)
- Sinh mạng này ngắn thay, Trong trăm năm, rồi chết, Nếu ai sống hơn nữa, Rồi cũng chết vì già.
- Loài Người sầu vì ngã, Mọi chấp thủ Vô thường, Trống không là đời này, Thấy vậy sống không nhà.
- Vì Loài Người nghĩ rằng Cái này là của tôi, Cái ấy bị sự chết, Làm hoại diệt hư tàn. Biết vậy, bậc Hiền trí, Không gọi, không hướng đến, Cái này ngã của ta, Cái này là của ta.
- Như những gì hiện lên, Trong giấc ngủ mộng mị, Con người khi tỉnh dậy, Không còn thấy được gì. Cũng vậy ở đời này, Người được ưa, ái luyến, Rồi sẽ chết mất đi, Không ai còn thấy được.
- Các loại hạng người ấy Ðược thấy và được nghe, Nên họ được gọi tên, Tên này hay tên khác. Với người đã chết đi, Chỉ được gọi tên không, Vì chỉ có tên suông, Sẽ được còn tồn tại.
- Tham đắm cái của ta, Họ không có từ bỏ, Sầu khổ và than van, Cùng xan tham keo kiết. Do vậy bậc ẩn sĩ, Sau khi bỏ chấp thủ, Ðã sống một đời sống, Thấy được sự an ổn.
- Ðối với vị Tỷ-kheo Sống thanh vắng một mình, Sống tu tập tâm ý, Hướng đến hạnh viễn ly, Nếp sống vậy được nói, Hòa hợp với vị ấy, Và không nêu tự ngã, Trong hiện hữu của mình.
- Vị ẩn sĩ không tựa, Không y chỉ một ai, Không làm thành thương yêu, Không tác thành ghét bỏ. Do vậy trong sầu than, Trong xan tham keo kiết, Như nước trên lá cây, Không dính ướt làm nhơ.
- Giống như một giọt nước, Không dính ướt hoa sen, Như nước trên bông sen, Khôn dính ướt làm nhơ. Ðối với vật thấy nghe, Ðược Cảm thọ tưởng đến, Cũng vậy bậc ẩn sĩ Không dính ướt tham đắm.
- Do vậy bậc tẩy sạch, Không có suy tư đến, Ðiều được thấy được nghe, Ðược Cảm thọ tưởng đến. Vị ấy muốn thanh tịnh, Không có dựa gì khác, Vị ấy không tham đắm, Cũng không có ly tham.