Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập I – Thiên Có Kệ

Chương II

Tương Ưng Thiên Tử

II Phẩm Cấp Cô Ðộc (S.i,51)

I. Candimasa

Tại Sàvatthi.

1) Rồi Thiên tử Candimasa, sau khi đêm đã gần mãn,với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Candimasa nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2)

Họ sẽ đi an toàn, Như thú, vùng không muỗi, Sau khi chứng Thiền định, Nhứt tâm, niệm tỉnh giác, Họ sẽ đi bờ kia, Như cá, phá rách lưới, Sau khi chứng Thiền định, Tự chế, vượt lỗi lầm.

II. Vendu (S.i,52)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Vendu nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2)

Hạnh phúc thay những người, Sau khi hầu Thiện Thệ, Tuân phụng lời Ngài dạy, Tu học không phóng dật!

3) Thế Tôn nói:

Vendu! Những ai Thiền tu học. Trong pháp cú Ta dạy, Tinh cần, không phóng dật, Ðúng thời họ sẽ đi, Thoát khỏi tay tử thần.

III. Diighalatthi (S.i,52)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thiên tử Diighalatthi, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Diighalatthi nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Với tâm tư Giải thoát, Vị Tỷ-kheo tu Thiền, Và với lòng ước vọng, Ðạt được tâm sở nguyện, Sau khi biết cuộc đời, Sanh khởi rồi đoạn diệt, Tâm thuần không chấp trước, Hưởng lợi quả như chơn.

IV. Nandana (S.i,52)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Nandana nói bài kệ với Thế Tôn:

Con hỏi Gotama, Bậc Ðại Giác toàn trí, Con hỏi đấng Thế Tôn, Với Tri kiến vạn năng. Người nào gọi trì giới? Người nào gọi trí tuệ? Người nào vượt sầu khổ? Người nào Chư Thiên lạy?

2) (Thế Tôn):

Ai hộ trì giới luật, Trí tuệ, tâm tu trì, Chú tâm, vui Thiền định, Tâm tư trú Chánh niệm, Tất cả mọi sầu khổ, Ðược trừ diệt, đoạn tận, Các lậu hoặc tận trừ, Sống với thân tối hậu, Vị ấy gọi trì giới, Vị ấy gọi trí tuệ, Vị ấy vượt sầu khổ, Vị ấy Chư Thiên lạy.

V. Candana: Chiên Ðàn (S.i,53)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Candana nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Làm sao vượt bộc lưu, Ngày đêm vững, kiên trì, Không trú, không bám víu, Ai không chìm vực sâu?

2) (Thế Tôn):

Vị luôn luôn trì giới, Trí tuệ, khéo định tĩnh, Chí siêng năng dõng mãnh, Vượt bộc lưu khó vượt. Vị đoạn, ly dục tưởng, Vượt khỏi sắc triền phược, Ðoạn tận hỷ, hữu ái, Không chìm xuống vực sâu.

VI. Sudatta (Tu-đạt-đa)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Sudatta nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Như kiếm đã chạm da, Như lửa cháy trên đầu, Tỷ-kheo hãy Chánh niệm, Xuất gia, bỏ ái dục.

2) (Thế Tôn):

Như kiếm đã chạm da, Như lửa cháy trên đầu, Tỷ-kheo hãy Chánh niệm, Xuất gia, bỏ thân kiến.

VII. Subrahmà (S.i,53)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Subrahmà nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Tâm này thường sợ hãi, Ý này thường dao động, Ðiều mong ước không khởi, Ðiều không mong lại khởi, Nếu có, không sợ hãi, Hãy nói điều con hỏi.

2) (Thế Tôn):

Không ngoài hạnh giác chi, Không ngoài hộ trì căn, Không ngoài bỏ tất cả, Ta thấy các pháp ấy, Ðưa đến sự an toàn, Cho tất cả chúng sanh.

3) Rồi Thiên tử biến mất tại chỗ ấy.

VIII. Kakudha (S.i,54)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàketa, rừng Anjana, tại vườn Nai. Rồi Thiên tử Kokudha, sau khi đêm đã gần mãn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn khu rừng Anjana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

2) Ðứng một bên, Thiên tử Kakudha bạch Thế Tôn:

— Thưa Sa-môn, Ngài có hoan hỷ không?

— Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?

— Nếu vậy, thưa Sa-môn, có phải Ngài sầu muộn?

— Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?

— Vậy thời thưa Sa-môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?

— Thật như vậy, này Hiền giả.

