Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập I – Thiên Có Kệ
Chương II
Tương Ưng Thiên Tử
I. Phẩm Thứ Nhất (S.i,46)
I. Kassapa – Ca-diếp (Tạp 49.24 – Ca-diếp, Ðại 2,361c) Biệt Tạp 15.19, Ðại 2,480c)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Rồi Thiên tử Kassapa (Ca-diếp), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Kassapa bạch Thế Tôn:
— Thế Tôn đề cao Tỷ-kheo và sự giáo giới vị Tỷ kheo cho chúng con.
2) — Vậy này Kassapa, hãy nói lên ở đây về vấn đề ấy.
3) (Kassapa):
Hãy học điều khéo nói, Trong hạnh nghiệp Sa-môn, Vắng lặng, ngồi một mình, Với tâm tư an tịnh.
4) Thiên tử Kassapa nói như vậy. Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi Thiên tử Kassapa, sau khi được biết: “Bậc Ðạo Sư đã chấp nhận ta”, Đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi biến mất từ chỗ ấy.
II. Kassapa (S.i,46) (Tạp 49.25 Ca-diếp, Ðại 2,361c) (Biệt Tạp 15.20, Ðại 2,480a)
1) Tại Sàvatthi.
2) Ðứng một bên, Thiên tử Kassapa nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
Với tâm tư Giải thoát, Vị Tỷ-kheo tu thiền, Và với lòng ước vọng, Ðạt được tâm sở nguyện. Sau khi biết cuộc đời, Hưng thịnh và phế tàn, Tâm thuần, không nương tựa, Hưởng lợi quả như chơn.
III. Màgha (S.i,47) (Tạp 49.16 Ma-khứu, Ðại 2,360c) (Biệt Tạp 15.11, Ðại 2,478c)
1) Tại Sàvatthi.
2) Rồi Thiên tử Màgha, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Màgha nói với Thế Tôn bài kệ:
3)
Sát vật gì được lạc? Sát vật gì không sầu? Có một pháp loại gì, Ngài tán đồng sát hại, Tôn giả Gotama?
4) (Thế Tôn)
Sát phẫn nộ được lạc, Sát phẫn nộ không sầu, Phẫn nộ với độc căn, Với vị ngọt tối thượng. Pháp ấy bậc Thánh Hiền, Tán đồng sự sát hại. Sát pháp ấy không sầu, Này Hiền giả Thiên nhân.
IV. Màgadha
1) Ðứng một bên, Thiên tử Màgadha nói lên với Thế Tôn bài kệ:
Vật gì chiếu sáng đời, Do chúng, đời chói sáng? Con đến hỏi Thế Tôn, Muốn nghe lời giải đáp. Bốn vật chiếu sáng đời, Thứ năm đây không có, Ngày, mặt trời sáng chói, Ðêm, mặt trăng tỏ rạng, Lửa cháy đỏ đêm ngày, Chói sáng khắp mọi nơi, Chánh giác sáng tối thắng, Sáng này sáng vô thượng.
V. Dàmali (Tạp 49.18, Ðàm-ma, Ðại 2,360c) (Biệt Tạp 15.13, Ðại 2,478c)
1) Tại Sàvatthi.
2) Thiên tử Dàmali, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Dàmali nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
3)
Ở đây, Bà-la-môn, Tinh cần, không biếng nhác, Ðoạn trừ các Dục vọng, Nhờ vậy không Tái sanh.
4) Thế Tôn bèn trả lời:
Ôi này Dàmali, Với vị Bà-la-môn, Không còn gì phải làm, Việc phải làm đã làm, Chính là Bà-la-môn. Chúng sanh đủ tay chân, Không tìm được chân đứng, Trôi giạt và chìm nổi, Trong biển rộng, sông dài. Tìm được chỗ chân đứng, Khô ráo vị ấy đứng, Ðã đến bờ bên kia, Vị ấy không trôi giạt. Vậy này Dàmali, Ví dụ ấy là vậy. Cũng vậy Bà-la-môn, Ðoạn trừ các lậu hoặc, Sáng suốt và kín đáo, Tinh tấn tu Thiền định. Vị ấy đã đạt được, Tận cùng đường sanh tử, Ðã đến bờ bên kia, Nên không còn trôi giạt.
