Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập I – Thiên Có Kệ

Chương V

Tương Ưng Tỷ Kheo Ni

I. Alavikhà (S.i.128)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Tỷ-kheo-ni Alavikà, vào buổi sáng đắp y, cầmy bát, đi vào Sàvatthi để Khất thực. Khất thựcSàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường Khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để tìm sự yên tĩnh viễn ly.

3) Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Alavikà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ yên tĩnh viễn ly, nên đi đến Tỷ-kheo-ni Alavikà và nói lên bài kệ:

Ðời không có xuất ly, Sống viễn ly làm gì? Hãy trọn hưởng dục lạc, Chớ hối hận về sau.

4) Tỷ-kheo-ni Alavikà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Alavikà suy nghĩ: “Chính Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn làm ta từ bỏ yên tĩnh viễn ly nên đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Alavikà biết được: “Ðấy là Ác ma”, liền nói lên bài kệ:

Ở đời có xuất ly, Nhờ trí tuệ, ta chứng. Này Bà con phóng dật, Biết sao được pháp ấy? Ái dục như kiếm thương, Ðài chém đầu các uẩn. Ðiều Ông gọi dục lạc, Ta gọi là bất lạc.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Alavikà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. Somà (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Rồi Tỷ-kheo-ni Somà vào buổi sáng đắp y, cầmy bát, đi vào Sàvatthi để Khất thực.

2) Khất thựcSàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường Khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày. Sau khi đi sâu vào rừng, nàng ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Somà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Somà; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Somà:

Ðịa vị khó chứng đạt, Chỉ Thánh nhân chứng đạt, Trí nữ nhân hai ngón, Sao hy vọng chứng đạt?

4) Tỷ-kheo-ni Somà suy nghĩ: “Ai đã nói bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Somà suy nghĩ: “Ðây là Ác ma muốn làm cho ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Somà biết được : “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Nữ tánh chướng ngại gì, Khi tâm khéo Thiền định, Khi trí tuệ triển khai, Chánh quán pháp vi diệu? Ai tự mình tìm hỏi : “Ta, nữ nhân, nam nhân, Hay ta là ai khác?” Xứng nói chuyện Ác ma, Ác ma thật cân xứng.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Somà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Gotamì (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì, vào buổi sáng đắp y, cầmy bát đi vào Sàvatthi để Khất thực.

2) Khất thựcSàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi Khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày; sau khi đi sâu vào rừng Andha, đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì; sau khi đi đến, liền nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì:

Sao nàng như mất con, Một mình, mặt ứa lệ. Hay một mình vào rừng, Ðể tìm đàn ông nào?

4) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: “Ðây là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định nên đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Con hại, đã qua rồi, Ðàn ông đã chấm dứt, Ta không sầu, không khóc, Ta sợ gì các Ông? Khắp nơi hỷ, ái đoạn, Khối mê ám nát tan, Chiến thắng quân thần chết, Vô lậu, ta an trú.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đã biết ta” nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

IV. Vijayà

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Vijayà vào buổi sáng đắp y… và ngồi xuống dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Ác Ma muốn làm cho Tỳ-kheo-ni Vijayà sợ hãi … muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỳ-kheo-ni Vijayà; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỳ-kheo-ni Vijayà:

Nàng vừa trẻ, vừa đẹp, Ta vừa trẻ, vừa xuân, Với cung đàn năm điệu, Nàng cùng ta vui hưởng.

3) Tỷ-kheo-ni Vijayà suy nghĩ : ” Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

4) Tỷ-kheo-ni Vijayà suy nghĩ : ” Ðây là Ác ma… nói lên bài kệ đó.”

5) Tỷ-kheo-ni Vijayà suy nghĩ : “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Sắc, tiếng, vị, hương, xúc, Làm cho ý đam mê, Ta nhường lại Ác ma, Ta đâu có cần chúng. Với thân bất tịnh này, Dễ hư hoại mong manh, Ta bực phiền, tủi hổ, Dục ái được đoạn tận. Họ sanh hưởng sắc giới, Chúng vọng vô sắc giới, Thiền chứng an tịnh ấy, Mọi nơi, mê ám diệt.

6) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Aijayà đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

V. Uppalavannà (S.i.131)

1) Nhân duyên Sàvatthi.

Rồi Tỷ-kheo-ni Uppalavannà vào buổi sáng đắp y… và đứng dưới gốc cây tala có trổ hoa.

2) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Uppalavannà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Uppalavannà.

3) Sau khi đến, Ác ma nói lên bài kệ này với Tỷ-kheo-ni Uppalavannà:

Này nàng Tỷ-kheo-ni, Dưới gốc cây tala, Ðang nở nụ trăm hoa, Nàng đến đứng một mình, Nhan sắc Nàng tuyệt đẹp, Không ai dám sánh bằng! Tại đây Nàng đã đến, Trong tư thế như vậy, Nàng ngu dại kia ơi, Không sợ cám dỗ sao?

4) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay là không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà suy nghĩ: “Ðây là Ác ma… đã nói lên bài kệ đó.”

6) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà biết được : “Ðây là Ác ma”, liền trả lời với bài kệ:

Trăm ngàn người cám dỗ, Có đến đây như Ông, Mảy lông ta không động, Ta không gì sợ hãi. Ác ma, ta không sợ, Ta đứng đây một mình, Ta có thể biến mất, Hay vào bụng các Ông. Ta đứng giữa hàng mi, Ông không thấy ta được. Với tâm khéo khiếp phục, Thần túc khéo tu trì, Ta thoát mọi trói buộc, Ta đâu có sợ Ông? Này Hiền giả Ác ma!

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Uppalavannà đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

VI. Càlà (S.i.132)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Càlà vào buổi sáng đắp y… ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Ác ma đi đến Tỷ-kheo-ni Càlà; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo-ni Càlà:

— Này Tỷ-kheo-ni, Nàng không vui thích gì?

— Này Hiền giả, ta không vui thích sanh.

— Sao Nàng không vui thích sanh?

— Khi đã sanh, phải thọ hưởng các dục.

— Này Tỷ-kheo-ni, ai dạy cho nàng: “Chớ có vui thích sanh”?

3) (Càlà):

Sanh ra rồi phải chết, Ðã sanh thấy khổ đau, Kiết sử trói gia hại, Do vậy không thích sanh. Ðức Phật thuyết giảng pháp, Khiến vượt khỏi Tái sanh, Ðoạn trừ mọi khổ não, Giúp ta trú chân thật. Chúng sanh hướng sắc giới, Họ vọng vô sắc giới, Nếu không biết đoạn diệt, Họ đi đến Tái sanh.

4) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Càlà đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

VII. Upacàlà

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Rồi Tỷ-kheo-ni Upacàlà, vào buổi sáng, đắp y… và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày… nói với Tỷ-kheo-ni Upacàlà:

— Này Tỷ-kheo-ni, Nàng muốn Tái sanh tại chỗ nào?.

3) — Ta không muốn Tái sanh tại một chỗ nào cả, này Hiền giả.

4)

Chư Thiên Ba mươi ba, Dạ-ma, Ðâu-suất thiên, Chư vị Hóa Lạc thiên, Tha hóa Tự tại thiên, Nàng hãy hướng tâm này, Ðến cảnh giới Chư Thiên, Rồi Nàng được Tái sanh, Hưởng an lạc cảnh ấy.

5)

Chư Thiên Ba mươi ba, Dạ-ma, Ðâu-suất thiên, Chư vị Hóa Lạc thiên, Tha hóa, Tự tại thiên, Vì ái dục trói buộc, Lại bị ma chinh phục. Toàn thế giới cháy đỏ, Toàn thế giới hỏa thiêu, Toàn thế giới bùng cháy, Toàn thế giới rung động. Không rung, không dao động, Không hệ lụy, phàm phu, Chỗ nào ma không đến, Chỗ ấy ta vui thích.

