Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương III- Ba Pháp
IV. Phẩm Sứ Giả Của Trời
31. Ngang Bằng Với Phạm thiên
– Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo Sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được Cúng dường.
Phạm thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo Sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được Cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm thiên, Bậc Ðạo Sư thời trước Xứng đáng được Cúng dường Vì thương đến con cháu Do vậy, bậc Hiền triết Ðảnh lễ và tôn trọng Dâng đồ ăn đồ uống Vải mặc và giường nằm Thoa bóp (cả thân mình) Tắm rửa cả tay chân Với sở hành như vậy, Ðối với mẹ cha Ðời này người Hiền khen Ðời sau hưởng Thiên lạc
- [[ANanda
- Rồi Tôn giả [[ANanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, Đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên, Tôn giả [[ANanda bạch Thế Tôn:
– Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; và do chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; vị ấy có thể chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát ấy.
– Rất có thể, này, [[ANanda, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát ấy.
– Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát ấy?
– Ở đây, này [[ANanda, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này [[ANanda, rất có thể Tỷ-kheo được định như vậy, … có thể chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát .
Lại nữa, này [[ANanda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Punnaka”, chương về Pàràyana.
Do phân tích ở đời Những vật cao và thấp Với vị không dao động Bởi vật gì ở đời, An tịnh, không tối mù, Không phiền muộn, không cầu Ta nói người như vậy, Ðã vượt khỏi sanh già.
- – Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến Đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
– Này Sàriputta, Ta có thể Thuyết pháp một cách tóm lược. Này, Sàriputta, ta có thể Thuyết pháp một cách rộng rãi. Này Sàriputta, ta có thể Thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Và những người hiểu được thật là khó tìm!
– Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, để Thế Tôn Thuyết pháp một cách tóm lược, Thuyết pháp một cách rộng rãi, và Thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Sẽ có những người có thể hiểu rõ Chánh pháp.
– Vậy này Sàriputta, hãy học tập như sau: “Trong cái thân có thức này, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, chúng tôi sẽ chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát ấy!”. Như vậy, này Sàriputta, các Ông cần phải học tập. Khi nào Tỷ-kheo đối với thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; vị ấy chứng đạt và an trú tâm Giải thoát, tuệ Giải thoát ấy. Người như vậy, này Sàriputta, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã cởi mở kiết sử, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
– Lại nữa, này Sàriputta, liên hệ đến vấn đề này, ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Udaya” trong chương Pàràyana.
Ðoạn tận cả hai pháp Dục tham và sân hận Và từ bỏ hôn trầm Chận đứng mọi trạo hối Với xả niệm thanh tịnh Chạy trước pháp tư duy? Ta nói trí Giải thoát Vô minh được phá tận.
33.- Các Nguyên Nhân
- – Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được Cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
Phàm nghiệp nào được làm vì sân, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ sân … Phàm nghiệp nào được làm vì si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si … tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục … hay trong một đời sau nữa.
Ví như, này các Tỷ-kheo, các hạt giống không bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt, được trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa xuống đều đặn, các hạt giống ấy, này các Tỷ-kheo, được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm vì tham … hay trong môt đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì sân … hay trong một đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì si … hay trong một đời sau nữa.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp.
- Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Không tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì không tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Phàm nghiệp nào được làm vì không sân … Phàm nghiệp nào được làm vì không si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không si … Vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Ví như này các Tỷ-kheo, các hạt giống không thể bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn được tươi tốt, được khéo gieo. Và một người lấy lửa đốt chúng, sau khi lấy lửa đốt, làm cho chúng thành tro, sau khi làm thành tro, quạt chúng trong gió lớn, hay cho vào dòng nước sông chảy nhanh mang cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hạt giống ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm từ không tham … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không sân … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không si … không thể sanh khởi trong tương lai.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp:
Phàm có hạnh nghiệp nào, Sanh từ tham sân si, Do kẻ vô trí làm Dầu có ít hay nhiều tại đây được Cảm thọ, Không phải tại chỗ khác Do vậy vị Tỷ-kheo Từ bỏ tham, sân, si Làm khởi lên minh trí, Từ bỏ mọi ác thú.
34.- Về Alavì
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Alavì, tại Gomagga, trong rừng Simsapà, trên chỗ có trải lá.