VI. Kàmada (S.i,48) (Tạp 49.20 Thực trí, Ðại 2, 361a) (Biệt Tạp 15.15, Ðại 2, 479a)
1) Ðứng một bên, Thiên tử Kàmada bạch Thế Tôn:
2) Khó làm, bạch Thế Tôn,
Thế Tôn, thật khó làm. Tuy vậy, Kàmada, Họ làm việc khó làm, Chính các vị hữu học, Kiên trì tu giới định, Ðã chọn đời xuất gia, Biết đủ, đem an lạc.
3)
Biết đủ, bạch Thế Tôn, Biết đủ, thật khó được. Tuy vậy, Kàmada, Họ được điều khó được. Những vị lòng ưa thích, Tâm tư được điều tịnh, Cả ngày và cả đêm, Ý an lạc tu tập.
4)
Khó tịnh, bạch Thế Tôn, Tâm ấy, thật khó tịnh. Tuy vậy, Kàmada, Họ tịnh tâm khó tịnh. Những vị lòng ưa thích, Các căn được tịch tịnh, Cắt đứt lưỡi tử thần, Bậc Hiền Thánh đi tới.
5)
Khó đi, bạch Thế Tôn, Con đường thật lồi lõm. Tuy vậy, Kàmada, Bậc Hiền Thánh vẫn đi. Trên con đường khó đi, Và có nhiều lồi lõm, Kẻ phàm phu vấp ngã, Trên đường mất thăng bằng. Con đường đối bậc Thánh, Là con đường thăng bằng, Bậc Thánh bước thăng bằng, Trên đường mất thăng bằng.
VII. Pancàlacanda (S.i, 48)( Tạp 49.12 Ban-xà-la, Ðại 2,358b) (Biệt Tạp 15.7, Ðại 2, 477a)
1) Ðứng một bên, Thiên tử Pancàlacanda nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
Dầu giữa những chướng ngại, Bậc Ðại trí Chánh giác, Vẫn tìm được lối thoát, Vượt qua mọi chướng ngại. Bậc trí hiểu Thiền định, Biết từ bỏ, tối thắng, Bậc Mâu-ni, ẩn sĩ
2) Thế Tôn lên tiếng:
Pancàlacanda, Dầu giữa những chướng ngại, Họ tìm được lối thoát, Họ tìm được Chánh pháp Ðưa đến quả Niết-bàn. Những vị đạt Chánh niệm, Kiên trì không dao động, Họ là bậc chơn chánh, Tâm điều phục, định tĩnh.
VIII. Tàyana (S.i,49) (Dhammapada 313, 314, 311, 312 Thera G 277)
1) Rồi Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại đạo sư, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
2)
Ôi này Bà-la-môn, Tinh tấn, cắt dòng nước, Ðoạn trừ và tiêu diệt, Mọi tham đắm Dục vọng. Ẩn sĩ không đoạn dục, Không chứng được nhứt tâm. Nếu làm việc phải làm, Cần kiên trì, tinh tấn. Xuất gia, nếu biếng nhác, Càng tung vãi bụi trần. Không làm, hơn làm dở, Làm dở sau khổ đau. Ðã làm nên làm tốt, Làm tốt không khổ đau. Như nắm vụng lá cỏ, Có thể bị đứt tay. Sa-môn hạnh vụng tu, Kéo đến cõi Địa ngục. Mọi sở hành biếng nhác, Mọi hạnh tu ô nhiễm, Ác hạnh trong Phạm hạnh, Không đưa đến quả lớn.
3) Thiên tử Tàyana nói như vậy. Sau khi nói xong, Đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.
4) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, liền gọi các Tỷ-kheo.