6) Rồi Ác ma biết được… biến mất tại chỗ ấy.

VIII. Sisupacàlà

1) Tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà vào buổi sáng đắp y… rồi ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma đi đến Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà:

— Này Tỷ-kheo-ni, Nàng thích thú tà giáo của ai không?

3) — Này Hiền giả, ta không thích thú tà giáo của ai cả.

4)

Vì ai Nàng trọc đầu, Hiện tướng nữ Sa-môn? Nàng không thích tà giáo, Vậy nàng tu cho ai, Này kẻ Ngu muội kia?

5) (Sisupacàlà):

Những kẻ tin tà kiến, Thuộc ngoại đạo tà giáo. Ta không thích pháp họ, Ta không giỏi pháp họ! Có dòng họ Thích-ca. Ðản sanh Phật vô tỷ, Ngài chinh phục tất cả, Ngài đại phá chúng ma, Tại mọi chỗ, mọi nơi, Không ai chiến thắng Ngài. Ngài Giải thoát hoàn toàn, Không bị gì triền phược. Bậc Pháp nhãn thấy khắp; Tất cả nghiệp đoạn diệt, Giải thoát, diệt sanh y. Thế Tôn, Ðạo Sư ta, Ta thích giáo pháp Ngài.

6) Rồi Ác ma biết được… liền biến mất tại chỗ ấy.

IX. Selà (S.i.134)

1) Ở tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Selà vào buổi sáng đắp y… ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Selà run sợ… nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Selà:

Bởi vì bong bóng này, Ðược tạo tác làm ra, Ai là người sáng tạo, Bong bóng như huyễn này? Từ đâu bong bóng sanh? Ði đâu bong bóng diệt?

3) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

4) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà suy nghĩ: ” Ðây là Ác ma, muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ ấy”.

5) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà được biết: “Ðây là Ác ma”, nên trả lời Ác ma với bài kệ:

Bong bóng như huyễn này, Không phải tự ngã làm, Sự vật bạc phước này, Không phải người khác làm. Do nhân duyên quy tụ, Sự vật được hình thành, Do nhân duyên tán ly, Sự vật bị tiêu diệt. Hột giống gieo vào ruộng, Ðược nẩy mầm, sinh lộc, Khi nhiễm thấm cả hai, Vị đất và khí ướt. Cũng vậy uẩn và giới, Cùng với sáu xứ này, Do nhân duyên quy tụ, Chúng sẽ được hình thành, Do nhân duyên tán ly, Chúng bị hoại, tiêu diệt.

6) Rồi Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Selà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

X. Vajirà

1) Ở tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Vajirà vào buổi sáng đắp y, cầmy bát, đi vào Sàvatthi để Khất thực. Khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường Khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Vajirà đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày, đi sâu vào rừng Andha và ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Vajirà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Vajirà:

3)

Do ai, hữu tình này, Ðược sanh, được tạo tác? Người tạo hữu tình này, Hiện nay ở tại đâu? Từ đâu hữu tình sanh? Ði đâu hữu tình diệt?

4) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà lại suy nghĩ: “Chính là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ này”.

6) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà biết được: “Ðây là Ác ma”, liền trả lời Ác ma với bài kệ:

Sao Ông lại nói hoài, Ðến hai chữ chúng sanh? Phải chăng, này Ác ma, Ông rơi vào tà kiến? Ðây quy tụ các hành, Chúng sanh được hình thành, Như bộ phận quy tụ, Tên xe được nói lên. Cũng vậy, uẩn quy tụ, Thông tục gọi chúng sanh. Chỉ có khổ được sanh, Khổ tồn tại, Khổ diệt, Ngoài khổ, không gì sanh, Ngoài khổ không gì diệt.

7) Rồi Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Vajirà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.