Rồi Hatthaka, người Alavì, đang đi bộ hàng du ngoạn, thấy Thế Tôn đang ngồi trên chỗ có trải lá trong rừng Simsapà ở Gomagga, thấy vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, Đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Hatthaka người Alavì bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?
– Phải, này Hoàng Tử, ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy.
– Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày tám (trước và sau ngày rằm) là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải cà sa, và lạnh là làn gió thổi.
Rồi Thế Tôn nói như sau:
– Dẫu vậy, này Hoàng Tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. Vậy nay, này Hoàng Tử, ở đây ta sẽ hỏi Hoàng Tử, nếu có thể kham nhẫn, Hoàng Tử hãy trả lời. Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử? Ở đây, người gia chủ hay con người gia chủ có nhà có nóc nhọn, với các tường trét trong trét ngoài, che chở khỏi gió, chốt cửa được khóa chặt, các cửa sổ được đóng kín. Trong ấy, có một chỗ nằm có trải tấm thảm len với lông dài, với tấm vải giường bằng len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da quý con sơn dương kadali, tấm thảm có tàn che phía trên và gối nệm đỏ cả hai đầu, có đèn thắp đỏ và bốn bà vợ đẹp hầu hạ. Này Hoàng Tử, Hoàng Tử nghĩ thế nào, người ấy nằm ngủ có an lạc không? Hay Hoàng Tử nghĩ thế nào?
– Bạch Thế Tôn, người ấy nằm ngủ an lạc. Nếu có những người cảm thấy an lạc ở đời, người ấy là một trong những người ấy.
– Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người gia chủ hay người con của người gia chủ ấy, khởi lên những Nhiệt não về thân hay về tâm, do tham ái sanh. Bị nung đốt bởi những Nhiệt não do tham ái sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những Nhiệt não do tham ái sanh, cảm thấy đau khổ. Tham ái ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử, với người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, khởi lên những Nhiệt não về thân hay tâm do sân sanh … do si sanh. Bị nung đốt bởi những Nhiệt não do si sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những Nhiệt não do si sanh, cảm thấy đau khổ. Si ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Luôn luôn được an lạc, Vi phạm chí tịch tịnh Không bị dục uế nhiễm Trong mát, không sanh y, Mọi tham trước dứt đoạn, Nhiếp phục tâm sầu khổ, An tịnh, Cảm thọ lạc Với tâm đạt an tịnh.
35.- Diêm Vương
1-6
1.- Có ba Thiên sứ này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Sau khi thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, khi thân hoại Mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Rồi này các Tỳ kheo, những người lính Địa ngục với hai cánh tay bắt người ấy dẫn đến Vua Yama (Diêm vương) và thưa:
– “Thưa Ðại vương, người này không kính mẹ, không kính cha, không kính Sa-môn, không kính Bà-la-môn, không tôn kính các bậc lớn tuổi trong gia đình, Ðại vương hãy hình phạt nó”
Rồi vua Yama chất vấn người ấy:, cật vấn, nạn vấn người ấy về Thiên sứ thứ nhất:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ nhất hiện ra giữa Loài Người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa ngài”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa Loài Người, một Người đàn bà hay đàn ông 80 tuổi, hay 90 tuổi, hay 100 tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã tận, răng rụng tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, đầu rung, tay chân da mồi khô đét?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị già, ta không vượt qua tuổi già. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải Chư Thiên làm, không phải Sa-môn làm, Bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm và Ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy.
- Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ nhất, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ hai hiện ra giữa Loài Người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa ngài”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa Loài Người, một Người đàn bà hay một Người đàn ông, bệnh hoạn khổ não nguy kịch, rơi nằm trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần người khác nâng dậy, cần người khác dìu nằm xuống?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị bệnh, ta không vượt qua bệnh hoạn. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia … ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
- Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ ba hiện ra giữa Loài Người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa Ngài.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa Loài Người, một Người đàn bà hay một Người đàn ông, chết đã được một ngày, hay chết được hai ngày, hay chết được ba ngày, sưng phù lên, xanh xám lại và nát rữa ra?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị chết, ta không vượt qua sự chết. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia … ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
- Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba, rồi giữ im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính Địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc. Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính Địa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy cái rìu chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính Địa ngục dựng ngược người ấy, chân trên đầu dưới và lấy dao sắc chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người lính Địa ngục, cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới, kéo người ấy chạy lui, trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính Địa ngục đẩy người ấy lên, kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính Địa ngục nắm ngược người ấy, chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây, bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, khi thì trôi nổi lên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính Địa ngục quăng người ấy vào Ðại Địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ðại Địa ngục ấy:
Có bốn góc, bốn cửa Chia thành phần bằng nhau, Xung quanh có tường sắt, Mái sắt lợp lên trên Nền Địa ngục bằng sắt Nung đỏ cháy đỏ rực Ðứng thẳng luôn có mặt Rộng một trăm do tuần
Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo, vua Yama suy nghĩ như sau: “Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, ta có thể hầu hạ Thế Tôn, Thế Tôn Thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu pháp do Thế Tôn thuyết giảng”.