5) Này các Tỷ-kheo, đêm nay Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại đạo sư, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, Đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước mặt Ta:
6)
“Ôi này Bà-la-môn Tinh tấn cắt dòng nước, Ðoạn trừ và tiêu diệt, Mọi tham đắm Dục vọng. Ẩn sĩ không đoạn dục, Không chứng được nhứt tâm. Nếu làm việc khó làm, Cần kiên trì tinh tấn, Xuất gia nếu biếng nhác, Càng tung vãi bụi trần. Không làm, hơn làm dở, Làm dở sau khổ đau. Ðã làm nên làm tốt, Làm tốt không khổ đau. Như nắm vụng lá cỏ, Có thể bị đứt tay, Sa-môn hạnh vụng tu, Kéo đến cõi Địa ngục. Mọi sở hành biếng nhác, Mọi hạnh tu ô nhiễm, Ác hạnh trong Phạm hạnh, Không đưa đến quả lớn.”
7) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Tàyana nói như vậy. Nói vậy xong, Đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy đọc bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, bài kệ của Tàyana có đầy đủ nghĩa lợi và chính là căn bản của Phạm hạnh.
IX. Candima (S.i,50) (Nguyệt Thiên tử, Tạp 22.8 Nguyệt Thiên tử, Ðại 2, 155a) (Biệt Tạp 9.7, Ðại 2, 436a)
1) Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ).
Lúc bấy giờ, Thiên tử Candima bị Ràhu, vua A-tu-la bắt. Rồi Thiên tử Candima, tưởng niệm đến Thế Tôn, trong lúc ấy nói lên bài kệ này:
2)
Ðảnh lễ đấng Giác ngộ, Bậc Anh Hùng muôn thuở, Ngài là bậc Giải thoát, Thoát ly thật viên mãn, Còn con bị trói buộc, Hãy cho con quy ngưỡng.
3) Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Candima, nói lên bài lệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:
Canda đã quy y, Như Lai, bậc La-hán, Ràhu, hãy thả nó, Vì chư Phật thương đời.
4) Rồi Ràhu, vua A-tu-la, Giải thoát cho Thiên tử Candima. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la, run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:
5)
Vì sao, như hốt hoảng, Ràhu thả Canda, Ông đến, lòng run sợ, Ông đứng, tâm kinh hoàng?
6)
— Ðầu con bể thành bảy, Ðời con không Hạnh phúc, Với lời kệ đức Phật, Nếu không thả Canda.
X. Suriya: (S.i,51) Nhật Thiên tử
1) Lúc bấy giờ, Thiên tử Suriya bị Ràhu, vua A-tu-la bắt. Rồi Thiên tử Suriya tưởng niệm đến Thế Tôn, trong lúc ấy nói lên bài kệ này:
2)
Ðảnh lễ đấng Giác ngộ, Bậc Anh Hùng muôn thuở, Ngài là bậc Giải thoát, Thoát ly thật viên mãn, Còn con bị trói buộc, Hãy cho con quy ngưỡng.
3) Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Suriya, nói lên bài kệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:
Suriya đã quy y, Như Lai bậc La-hán, Ràhu, hãy thả nó, Vì chư Phật thương đời. Ông đi giữa hư không, Chớ nuốt Suriya, Trong thế giới tối tăm, Ðã đem lại ánh sáng, Là mặt trời sáng chói, Là dĩa tròn hực đỏ, Là lò lửa cháy nóng, Là bà con của Ta. Này Ràhu, Ta nói: Hãy thả Suriya.
4) Rồi Ràhu, vua A-tu-la, Giải thoát cho Thiên tử Suriya. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:
5)
Vì sao, như hốt hoảng, Ràhu, thả Suriya, Ông đến, lòng run sợ, Ông đứng, tâm kinh hoàng?
6)
— Ðầu con bể thành bảy, Ðời con không Hạnh phúc, Với lời kệ đức Phật, Nếu không thả Suriya.