3)

Làm sao, này Tỷ-kheo, Ngài không có sầu muộn, Tuy vậy, Ngài cũng không Có được sự hoan hỷ? Làm sao nay Ngài lại, Ngồi cô độc một mình, Không có được hoan hỷ, Cũng không bị dao động?

4)

Thật sự, này Dạ-xoa, Ta không có sầu muộn, Tuy vậy ở nơi Ta, Hoan hỷ không khởi lên, Dầu nay Ta có ngồi, Riêng một mình cô độc, Ta không có hoan hỷ, Cũng không bị dao động.

5)

Làm sao, này Tỷ-kheo, Ngài không có sầu muộn, Làm sao ở nơi Ngài, Hoan hỷ không khởi lên? Làm sao nay Ngài lại, Ngồi cô độc một mình, Không có được hoan hỷ, Cũng không bị dao động?

6)

Hoan hỷ chỉ có đến, Với người tâm sầu muộn, Sầu muộn chỉ có đến, Với người tâm hoan hỷ. Do vậy, vị Tỷ-kheo, Không hoan hỷ, sầu muộn. Vậy nên, này Hiền giả, Ông phải biết như vậy.

7)

Ðã lâu, con mới thấy, Bà-la-môn tịch tịnh, Vị Tỷ-kheo không sầu, Cũng không có hoan hỷ, Ðã an toàn vượt khỏi, Chỗ người đời đắm say.

IX. Uttara (S.i,54)

1) Nhân duyên tại thành Vương Xá.

Ðứng một bên, Thiên tử Uttara nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2)

Mạng sống bị dắt dẫn, Tuổi thọ chẳng là bao, Bị dẫn đến già nua, Không có nơi dừng bước. Ai đem tâm quán tưởng, Sợ hãi tử vong này, Hãy làm các Công đức, Ðưa đến chơn an lạc.

3)

Mạng sống bị dắt dẫn, Tuổi thọ chẳng là bao, Bị dẫn đến già nua, Không có nơi dừng bước. Ai đem tâm quán tưởng, Sợ hãi tử vong này, Hãy bỏ mọi thế lợi, Tâm hướng cầu tịch tịnh.

  1. Anàthapindika: Cấp Cô Ðộc (S.i,55)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Cấp Cô Ðộc nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ðây là rừng Kỳ Viên, Chỗ trú xứ Thánh chúng, Chỗ ở đấng Pháp Vương, Khiến tâm con hoan hỷ. Nghiệp, minh và tâm pháp, Giới và tối thắng mạng, Chính những diệu pháp ấy, Khiến chúng sanh thanh tịnh, Không phải vì dòng họ, Không phải vì tài sản. Do vậy bậc Hiền giả, Thấy lợi ích chính mình, Chánh giác sát tâm pháp, Như vậy được thanh tịnh. Như ngài Xá-lợi-phất, Tuệ, giới và tịch tịnh, Tỷ-kheo đến bờ giác, Ở đây là tối thượng.

2) Thiên tử Anàthapindika nói như vậy, nói vậy xong, Đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ ấy.

3) Rồi Thế Tôn sau khi đêm ấy đã qua, liền gọi các Tỷ-kheo và nói:

4) — Này các Tỷ-kheo, đêm nay có Thiên tử, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, Đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, vị Thiên tử ấy nói lên bài lệ này trước mặt Ta:

5)

“Ðây là rừng Kỳ Viên, Chỗ trú xứ Thánh chúng, Chỗ ở đấng Pháp Vương, Khiến tâm con hoan hỷ. Nghiệp, minh và tâm pháp, Giới và tối thắng mạng, Chính những diệu pháp ấy, Khiến chúng sanh thanh tịnh, Không phải vì dòng họ, Không phải vì tài sản. Do vậy bậc Hiền giả, Thấy lợi ích chính mình, Chánh giác sát tâm pháp, Như vậy được thanh tịnh. Như ngài Xá-lợi-phất, Tuệ, giới và tịch tịnh, Tỷ-kheo đến bờ giác, Ở đây là tối thượng.”

6) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử ấy nói như vậy, nói vậy xong, Đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

7) Ðược nghe nói như vậy, Tôn giả [[ANanda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, có phải vị Thiên tử ấy là Anàthapindika? Gia chủ Anàthapindika hết dạ tín thành đối với Tôn giả Sàriputta?

8) — Lành thay! Lành thay! Này [[ANanda, cho đến những gì có thể đạt được nhờ suy diễn, này [[ANanda, Ông đã đạt được. Này [[ANanda, Anàthapindika là vị Thiên tử ấy.