Này các Tỷ-kheo, điều ta đang nói, không phải ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; những điều ta đang nói chỉ được ta biết mà thôi, chỉ được ta thấy mà thôi, chỉ được ta hiểu mà thôi.
6.
Dầu Thiên sứ báo động, Thanh niên vẫn phóng dật Họ ưu buồn lâu dài, Sanh làm người hạ liệt. Ở đây, Bậc chân nhân, Ðược Thiên sứ báo động, Không bao giờ phóng dật Trong diệu pháp bậc thánh Thấy sợ trong chấp thủ Trong hiện hữu sanh tử Ðược Giải thoát không thủ Sanh tử được đoạn trừ Ðược yên ổn không lạc Ngay hiện tại tịch tịnh Mọi oán hận sợ hãi Các vị ấy vượt qua Mọi đau đớn khổ sầu Thảy đều được siêu thoát.
36.- Bốn Bậc Ðại Vương
– Này các Tỷ-kheo, trong ngày thứ tám của nửa tháng, các vị Ðại thần cố vấn cho bốn Ðại vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong Loài Người, có nhiều người có hiếu với mẹ, có hiếu với cha, có kính Sa-môn, Bà-là-môn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ Uposatha (Bố-tát), có đề cao cảnh giác, có làm các Công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày 14 của nửa tháng, các Hoàng tử của bốn Thiên vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong Loài Người, có nhiều người có hiếu với mẹ, … có làm các Công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày rằm lễ Uposatha, bốn vị Thiên vương tự mình đi du hành trong thế giới này để xem trong Loài Người, có nhiều người có hiếu với mẹ, … có làm các Công đức.
Nếu chỉ có ít người giữa Loài Người, này các Tỷ-kheo, có hiếu với mẹ, … là các Công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với Chư Thiên ở Cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
– “Thưa chư vị, có ít người giữa Loài Người có hiếu với mẹ, … có làm các Công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Chư Thiên ở Cõi trời thứ ba mươi ba không hoan hỉ nói:
– “Thật vậy, Thiên chúng sẽ bị tổn giảm và Asura chúng (A-tu-la) sẽ được sung mãn.”
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều người giữa Loài Người, có hiếu với mẹ, … có làm các Công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với Chư Thiên ở Cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
– “Thưa chư Vị, có nhiều người giữa Loài Người, có hiếu với mẹ, … có làm các Công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Chư Thiên ở Cõi trời thứ ba mươi ba hoan hỷ nói
– “Thật vậy, Thiên chúng sẽ được sung mãn, còn các Asura chúng sẽ bị tổn giảm.
37.- Sakka
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho Chư Thiên ở Cõi trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy, nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm Ngày tám trong nửa tháng Kể cả phần đặc biệt Khéo đầy đủ cả tám Theo làm lễ Bố-tát Vị ấy giống như ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng, nói sai, không nói đúng. Vì cớ sao? Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa ly tham, chưa ly sân, chưa ly si. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí Giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng.
Ngày mười bốn, ngày rằm Ngày tám trong nửa tháng Kể cả phần đặc biệt Khéo đầy đủ cả tám Theo làm lễ Bố-tát Vị ấy giống như ta.
Vì cớ sao? Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã ly tham, đã ly sân, đã ly si.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho Chư Thiên ở Cõi trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm Ngày tám trong nửa tháng Kể cả phần đặc biệt Khéo đầy đủ cả tám Theo làm lễ Bố-tát Vị ấy giống như ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng … Vì cớ sao? Ta nói rằng Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa Giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán … chánh trí Giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng:
Ngày mười bốn, ngày rằm Ngày tám trong nửa tháng Kể cả phần đặc biệt Khéo đầy đủ cả tám Theo làm lễ Bố-tát Vị ấy giống như ta.
