Ðại Tạng Kinh Việt Nam
**Tiểu Bộ Kinh
Khuddaka Nikàya**
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương Hai – Hai Pháp
Phẩm I
(XXVIII) (Duk. I, 1) (It. 22)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú đau khổ có hoạn nạn, có ưu não, có Nhiệt não, sau khi thân hoại Mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế nào là hai? Không hộ trì các căn và không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại an trú đau khổ, có hoạn nạn, có ưu não, có Nhiệt não, sau khi thân hoại Mạng chung, chờ đợi là ác thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Mắt, tai, mũi và lưỡi, Kể cả thân và ý, Những cửa này ở đây, Tỷ-kheo không hộ trì, Ăn uống không tiết độ, Ðau khổ về thân thể, Các căn không hộ trì, Ðau khổ về tâm tư Vị ấy phải thọ lãnh Những đau khổ như vậy, Thân thể bị thiêu đốt, Tâm tư bị thiêu đốt, Dầu là đêm hay ngày, An trú khổ như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIX) (Duk. I, 2) (It. 23)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có Nhiệt não, sau khi thân hoại Mạng chung, được chờ đợi là thiện thú. Thế nào là hai? Hộ trì các căn và tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có Nhiệt não, sau khi thân hoại Mạng chung, được chờ đợi là thiện thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Mắt, tai, mũi và lưỡi, Kể cả thân và ý, Những cửa này ở đây, Tỷ-kheo khéo hộ trì, Ăn uống có tiết độ, An lạc về thân thể, Các căn có hộ trì, An lạc về tâm tư, Vị ấy được thọ lãnh Những an lạc như vậy. Thân không bị thiêu đốt, Tâm không bị thiêu đốt, Dầu là đêm hay ngày, An trú lạc như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXX) (Duk. I, 3) (It. 24)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp này làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở người sợ hãi, làm điều ác, ngoan cố trong việc làm, làm điều không thiện. Người ấy bị nung nấu bởi ý nghĩ: “Ta đã làm điều ác”. Này các Tỷ-kho, hai pháp này làm cho nung nấu.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Làm xong thân ác hạnh, Hay nói các lời ác, Làm xong ý ác hạnh, Hay bất cứ gì khác Có liên hệ lỗi lầm. Không làm các nghiệp lành, Làm các điều bất thiện, Khi thân hoại Mạng chung, Người có ác trí tuệ Bị sanh vào Địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXI) (Duk. I,4) (It. 25)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp không làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm điều lành, làm điều thiện, che chở người sợ hãi, không làm điều ác, không ngoan cố trong việc làm, làm điều thiện. Người ấy không bị nung nấu vì nghĩ rằng: “Ta đã làm điều lành”, không bị nung nấu vì nghĩ rằng: “Ta không làm điều ác”. Này các Tỷ-kheo, hai pháp này không làm cho nung nấu.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Từ bỏ thân làm ác, Hay nói các lời ác, Từ bỏ ý ác hành, Hay bất cứ gì khác Có liên hệ lỗi lầm. Không làm các nghiệp ác, Làm nhiều điều thiện sự, Khi thân hoại Mạng chung, Người có thiện trí tuệ, Ðược sanh lên Cõi trời.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXII) (Duk. I,5) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, đầy đủ hai pháp, một người như vậy tương xứng bị rơi vào Địa ngục. Thế nào là hai? Ác giới và ác kiến. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ hai pháp này, một người, như vậy tương xứng bị rơi vào Địa ngục.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào được thành tựu, Ðầy đủ hai pháp này, Ðầy đủ với ác giới, Và đầy đủ ác kiến, Khi thân hoại Mạng chung, Người có ác trí tuệ, Người ấy phải bị sanh, Vào cảnh giới Địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXIII) (Duk. I,6) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện và Kiến hiền thiện. Ðầy đủ hai pháp này, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện và Kiến hiền thiện. Ðầy đủ hai pháp này, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào được thành tựu, Ðầy đủ hai pháp này, Ðầy đủ Giới hiền thiện, Ðầy đủ Kiến hiền thiện Khi thân hoại Mạng chung, Người có chánh trí tuệ, Người ấy sẽ được sanh Vào cảnh giới Cõi trời
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXIV) (Duk. I,7) (It. 27)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có nhiệt tình, không có sợ hãi, không có thể chứng được Chánh giác, không có thể chứng được Niết-bàn, không có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có nhiệt tình, có sợ hãi, có thể chứng được Giác ngộ, có thể chứng được Niết-bàn, có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người không có nhiệt tình, Không có biết sợ hãi, Biếng nhác, không Tinh cần, Nhiều hôn trầm thụy miên, Không biết đến xấu hổ, Không có lòng tôn kính, Vị Tỷ-kheo như vậy, Không có thể đạt tới, Tối thượng Chánh-Ðẳng-Giác. Ai giữ được Chánh niệm, Thông minh, tu thiền định, Nhiệt tình, biết sợ hãi, Và không có phóng dật, Sau khi chặt đứt được Kiết sử sanh và già, Ở đây có thể đạt, Chánh Ðẳng Giác vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXV) (Duk. I,8) (It. 28)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, Cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: “Mong rằng quần chúng biết đến ta”. Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích chế ngự và vì mục đích đoạn tận.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nghe:
Với mục đích chế ngự, Với mục đích đoạn tận, Không kể người nói gì, Thế Tôn đã thuyết giảng Về nếp sống Phạm hạnh, Một nếp sống đưa đến Thể nhập vào Niết-bàn, Ðường này là con đường Ðược các bậc Ðại nhân, Ðược các Ðại ẩn sĩ, Noi theo và thực hiện, Và những ai dấn bước, Chính trên con đường ấy, Như đức Phật đã dạy, Sẽ làm khổ lắng dịu, Và thực hành làm đúng, Như lời Ðạo Sư dạy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVI) (Duk. I,9) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, Cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: “Mong rằng quần chúng biết đến ta”. Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích thắng tri, vì mục đích liễu tri.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điêù này được nói đến:
Với mục đích thắng tri, Với mục đích liễu tri Không kể ngưòi nói gì, Thế Tôn đã thuyết giảng Về nếp sống Phạm hạnh, Một nếp sống đưa đến, Thể nhập vào Niết-bàn, Ðường này là con đường Ðược các bậc Ðại nhân, Ðược các Ðại ẩn sĩ Noi theo và thực hiện, Và những ai dấn bước, Chính trên con đường ấy, Như đức Phật đã dạy. Sẽ làm khổ lắng dịu, Và thực hành làm đúng, Như lời Ðạo Sư dạy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVII) (Duk. I,10) (It. 27)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại an trú với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc. Thế nào là hai? Với sự hứng khởi đối với những trường hợp đáng phấn khởi, và như lý Tinh cần đối với phấn khởi. Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Bậc có trí phấn khởi, Trường hợp đáng phấn khởi, Vị Tỷ-kheo nhiệt tình, Thông minh và cẩn trọng, Quán xuyến nhìn sự vật, Với trí tuệ Bát-nhã, Nhiệt tình trú như vậy, Sống đời sống an tịnh, Không bồng bột hăng say, Chú lực tâm tịnh chỉ, Có thể đạt chứng được, Ðoạn diệt các khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.