Vì cớ sao? Ta nói rằng, vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, Giải thoát khỏi khổ đau.
38.- Ðược Nuôi Dưỡng Tế Nhị
- – Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải Kàsi là áo cánh, bằng vải Kàsi là nội y, bằng vải Kàsi là thượng y. Ðêm và ngày, một lọng trắng được che cho ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay xương. Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm, cháo chua. Trong nhà phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo, thịt gà và cơm nấu.
2.- Với Ta, này các Tỷ-kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, ta suy nghĩ rằng: “Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bị bệnh, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, sau khi thấy người khác chết, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn.
- Kiêu Mạn
- – Có ba kiêu mạn này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ, Kiêu mạn của không bệnh, Kiêu mạn của sự sống.
Say sưa trong Kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại Mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Say sưa trong Kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân…., về ý . Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại Mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Say sưa trong Kiêu mạn của sự sống, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại Mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục.
Say sưa trong Kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của đời sống, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục.
2.
Bị bệnh và bị già Lại còn phải bị chết Kẻ phàm phu ghê tởm Người khác bị như vậy Nếu ta cũng ghê tởm Chúng sanh bị như vậy, Không xứng đáng cho ta, Với ta được sống vậy Nên ta sống như thật Biết pháp không sanh y Sự say sưa không bệnh Tuổi trẻ và sự sống Tất cả ta nhiếp phục Thấy xuất ly an ổn Nơi ta khởi tinh tấn Vì ta thấy Niết-bàn Ta không còn có thể Thọ hưởng các Dục vọng ta sẽ không trở lui Ðích Phạm hạnh ta đến
40.- Tăng Thượng
1-4
– Này các Tỷ-kheo, có ba tăng thượng này. Thế nào là ba? Ngã tăng thượng, thế giới tăng thượng, pháp tăng thượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ngã tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quan sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn Khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, sự đoạn tận tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên (cho ta). Và ta đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đã đoạn tận tất cả các Dục vọng như vậy, lại còn đeo đuổi các Dục vọng như kia hay còn ác tệ hơn. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng tự ngã, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tự ngã tăng thượng.
2.- Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là thế giới tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn Khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể làm như vậy, đoạn tận của tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Và ta đã xuất gia như vậy, lại có thể suy nghĩ về dục tầm hay có thể suy nghĩ về sân tầm, hay có thể suy nghi về hại tầm. To lớn là đại chúng này sống ở trong đời. Trong đại chúng sống ở đời, có các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thể thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Chúng biết về ta như sau: “Hãy xem thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện”. Lại có các Chư Thiên có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Các vị ấy có thể biết về ta như sau: “Hãy xem thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện.”
Vị ấy lại quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng thế giới, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không có tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thế giới tăng thượng.
3.-Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn Khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, đoạn tận tất cả các khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Nay ta có những người đồng Phạm hạnh, chúng sống biết và thấy. Ta đã được xuất gia trong pháp và Luật khéo giảng như vậy, không lẽ ta lại có thể sống biếng nhác phóng dật. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy lại Quán sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng pháp, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp tăng thượng này.
4.
Trên đời không giấu được Ác nghiệp tự mình làm Ngã của ngươi ta biết Là thật hay là giả Ngươi thật khinh thiện ngã Mặt giáp mặt chứng kiến Muốn che giấu tự ngã Ðiều ác tự ngã làm Chư Thiên và Như Lai Thấy rõ ở trong đời Sở hành của kẻ ngu Làm các hạng tà vạy Vậy vị ngã tăng thượng Sở hành phải Chánh niệm Vị thế giới tăng thượng Hãy khôn khéo, Thiền tịnh Với vị pháp tăng thượng Hãy sống theo tùy pháp Ðại sĩ không thối thất Tinh cần theo chân lý Nhiếp phục được ma quân Chiến thắng được tử thần Với Tinh cần tinh tấn Sanh đã được đoạn tận. Bậc Đạo sĩ như vậy, Hiểu Thế gian diệu chí Ðối với tất cả pháp Không có gì xúc phạm
-ooOoo-